Những điều nên và không nên khi chăm sóc trẻ bị bệnh sốt xuất huyết

Ths. Bs Lê Bích Liên - Trưởng khoa Sốt xuất huyết – BV Nhi đồng 1 sẽ đưa ra những lời khuyên cần thiết khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết.

Có nhiều trường hợp cha mẹ không biết cách chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) nên khi nhập viện bệnh đã ở giai đoạn nặng, nên việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc. Chúng tôi xin thông tin đến các bậc cha mẹ một số điều nên và không nên khi chăm sóc trẻ SXH:

Nên:

- Khi thấy trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên mà không khỏi dù đã được điều trị với các thuốc thông thường, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và xét nghiệm máu nhằm phát hiện sớm SXH.

- Hơn 60% các trường hợp SXH chỉ cần điều trị tại nhà. Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cho cha mẹ cách chăm sóc, theo dõi trẻ và hẹn tái khám mỗi ngày.

- Cho trẻ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc hạ sốt an toàn là Paracetamol 10 – 15 mg/kg/lần, 3 – 4 lần.

- Khi trẻ lên cơn sốt cao co giật:

+ Cần cởi bỏ hết áo quần của trẻ.

+ Lau mát bằng nước ấm với 5 cái khăn nhỏ, đắp ở nách, 2 bẹn và lau khắp người cho đến khi thân nhiệt của trẻ hạ dưới 38oC.

+ Dùng thuốc hạ sốt nhét đường hậu môn hoặc có thể cho trẻ uống ngay sau khi trẻ đã tỉnh lại.

+ Nên đưa trẻ vào bệnh viện khám ngay sau đó.

- Cho trẻ uống nhiều nước, loại nước tuỳ thích, nước sôi để nguội, nước suối, nước trà, nước trái cây như nước cam, chanh, hay nước dừa đều được.

- Cho trẻ em thức ăn lỏng, dễ tiêu.

-          Điều quan trọng là cha mẹ cần biết các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh để đem con đến bệnh viện kịp thời. Các dấu hiệu như sau:

+ Trẻ hết sốt nhưng lừ đừ, li bì, bỏ bú hoặc lăn lộn, bứt rứt.

+ Tay chân lạnh, ấm.

+ Tiểu ít.

+ Ói nhiều, đau bụng nhiều.

+ Chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiêu phân đen, tiểu máu.

Không nên

- Tự ý mua thuốc cho trẻ uống ở nhà mà không khám bác sĩ.

- Dùng aspirin hay các thuốc hạ sốt khác ngoài Paracetamol.

- Tự ý cho trẻ uống tăng liều hay tăng cữ mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

- Khi trẻ lên cơn co giật do sốt cao không nên nặn chanh vào miệng hay chà rượu.

- Yêu cầu bác sĩ truyền nước biển cho trẻ vì thấy trẻ ăn uống kém./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên