Mang đến rất nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng kiwi cũng tiềm ẩn các rủi ro này
VOV.VN - Kiwi là một loại trái cây có vỏ màu nâu, ruột màu xanh lá cây rực rỡ và hạt nhỏ màu đen. Chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa, kiwi là một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho chế độ ăn uống của bạn. Mặc dù có vị ngọt nhưng kiwi là loại trái cây thân thiện với bệnh tiểu đường.
Lợi ích sức khỏe của Kiwi
Kiwi là nguồn vitamin C dồi dào
Kiwi nổi tiếng với hàm lượng vitamin C cao, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Theo chuyên gia dinh dưỡng, một quả Kiwi có thể cung cấp nhiều hơn lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày, giúp cơ thể chống lại bệnh tật và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Chứa nhiều chất chống oxy hóa
Kiwi chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm polyphenol và carotenoids, giúp chống lại stress oxy hóa trong cơ thể. Những chất chống oxy hóa này đóng vai trò trung hòa các gốc tự do, giảm viêm và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Thúc đẩy quản lý cân nặng
Mặc dù có vị ngọt nhưng kiwi lại tương đối ít calo và chất béo, khiến nó trở thành một lựa chọn ăn nhẹ bổ dưỡng cho những ai muốn kiểm soát cân nặng của mình. Sự kết hợp giữa chất xơ và hàm lượng calo thấp trong kiwi thúc đẩy cảm giác no, giúp kiểm soát sự thèm ăn và hỗ trợ các mục tiêu giảm cân hoặc duy trì cân nặng.
Hỗ trợ tiêu hóa
Kiwi là một nguồn chất xơ dồi dào hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh. Chuyên gia nhấn mạnh, chất xơ hòa tan trong kiwi hỗ trợ nhu động ruột thường xuyên, trong khi chất xơ không hòa tan giúp ngăn ngừa táo bón. Vì thế bạn nên bổ sung kiwi trong chế độ ăn uống hằng ngày để góp phần tạo nên hệ thống tiêu hóa cân bằng.
Tốt cho da
Sự kết hợp giữa vitamin C và chất chống oxy hóa trong kiwi hỗ trợ sức khỏe làn da bằng cách thúc đẩy tổng hợp collagen và bảo vệ da khỏi tác hại của quá trình oxy hóa. Bổ sung kiwi thường xuyên góp phần mang lại làn da trẻ trung và tươi sáng hơn.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Kali, một khoáng chất cần thiết cho sức khỏe tim mạch, có nhiều trong kiwi. Chất điện giải này giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Kali trong kiwi còn được biết đến với tác dụng thúc đẩy chức năng mạch máu. Hơn nữa, việc ăn ít nhất một quả kiwi mỗi tuần có thể cải thiện lượng lipid huyết tương, nghĩa là giảm mức cholesterol.
Quản lý lượng đường trong máu
Kiwi có tác động tích cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu. Hàm lượng chất xơ và chỉ số đường huyết thấp khiến kiwi trở thành loại trái cây có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc những người muốn điều chỉnh lượng đường trong máu.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Kiwi chứa một hợp chất độc đáo gọi là serotonin, thường liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng và giấc ngủ. Theo chuyên gia, ăn kiwi trước khi đi ngủ góp phần cải thiện chất lượng và thời gian ngủ, khiến nó trở thành một lựa chọn tự nhiên và lành mạnh để đối phó với chứng rối loạn giấc ngủ.
Giảm nguy cơ loãng xương
Kiwi chứa vitamin K, một chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương. Hấp thụ đầy đủ vitamin K sẽ hỗ trợ hấp thu canxi, góp phần giúp xương chắc khỏe. Chính điều này biến kiwi trở thành một sự bổ sung có giá trị cho chế độ ăn uống toàn diện tập trung vào sức khỏe của xương.
Lợi ích sức khỏe của mắt
Kiwi chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có thể hỗ trợ thị lực và làm chậm sự tiến triển của các tình trạng mất thị lực như thoái hóa điểm vàng và bệnh võng mạc tiểu đường.
Có bất kỳ tác dụng phụ nào khi ăn Kiwi không?
Mặc dù trái kiwi thường được coi là an toàn cho hầu hết mọi người nhưng vẫn có một số rủi ro tiềm ẩn cần lưu ý. Một số người có thể bị dị ứng với kiwi, gặp các triệu chứng như ngứa, sưng tấy hoặc khó thở.
Ngoài ra, hàm lượng vitamin C cao trong kiwi có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa hoặc dị ứng ở những người nhạy cảm. Nếu bạn lo lắng hoặc gặp bất kỳ phản ứng bất lợi nào, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.