Ngủ lúc mấy giờ là tốt nhất?
VOV.VN - Thời gian ngủ đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe nhưng bạn đã biết nên ngủ lúc mấy giờ là tốt nhất chưa?
Sức khỏe cải thiện tốt nhất khi đi ngủ lúc mấy giờ?
Theo thông tin bài đăng trên website Bệnh viện Medlatec, việc duy trì giờ đi ngủ đều đặn và khoa học sẽ giúp các bộ phận trong cơ thể và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả nhất. Muốn biết nên đi ngủ lúc mấy giờ là tốt cho sức khỏe thì trước tiên bạn cần hiểu về cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể:
- Lúc 21 - 23 giờ là thời điểm hệ miễn dịch đào thải chất độc nên cơ thể và tinh thần cần được thả lỏng, thư giãn dưới các hình thức khác nhau.
- 23 - 1 giờ là lúc gan thải độc và đào thải chất dư thừa ra khỏi cơ thể đồng thời sử dụng triệt để chất dinh dưỡng được nạp vào cơ thể vào buổi ngày và cải thiện trao đổi chất. Khi cơ thể ở trạng thái ngủ say trong khoảng thời gian này sẽ đảm bảo tốt nhất cho sự hoạt động chức năng của gan.
- 1 - 3 giờ: Túi mật tiêu hóa mỡ xấu, chất béo và cholesterol từ máu và thức ăn nên cơ thể cũng cần trong trạng thái ngủ say.
- 3 - 5 giờ: Phổi thực hiện chức năng thải độc.
- 5 - 7 giờ: Ruột già thực hiện chức năng bài tiết chất thải và chất cặn bã của quá trình tiêu hóa. Vì thế việc đi vệ sinh vào thời điểm này sẽ giúp hệ tiêu hóa được làm sạch, giảm thiểu độc tố vào cơ thể.
Dựa trên cơ chế đồng hồ sinh học của cơ thể, các bác sĩ bệnh viện Medlatec khuyến cáo thời gian ngủ thích hợp nhất cho cả người lớn và trẻ nhỏ là lúc 10h đêm và thức dậy lúc 5 - 6h sáng.
Sau 22 giờ là khoảng thời gian các cơ quan trong cơ thể cần được giảm hoạt động và nghỉ ngơi hoàn toàn, bởi lúc đó lượng hormone căng thẳng cortisol bắt đầu giảm, thân nhiệt giảm và não bắt đầu sản xuất hormone melatonin gây ngủ để giấc ngủ đến dễ dàng. Đây cũng là thời điểm tốt nhất để cơ thể cần có giấc ngủ say, điều này sẽ giúp các chức năng được phục hồi để làm việc tốt hơn trong ngày hôm sau.
Lợi ích từ việc đi ngủ đúng giờ
Nếu đã biết được thời điểm tốt nhất để đi ngủ và duy trì đều đặn khung giờ này mỗi ngày, bạn sẽ giúp cho cơ thể khoẻ mạnh.
Phục hồi não bộ
Giấc ngủ sâu giúp cho não bộ được phục hồi và hoạt động tốt hơn các chức năng: tập trung và nhận thức. Khi có giấc ngủ chất lượng thì não bộ được nghỉ ngơi, có điều kiện lọc sạch chất chuyển hóa tích tụ trong hệ thần kinh sau suốt một ngày mệt mỏi.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc và đúng giờ còn cho phép ngày hôm sau làm việc hiệu quả hơn vì não bộ có khả năng xử lý nhanh nhạy, linh hoạt các thông tin nhận được.
Cải thiện hệ miễn dịch
Giấc ngủ ngon giúp chức năng của các tế bào miễn dịch lympho T cải thiện tốt hơn, nhờ đó mà cơ thể có thể chống lại các mầm bệnh nội bào như: virus như cúm, herpes, HIV, tế bào ung thư… Ngủ đúng giờ cũng là cách để cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Các chuyên gia sức khỏe lý giải rằng, khi thiếu ngủ sẽ làm tăng chất gây viêm trong máu và nồng độ hormone gây stress - tác nhân chính gây nên bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, thiếu ngủ và không biết nên đi ngủ lúc mấy giờ để duy trì giấc ngủ đúng giờ còn làm xuất hiện xu hướng ăn vặt nhiều hơn từ đó sinh ra béo phì - yếu tố liên quan tới bệnh tim mạch.
Ngủ không đủ giấc còn đẩy cơ thể vào trạng thái lừ đừ, mệt mỏi, không hứng thú trong mọi hoạt động thường ngày. Vì thế, người ngủ không đúng giờ, ngủ không ngon giấc hay thiếu ngủ có nguy cơ bị béo phì và bệnh tim mạch, nhất là chứng ngưng thở khi ngủ.
Ngăn ngừa lão hóa
Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc là cách để hạn chế nếp nhăn, làm chậm quá trình lão hóa. Điều này được giải thích do khi ngủ say, tế bào già cỗi, tế bào chết trên da được đào thải và thay thế bằng tế bào mới giàu sức sống hơn.
Không những thế, duy trì giấc ngủ đúng giờ còn hạn chế xuất hiện nếp nhăn và giúp tinh thần được sảng khoái, nhờ đó mà ngăn ngừa được quá trình lão hóa da.
Bảo vệ sức khỏe gan
Từ đồng hồ sinh học có thể thấy rằng ban đêm là lúc gan thực hiện chức năng của mình tốt nhất nên khi ngủ không đúng giờ, không đủ giấc thì chức năng này không đảm bảo, lâu dần sinh ra tích tụ độc tố, tổn thương tế bào khỏe mạnh và khó phục hồi, rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Mẹo để đi ngủ đúng giờ
Nếu bạn đã biết nên đi ngủ lúc mấy giờ và muốn duy trì khung giờ ngủ này nhưng lại đang bị khó ngủ hay chưa quen đi ngủ vào khung giờ ấy, thì một số cách sau đây sẽ giúp bạn thực hiện được kế hoạch của mình:
- Mọi người cần tránh ăn nhiều ngay trước khi đi ngủ, nếu cảm thấy đói thì có thể ăn nhẹ, đặc biệt nên tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ và gia vị để tránh bị rối loạn tiêu hóa hay khó tiêu gây khó ngủ.
- Hạn chế uống nhiều nước gần giờ lên giường để không bị thức giấc giữa đêm để đi vệ sinh. Vào buổi chiều nên hạn chế uống các thức uống, thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, nước ngọt, nước tăng lực và sôcôla.
- Tránh sử dụng nicotine hoặc uống rượu trong vòng 4-6 giờ trước khi đi ngủ vì có thể dẫn đến khó ngủ hoặc thường xuyên thức giấc trong đêm. Bạn không nên ngủ muộn vào buổi chiều; có thể tập gym, thể dục nhẹ nhàng; phòng ngủ tối, mát mẻ sẽ giúp dễ chợp mắt hơn.
- Bạn có thể thực hiện hoạt động không gây kích thích như yoga, thiền hoặc nghe nhạc nhẹ trong ánh sáng yếu để có một giấc ngủ thoải mái hơn.
- Tạo một không gian ngủ thoáng mát, thơm tho và sạch sẽ.
- Trước khi ngủ 30 phút không tiếp xúc với thiết bị điện tử.