Không nên uống cà phê vào những thời điểm này
VOV.VN - Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng uống vào thời điểm không thích hợp sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là những thời điểm mà bạn tuyệt đối không nên uống cà phê.
Cà phê là một trong những đồ uống được yêu thích nhất hiện nay. Ngoài kích thích sự tỉnh táo, cà phê còn có thể tăng cường khả năng nhận thức, hỗ trợ tiêu hóa, hoạt động như một chất chống viêm.
Nhà dinh dưỡng học Sharon Katzman đã chỉ ra một số nghiên cứu mới cho thấy cà phê thậm chí có thể là một phương pháp hữu ích chống lại chứng sa sút trí tuệ.
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều lợi ích, cà phê thực sự sẽ gây hại nếu uống vào những thời gian không phù hợp.
Sau 12 giờ trưa
Uống cà phê sau 12 giờ trưa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch trình giấc ngủ của bạn. Một cách để tránh vấn đề này là hãy thử uống cà phê ủ lạnh vào buổi sáng.
Chuyên gia dinh dưỡng Ella Davar cho biết: “Cà phê ủ lạnh (Cold brew) thường có lượng caffein cao hơn cà phê nóng, tạo ra một cốc đậm đặc hơn”.
Vì vậy, một tách cà phê lạnh vào lúc 11:30 sáng có thể khiến bạn sảng khoái đủ lâu để bỏ qua thói quen uống vào buổi chiều.
Khi bạn đã uống 2 cốc
Chuyên gia khuyến nghị nên giới hạn lượng tiêu thụ cà phê ở mức 2-3 cốc. Bạn không nên uống quá nhiều để tránh bị mất nước.
Theo tạp chí Science, uống nhiều hơn 4 tách cà phê mỗi ngày được coi là một trong những thói quen uống cà phê làm rút ngắn tuổi thọ của bạn.
Khi bụng đói
Cà phê có tính axit nên uống khi bụng đói có thể gây khó chịu. Hơn nữa, nồng độ axit có thể gây ra vấn đề đối với những người bị ợ chua, trào ngược, các vấn đề về tiêu hóa và thậm chí là đau bụng.
Để tránh gây hại cho dạ dày, bạn nên mua các loại đậu không biến đổi gen được trồng hữu cơ với hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất hoặc uống cà phê với một số loại sữa để giảm nồng độ axit.
Đối với những người thích thưởng thức cà phê đầu tiên vào buổi sáng, chuyên gia lưu ý cà phê ủ lạnh có xu hướng ít đắng và có ít tính axit hơn cà phê thông thường.
Khi mức cholesterol cao
Nếu bạn đang gặp tình trạng cholesterol cao, bạn không cần phải loại bỏ cà phê ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, bạn có thể cân nhắc cách uống của mình.
Trong khi hầu hết cà phê đã lọc đã được chứng minh là có tác dụng trung hòa mức lipid, cà phê không lọc hoặc cà phê ép kiểu Pháp thực sự làm tăng cholesterol xấu LDL. Vì vậy, nếu mức LDL của bạn cao, hãy cân nhắc uống cà phê lọc để tránh gây cholesterol xấu tăng cao đột biến.
Uống hàng ngày
Cà phê có thể trở thành thức uống được ưa chuộng đến mức nó có thể dẫn đến nghiện.
Bà Davar cho hay: “Tôi khuyên bạn nên uống điều độ vì chất kích thích như cà phê có ảnh hưởng trực tiếp đến mức năng lượng bằng cách tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương-các hormone kích thích (như adrenaline) và chất dẫn truyền thần kinh tác động đến năng lượng. Cơ thể chúng ta thích nghi với tác động của chúng và yêu cầu tăng liều lượng để có được hiệu quả tương tự; cuối cùng dẫn đến kiệt sức và mệt mỏi”./.