Không có loại thuốc, kẹo nào có tác dụng giải rượu nhanh chóng
VOV.VN -Các chuyên gia đều khẳng định, không có một loại thuốc, kẹo hay thực phẩm chức năng nào có tác dụng giải rượu.
Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo có tác dụng “giải rượu bia thần tốc", "hỗ trợ giảm nhanh cơn say". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đều khẳng định, hiện không có loại thuốc, thực phẩm chức năng hay loại kẹo nào có tác dụng giải rượu thần tốc như quảng cáo.
Theo BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn, ngoài những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu methadone, biện pháp sử dụng điều trị là lọc máu. Hiện không có loại thuốc, kẹo nào có tác dụng giải rượu nhanh chóng. “Đối với tất cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc, khuyến cáo cộng đồng không nên sử dụng, vì có thể ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe”- BS Dẫn khuyến cáo.
BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn. |
Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng khẳng định, chưa có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng giải rượu thần tốc, thổi bay nồng độ cồn. Cục Quản lý Dược cũng cho biết, ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, một người khi bị say hay ngộ độc rượu, để giải rượu bằng bất kỳ biện pháp nào kể cả là thuốc đều không có tác dụng. Thậm chí, các loại thuốc, kẹo hay thực phẩm thức năng được quảng cáo hiện nay, thành phần không rõ ràng, chưa được kiểm chứng bằng nghiên cứu khoa học. Do vậy, người dân không nên tin vào những lời quảng cáo để rồi “tiền mất tật mang”.
Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. |
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, để tránh bị say hay ngộ độc rượu, khi uống, người dân cần chú ý ăn đầy đủ, đặc biệt là các thức ăn nhiều năng lượng gồm các chất đường, chất tinh bột, nếu không cơ thể sẽ rất dễ bị hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, sau khi uống rượu, người dân cũng cần uống nhiều nước có các chất điện giải như nước rau, nước hoa quả, nước oresol... để tăng lượng đào thải rượu ra qua đường nước tiểu.
BS Nguyên cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh bị say hay ngộ độc rượu là người dân phải hạn chế liều lượng và số lần uống. Ngoài ra, phụ nữ có thai, trẻ em, hay những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp… cũng không nên uống rượu./.
Từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý ra sao?
Ăn trái cây cũng có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn?