Nồng độ asen trong nước ở Hà Nam vượt hàng trăm lần

Đây là nguy cơ dẫn đến bệnh tật cho người dân vì nước sinh hoạt nhiễm Asen có thể gây sảy thai, các bệnh ung thư: da, đường tiêu hóa, đường tiết niệu và gan.  

Tại Hội thảo “Ảnh hưởng của chất Asen trong nước sinh hoạt tới sức khỏe con người” diễn ra sáng 29/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã công bố kết quả nghiên cứu gần đây nằm trong sự hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan cho thấy 24% mẫu nước sinh hoạt ở tỉnh Hà Nam có nồng độ asen cao hơn mức cho phép.

Nghiên cứu do Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường thuộc Bộ Y tế và Viện nghiên cứu Chulabhorn của Thái Lan phối hợp thực hiện tại các xã Văn Xá, Hoàng Tây và Nhật Tân (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Qua phân tích mẫu nước tại đây, nhóm nghiên cứu thấy nước ngầm chưa xử lý có nồng độ asen cao nhất, tiếp theo là nước ngầm đã qua xử lý và nước mưa.

Nồng độ Asen trung bình trong các mẫu nước của 3 xã vừa nêu cao hơn mức cho phép từ 100 đến 2.500 lần mức cho phép. Riêng nước đã qua xử lý có 24% mẫu có hàm lượng asen cao hơn mức cho phép cho thấy kỹ thuật tách bỏ Asen trong quá trình lọc nước hiện nay tại tỉnh Nà Nam chưa tốt.

Trước đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ô nhiễm asen trong nước ngầm đã được tìm thấy tại nhiều nơi ở miền Bắc như Hà Nam, Hà Tây cũ, khu vực phía Nam Hà Nội và một số khu vực ở các tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Hải Dương.

Một nghiên cứu cách đây 7 năm ở 3 xã Hòa Hậu, Vĩnh Trụ, Bồ Đề thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho thấy 94,4% mẫu nước giếng khoan được xét nghiệm có mức Asen cao hơn tiêu chuẩn cho phép và tỷ lệ mắc ung thư da của người dân địa phương cao gần 6 lần so với bình thường.

Theo Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), bộ lọc cát kết hợp giàn phun mưa loại bỏ được tối đa chất asen nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa áp dụng giàn phun mưa khi lọc nước nên khoảng một nửa mẫu nước sau lọc chưa đạt tiêu chuẩn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên