Những trường hợp cần khám hậu Covid-19
VOV.VN - Người từng mắc Covid-19 nặng phải nằm hồi sức (ICU), hoặc bị khó thở, có dấu hiệu tăng đông máu, rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh cần khám kiểm tra sức khỏe.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM), không phải tất cả F0 khỏi bệnh đều cần khám hậu Covid-19. Chỉ một số người thực sự mắc di chứng sau khi khỏi bệnh, còn lại là dấu hiệu của các bệnh lý khác nhưng bị nhầm lẫn thành bất thường hậu Covid-19.
Nhóm cần phải đi khám hậu Covid-19 sớm là những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức, người đã âm tính nCoV nhưng phải chuyển sang khu phục hồi chức năng điều trị tiếp. Hầu hết họ đều sẽ bị di chứng hậu nhiễm. Hậu Covid-19 với họ chính là hậu nhiễm trùng nặng. Như bệnh nhân thở máy nhiều, nằm lâu quá sẽ bị teo cơ, thậm chí phụ thuộc máy thời gian dài khiến phổi bị xơ.
Những người từng là F0 trên nguy cơ cao có cục máu đông. Khi tái khám các bác sĩ sẽ xét nghiệm chẩn đoán thêm tình trạng tăng đông máu để có biện pháp xử trí kịp thời, hoặc lên phương án phòng ngừa. Nếu có nguy cơ, dấu hiệu tăng đông, bác sĩ sẽ kê thuốc chống đông 5-10 ngày, về nhà người bệnh uống thuốc trong một tháng. "Đây là di chứng Covid-19 duy nhất có thể phòng ngừa được", bác sĩ Khanh nói. Chích vaccine để hạn chế nhiễm bệnh là cách phòng tránh di chứng tốt nhất.
F0 đã âm tính, đang vận động mà bị ngộp thở, tức ngực, khó thở, vận động kém đi cũng cần đi khám, đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm. Nếu phát hiện ra bệnh khác không liên quan đến Covid-19 như hen, suyễn..., người bệnh phải điều trị theo phác đồ.
Người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc cũng cần đi khám. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phải di chứng hậu nhiễm mà do đọc quá nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến stress, nhạy cảm quá mức. "Chỉ đi khám khi có các triệu chứng dai dẳng vài tuần, vài tháng", bác sĩ Khanh khuyên.
Nhóm không cần thiết phải đi khám hậu Covid-19 là người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường sau khỏi bệnh. Bác sĩ Khanh cho rằng sau một trận ốm lớn, dài ngày, hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, không nghiêm trọng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.
Ngoài ra, người bệnh nếu thở nặng nhọc, đau nhức tay chân, rụng tóc, hồi hộp, đánh trống ngực... có thể tự điều trị bằng các bài tập vật lý trị liệu và tập thở tại nhà. Rụng tóc thì bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm. Nếu đau cơ xương khớp thì uống thuốc giảm đau, tập luyện tăng cường vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng. Mất khứu giác thì tập ngửi tinh dầu 2-3 lần mỗi ngày. Mệt mỏi thì nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý...
Trường hợp qua thời gian dài cơ thể không tự điều chỉnh được hoặc đã uống thuốc, tập vật lý trị liệu, bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất song không cải thiện, người bệnh cần đi khám. Theo bác sĩ Khanh, các triệu chứng này có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác nghiêm trọng hơn, như sốt do sốt xuất huyết; khó thở do lao, hen suyễn... Do đó, thay vì mặc định đây là di chứng hậu Covid-19, người bệnh cần nên coi việc đi khám là một lần tầm soát bệnh định kỳ, tránh bỏ sót các bệnh nguy hiểm khác. Từ đó có chẩn đoán và phương án điều trị bệnh chính xác, phù hợp.
Người bệnh có thể khám với bác sĩ gia đình, bất kỳ bệnh viện nào mà không cần đến cơ sở y tế lớn. Điều này vừa tránh quá tải cho hệ thống y tế, vừa không tác động đến những bệnh nhân khác khiến họ hoảng sợ theo mà đổ xô đi khám hậu Covid-19. Bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo người dân tiêm mũi 3 sau hai mũi vaccine cơ bản, đồng thời thực hiện nghiêm 5K để "không nhiễm bệnh - không di chứng"./.