Làm gì để bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng
VOV.VN - Tập thể dục vào lúc trời tắt hẳn nắng, không lên sân thượng tưới cây khi còn nắng và tuyệt đối không sinh hoạt, vận động khi thời tiết nắng nóng đạt đỉnh điểm.
Các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân, đặc biệt là những lao động phải làm việc ngoài trời.
Mùa hè năm nay cũng đến sớm với các tỉnh, thành phía Bắc. Thời gian qua, mức nhiệt đo được tại Sơn La có thời điểm lên đến 42 độ. Và theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay khả năng miền Bắc sẽ có nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.
Nắng nóng năm ngoái tại Châu Âu đã khiến 11.600 người tử vong. Điều này để cho thấy yếu tốt thời tiết liên quan mật thiết đến sức khỏe của chúng ta. Nắng nóng có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, mất nước gây nguy hiểm đến sức khỏe và cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến các bệnh lý nền khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
BSCKII Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị, cho biết: với những người phải làm việc trực tiếp dưới thời tiết nắng nóng thì điều đầu tiên là cần nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống đủ chất, đủ vitamin và uống đủ nước.
Nếu có thể, người lao động nên lựa chọn khoảng thời gian đầu giờ sáng và cuối giờ chiều để gia tăng cường độ làm việc. Trong trường hợp không thể thì cần phải trang bị bảo hộ chống nắng và làm việc xen lẫn nghỉ ngơi tại nơi râm mát.
Theo bác sỹ Khiêm, hiện tượng say nắng, say nóng có thể xảy ra khi người lao động làm việc quá lâu dưới trời nắng gắt và nặng hơn là hiện tượng sốc nhiệt làm toàn bộ cơ thể bị tê liệt, gây suy gan, suy thận và ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì thế, khi thấy cơ thể có dấu hiệu xây xẩm mặt mày, vật vã kích thì thì những người xung quanh cần đưa bệnh nhân đến nơi râm mát, nới bỏ quần áo và làm mọi cách để hạ nhiệt độ cơ thể một cách nhanh nhất.
“Dùng khăn thấm nước để lau cổ, gáy, nách, bẹn, cho bệnh nhân uống nước nếu còn có thể và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất”, bác sỹ Khiêm chỉ dẫn.
Người già và trẻ em rất nhạy cảm với thời tiết vì cơ chế điều hòa nhiệt độ của người già kém đi còn trẻ em thì chưa hoàn thiện. Vì vậy, không nên sinh hoạt vào khung giờ nắng nóng cao điểm.
“Gia đình nên khuyên các cụ tập thể dục vào lúc trời nắng tắt hẳn. Có nhiều cụ có thói quen lên sân thượng tưới cây, trong khi sàn bê tông hấp hơi nóng rất mạnh. Vì thế, tuyệt đối không nên sinh hoạt, vận động khi thời tiết đạt đỉnh điểm nhiệt độ trong ngày”, bác sỹ Khiêm khuyến cáo.
Người già ít có cảm giác khát vì vậy cần chủ động bổ sung nước, vitamin bằng cách ăn nhiều và uống nhiều nước ép hoa quả. Vì vitamin sẽ giúp cơ thể tăng khả nặng chịu đựng thời tiết nắng nóng.
Bác sỹ Khiêm cũng lưu ý với các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hô hấp thì cần đặc biệt cẩn trọng vì nhiệt độ nóng có thể tình trạng bệnh nặng lên.
“Bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị đều đặn và hạn chế tối đa việc sinh hoạt, làm việc ngoài trời”, bác sỹ Khiêm nói.