Nam giới cao tuổi thường xuyên khám sàng lọc để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến
VOV.VN - Ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới cao tuổi, nếu có các yếu tố nguy cơ của UTTLT (gia đình có người bị UTTLT, bản thân mắc phì đại TLT, tiền sử tiếp xúc phóng xạ, rối loạn tiểu tiện…) cần đi khám sàng lọc để phát hiện sớm căn bệnh này.
Tuyến tiền liệt là một cơ quan của nam giới, vị trí nằm ngay phía dưới cổ bàng quang, nơi bắt đầu của niệu đạo. Tiền liệt tuyến nặng khoảng 20g và góp phần trong việc sản sinh ra tinh dịch. Ở người cao tuổi, nếu tuyến tiền liệt phát triển lớn sẽ gây triệu chứng bế tắc đường tiểu mà ta gọi là phì đại tiền liệt tuyến, hoặc đôi khi dẫn đến ung thư.
Ung thư tuyến tiền liệt hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến (UTTLT) là một trong những bệnh ung thư hay gặp ở nam giới. Cũng như tất cả các loại ung thư khác, sự sinh sản của những tế bào bị đột biến gen nhiều lần được xem như là nguyên nhân gây ra UTTLT. Sự sinh sản này xảy ra liên tục và không ngừng do các tế bào đột biến không còn chịu sự kiểm soát của cơ thể. Vì thế, bệnh luôn có khuynh hướng lan rộng tại chỗ cũng như lan sang các cơ quan khác (di căn).
Qua những thống kê dịch tễ học, người ta nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ như sau: Tuổi càng cao càng dễ bị UTTLT; Tiền sử gia đình: nếu trong gia đình đã có người mắc bệnh thì cần chú ý đến những người cao tuổi trong gia đình; Những người làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với các chất phóng xạ.
Ngoài ra, ăn nhiều thịt nướng, mỡ động vật cũng có nguy cơ mắc bệnh này, vì thịt động vật nấu ở nhiệt độ cao sẽ sinh ra chất heterocyclic amines, hoặc khi nướng trên lửa sẽ sinh ra polycyclic aromatic hydrocarbons, đây là những chất gây ra ung thư.
Theo số liệu của Cơ quan Thế giới Nghiên cứu Ung thư IARC, có khoảng 1.112.000 ca mắc UTTLT mỗi năm, chiếm 7,9% tổng số ung thư các loại. Tính riêng về nam giới, UTTLT đứng thứ hai sau ung thư phổi và chiếm 15% tổng số các ung thư nam giới.
Giai đoạn đầu của UTTLT, triệu chứng thường không rõ ràng hoặc có biểu hiện tương tự u phì đại lành tính; Các triệu chứng kích thích: đái nhiều lần, đái vội, đái són; Các triệu chứng chèn ép: đái khó, phải rặn, đái rớt nước tiểu sau cùng, đái không hết.
Bệnh nặng hơn có thể gặp bí đái hoàn toàn hay không hoàn toàn, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái ra máu; Giai đoạn muộn, bệnh sẽ có các biểu hiện của di căn ung thư như: Rối loạn tiểu tiện do u xâm lấn vùng cổ bàng quang và xâm lấn lỗ niệu quản; Di căn xương gây đau nhức xương. Nếu di căn cột sống có thể gây chèn ép tủy, gây liệt chi, rối loạn cơ tròn; Di căn hạch chậu, gây phù chân; Xuất tinh ra máu nếu di căn túi tinh.
Theo PGS. Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tuyến tiền liệt là một trong những tuyến không phải đảm bảo chức năng sống của cơ thể, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân, chỉ ảnh hưởng một chút đến chức năng tình dục. Sau khi điều trị, theo thời gian thì chức năng này sẽ trở lại bình thường.
“Hiện nay, với UTTLT, chúng ta có thể phát hiện từ rất sớm bằng phương pháp xét nghiệm. Nếu như giai đoạn sớm mà khối u còn cư trú trong tiền liệt tuyến thì có khả năng phải cắt bỏ toàn bộ khối u. Phương pháp phẫu thuật này hiện nay Việt Nam đã thực hiện rất tốt”, ông Đỗ Trường Thành cho hay.
Các phương pháp điều trị phẫu thuật và xạ trị đều có thể sống thêm 10 năm, tương đương trên 80% trường hợp đối với ung thư giai đoạn khu trú. Phẫu thuật nội soi có robot bổ trợ đang trên đà phát triển và đạt kết quả sau 5 năm tương đương với phẫu thuật kinh điển về điều trị ung thư, phục hồi chức năng sinh dục và tiểu tiện.
PGS. Đỗ Trường Thành đưa ra lời khuyên, với nam giới lớn tuổi, có các yếu tố nguy cơ của UTTLT cần đi khám sàng lọc (thử PSA, khám tuyến tiền liệt) để phát hiện sớm nếu mắc UTTLT. Đối với các trường hợp đã chẩn đoán UTTLT, nếu ở giai đoạn sớm, điều trị tốt nhất là phẫu thuật, xạ trị được áp dụng ở một số trường hợp. Cùng với đó, cần thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực vận động để giảm nguy cơ mắc UTTLT./.