Những người chưa có miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu
VOV.VN - Trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine, người đã tiêm vaccine nhưng vaccine không còn hiệu lực bảo vệ...đều có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp - PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày bệnh sẽ khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám dai, khó bóc bám ở vùng amidal, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản.
Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: Đau họng (85-90%), sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ... Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau (26-40%).
Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.
Bệnh bạch hầu có thể gây các biến chứng nặng như gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.
Hơn nữa nguồn lây bạch hầu có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào, vì thế không nên chủ quan.
Người bệnh nghi mắc bạch hầu phải được đưa vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao hơn Covid-19, do vậy để phòng bệnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là tiêm chủng vaccine.
"Hiện nay vaccine phòng bệnh bạch hầu đã sẵn có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần, khi hiệu lực bảo vệ giảm thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh, do vậy nên tiêm nhắc lại với vaccine bạch hầu" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Trong số 119 có tiếp xúc với bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu, qua lấy mẫu xét nghiệm, chỉ duy nhất một trường hợp có kết quả dương tính. Các trường hợp còn lại đều âm tính, trong đó có nhiều trường hợp tiếp xúc gần. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.