Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng kêu gọi đăng ký hiến mô tạng
VOV.VN - Bệnh viện Đà Nẵng vừa phát động chương trình đăng ký hiến mô tạng với thông điệp “Cho đi là còn mãi”.
Đây là lần đầu tiên bệnh viện Đà Nẵng kêu gọi đoàn viên, thanh niên, y, bác sĩ của bệnh viện tình nguyện đăng ký. Hiện đã có gần 80 người đăng ký hiến tạng.
Ấp ủ suy nghĩ đăng ký hiến mô tạng từ thời còn là sinh viên y khoa, bác sĩ Dương Nguyễn Kiều Hạnh (28 tuổi), ở Khoa hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng đã phải thuyết phục gia đình mấy năm nay mới được sự đồng ý. Bác sĩ Hạnh cho biết, gia đình vẫn quan niệm khi mất đi phải còn nguyên vẹn. Nhưng vì làm trong ngành y nên bác sĩ Hạnh hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến mô tạng sau khi qua đời sẽ giúp nhiều người khác có cơ hội được sống.
"Tôi cảm thấy đăng ký hiến tạng rất có ý nghĩa vì mỗi một tạng là một món quà của sự sống mà chúng tôi sẵn sàng trao đi để nhiều người có được hạnh phúc và sự sống. Tôi hy vọng, đăng ký hiến tạng của chúng tôi đại diện cho một lớp trẻ phát động chương trình tuổi trẻ tình nguyện vì cộng đồng."- BS Hạnh cho biết.
Hoạt động đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện Đà Nẵng được thực hiện thông qua nhiều phương tiện. Ban đầu chỉ có vài trường hợp đăng ký, nhưng sau tăng lên gần 80 người. Thủ tục đăng ký rất đơn giản, chỉ cần điền đầy đủ thông tin, ảnh thẻ và chứng minh nhân dân đính kèm mẫu đăng ký hiến tạng của Trung tâm điều phối và ghép tạng Quốc gia sẽ được cấp thẻ trong thời gian sớm nhất. Dược sĩ Lê Gia Lộc, Phòng Chỉ đạo tuyến, Phó Bí Thư Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nếu một người vì rủi ro mà mất đi, có tới 108 bộ phận trong cơ thể có thể được cho đi, tương đương có thể cứu được 108 người.
"Sau khi nhận được sự hưởng ứng của nhân viên y tế, trong thời gian tới, sẽ mở rộng, thực hiện việc đăng ký hiến tạng tại khu Khám bệnh để tất cả các đối tượng nhân dân đều được biết và cùng tham gia. Mọi người cũng nên thay đổi quan niệm truyền thống là sau khi mất phải chôn cất toàn vẹn. Có thể mình cho đi những bộ phận của mình vừa an ủi được linh hồn của người mất mà cứu được người đang có thể được sống thì đó là một việc rất tốt"- Dược sĩ Lê Gia Lộc cho biết./.