Ma trận mang tên Thực phẩm chức năng
VOV.VN -Thị trường thực phẩm chức năng phát triển, bên cạnh việc mang lại nhiều lựa chọn cho người dân thì cũng tiềm ẩn những hiểm họa khó lường.
Chăm sóc sức khỏe bằng thực phẩm chức năng (TPCN) đang dần trở nên phổ biến đặc biệt với người dân ở các thành phố lớn. Từ năm 1999, khi TPCN bắt đầ được nhập vào Việt Nam, đến cuối năm 2012, gần như cả ngành dược Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực này. Từ 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh năm 2000, đến cuối 2012 con số này tăng lên thành hơn 1,500 cơ sở, với hơn 5,500 sản phẩm và hơn 3,500 cơ sở với 6,800 sản phẩm năm 2013. Trong đó, 80% sản phẩm TPCN là nhập khẩu – 20% sản phẩm sản xuất trong nước.
Nhu cầu của người tiêu dùng
Điều tra của Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế cho thấy, 68.1% người dân ở Hà Nội sử dụng TPCN, gần bằng với tỉ lệ 70% tại Mỹ. Con số này là 40% với người dân ở thành phố Hồ Chí Minh. Những con số này cho thấy nhu cầu thị trường cho những sản phẩm thực phẩm chức năng là không hề nhỏ. Lí do dẫn đến sự tăng cao trong nhu cầu này có thể kể đến sự tiến bộ trong nhận thức của người dân về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe, trong đó họ ngày càng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc tự bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Thêm vào đó, đời sống được cải thiện, mức sống được nâng cao cũng cho phép họ chi trả cho những nhu cầu “gia tăng” như TPCN, thay vì chỉ đơn thuần là những nhu cầu thiết yếu thường ngày.
Thực tế thị trường
Khảo sát thị trường một số sản phẩm TPCN cho thấy, TCPN có giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu, khá cao so với thu nhập bình quân hàng năm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng thực sự của các loại TPCN mới là điều khiến chúng ta phải lưu tâm.
Tháng 8 năm 2016, khi kiểm tra kho hàng của một doanh nghiệp tại Thanh Trì, Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 20 loại thực phẩm chức năng được đóng gói hoàn chỉnh và dán tem nhập khẩu, ghi sản phẩm chính hãng, trong đó có nhiều loại sản phẩm quen thuộc trên thị trường. Cơ sở này cho biết, các thực phẩm chức năng này được nhập từ biên giới phía Bắc, các thương lái Trung Quốc đảm nhận vận chuyển hàng đến tận nơi. Tổng số lượng sữa ong chúa, nhau thai cừu, collagen cùng hàng loạt sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc được "phù phép" thành hàng nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu này lên tới con số khoảng 10 tấn. Và đây không phải là lần đầu tiên những vụ làm giả TPCN như thế này bị phát hiện.
Nếu nhìn sang các kênh truyền thông quảng cáo,ta dễ dàng thấy được quảng cáo của các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe chiếm tỉ suất vô cùng lớn. Thế nhưng, Cục An toàn Thực phẩm cũng cho biết, cứ 10 quảng cáo TPCN trên truyền hình thì 2 quảng cáo chưa có giấy phép quảng cáo, và cứ 10 quảng cáo có giấy phép thì có 5 quảng cáo sai về nội dung so với công bố tiêu chuẩn.
Với một số lượng không hề nhỏ các sản phẩm TPCN có mặt trên thị trường, giá cả thì không hề rẻ, quảng cáo cho các sản phẩm này thì xuất hiện dày đặc trong khi chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ, người tiêu dùng cần phải làm gì để vẫn duy trì được nhu cầu chăm sóc sức khỏe lại bảo vệ mình khỏi các nguy cơ tiềm ẩn?
Giải pháp an toàn
Với đặc thù phong phú về khí hậu, thổ nhưỡng mang lại nguồn tài nguyên đa dạng sinh học dồi dào, Việt Nam có gần 4000 loài thực vật, hơn 400 loài động vật, 75 loại khoáng vật và trên 50 loại tảo có khả năng làm thuốc. Kết hợp với nền y học cổ truyền lâu đời thì đây rõ ràng là một tiềm năng vô cùng to lớn cho ngành thực phẩm chức năng. Thêm vào đó, TPCN rất dễ áp dụng công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học. Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được nhiều sản phẩm TPCN chất lượng tương đương với nước ngoài. Sử dụng các sản phẩm TPCN trong nước không chỉ giúp khuyến khích ngành y dược trong nước phát triển mà còn hạn chế khả năng mua phải hàng giả, hàng nhái theo các loại TPCN nhập khẩu.
Tem nhận biết |