Nhiều trẻ ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn: Yêu cầu công an vào cuộc
VOV.VN -Liên quan đến vụ nhiều trẻ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán lợn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Công an điều tra làm rõ sự việc.
Từ việc nhiều trẻ ở Thuận Thành (Bắc Ninh) dương tính với sán dây lợn, chiều 15/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có cuộc họp khẩn chủ trì cuộc họp liên quan đến nghi vấn cung cấp thịt "bẩn", nhiễm sán vào bếp ăn tại Trường Mầm non xã Thanh Khương.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu Sở Y tế căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về việc phòng chống sán lợn; tổ chức xét nghiệm với các học sinh tại trường mầm non Thanh Khương.
Nhiều trẻ đến khám, xét nghiệm sán tại Bệnh viện Nhiệt đới TW. (Ảnh: VH) |
Phụ huynh không nên quá lo lắng
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, phụ huynh không nên quá lo lắng khi các cháu có kết quả dương tính với nhiễm sán lợn. Theo GS Kính, việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế.
“Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến các bệnh viện khám.”- GS Kính cho biết.
Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần. Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán.
Trước đó, sáng 15/3, khoảng 400 cháu bé của trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh đã được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để xét nghiệm, sau vụ việc trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị các phụ huynh tố sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để làm thức ăn cho các học sinh./.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn
44/173 trẻ mầm non ở Bắc Ninh dương tính với sán lợn
400 trẻ mầm non ở Bắc Ninh từng ăn thịt bẩn đi xét nghiệm