Phát hiện sớm dị tật tiết niệu, sinh dục ở trẻ
VOV.VN - Khuyết tật sinh dục và tiết niệu là các dị tật bẩm sinh, làm thay đổi hình dạng hoặc chức năng của một hoặc các bộ phận trong hệ cơ quan này.
Bệnh ở nhiều dạng nhưng không có dấu hiệu đặc biệt
Dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng ngày 18/5 vừa qua, gần 300 gia đình vẫn đội nắng đưa con đến Bệnh viện Việt Đức khám sàng lọc và tư vấn miễn phí các dị tật bẩm sinh. Trong số đó, có 40 trẻ được xếp lịch mổ gấp.
Đây là hoạt động thường niên của khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức, chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi nhằm sàng lọc những bệnh phổ biến ở trẻ như: hẹp bao quy đầu, lún dương vật, lỗ tiểu thấp, rò niệu đạo, cong vẹo dương vật, dương vật nhỏ, thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, thận ứ nước, các bệnh lý tiêu hóa và các khối u bẩm sinh; các dị tật tay chân, lồng ngực (thừa ngón, biến dạng chi, lõm xương ức…).
Dị tật tiết niệu, sinh dục ở trẻ nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sau này. |
Cầm kết quả và lịch mổ cho cháu nội 10 tuổi trên tay, bà N.T.L tỏ ra nuối tiếc khi gia đình sống ở Hà Nội, mà giờ mới đưa cháu trai tới chương trình khám bệnh này. “Hằng ngày tôi tắm cho cháu, cứ nghĩ dương vật cháu rụt và cong một chút là do chưa phát triển hoàn thiện, khi nào lớn sẽ hết. Đến đây khám, tôi mới biết cháu bị lỗ tiểu thấp, dương vật bị cong cần phẫu thuật sớm. Bác sĩ bảo, bệnh này được phẫu thuật khi 1-3 tuổi, trẻ sẽ phát triển bình thường theo đúng lứa tuổi, các cháu đi học đỡ mất tự ti với bạn bè, sau này không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản”, bà N.T.L bày tỏ.
Theo TS.BS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, BV Hữu nghị Việt Đức, các bệnh dị tật tiết niệu, sinh dục thường có 2 dạng: Một là không có triệu chứng và biểu hiện gì ra ngoài. Chẳng hạn, trẻ vẫn phát triển bình thường, thỉnh thoảng sốt thì gia đình không nghĩ là do nhiễm trùng tiết niệu mà cứ nghĩ là sốt do bệnh thông thường nào đó; Hai là, một số dị tật có hình thái bất thường bên ngoài như dương vật cong vẹo, lỗ tiểu không nằm ở đỉnh quy đầu, bìu 1 bên to 1 bên nhỏ…
“Đây là những bệnh thường xuất hiện khi trẻ mới sinh ra, biểu hiện ở nhiều dạng, thậm chí có thể kết hợp nhiều loại dị tật với nhau dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Với tật bẩm sinh này, điều quan trọng là cần phát hiện và điều trị sớm để giảm nguy cơ biến chứng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống sau này”, bác sĩ Hoa cho hay.
Nên phẫu thuật sớm
Cháu T.V.M, 23 tháng tuổi ở Quảng Ninh, phát hiện lỗ tiểu thấp thể nặng, tức là lỗ tiểu nằm sâu tận cuống dương vật, được bác sĩ Hoa phẫu thuật tạo hình niệu đạo bằng vạt niêm mạc quy đầu cuống. Sau mổ 10 ngày, vết thương khô và được đánh giá là ca mổ thành công. “Em rất mừng vì hoàng tử nhà em từ nay sẽ không phải “đái ngồi” nữa. Trước khi mổ bác sĩ cũng giải thích, nếu tình trạng tốt thì cháu không phải làm công đoạn tiếp theo. Bởi ở thể nặng, sau khi mổ có cháu bị hẹp niệu đạo phải nong 2-3 lần”, chị Đ.T.H, mẹ cháu bày tỏ.
“Nhiều dị tật tiết niệu, sinh dục có thể được phát hiện qua các biến dạng của bộ phận bên ngoài. Nhưng có những dị tật “ẩn” bên trong, ngày một ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của trẻ. Đặc biệt, ngày càng nhiều bé gái phải cắt buồng trứng do u buồng trứng từ trong bào thai. Do vậy, cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở đường tiết niệu sinh dục mà bạn nghi ngờ là dị tật bẩm sinh”.
TS.BS Nguyễn Việt Hoa |
Còn trường hợp cháu A.M, 21 tháng ở Móng Cái, khi sinh ra chỉ thấy 1 bên trái có tinh hoàn, nhưng khi đưa lên đây khám, chụp Xquang thì tinh hoàn ẩn cả 2 bên, sau mổ 1 ngày cháu đã chạy nhảy ăn uống bình thường. “Bác sĩ bảo tinh hoàn của cháu cứ lơ lửng trên ống bẹn nên phải mổ để đưa về đúng vị trí. Em thấy mình may mắn vì nếu không đưa con đi viện sớm, sau này ảnh hưởng tới sinh sản thì khổ cho con lắm”, chị N.T.L chia sẻ.
TS. Hoa phân tích, tình trạng tinh hoàn không xuống bìu và thoát vị bẹn còn có nguy cơ gây nên nghẹt ruột (xoắn tinh hoàn), lúc này bìu sưng to, đau đớn, khiến trẻ quấy khóc. Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn bị để lâu, mất mạch nuôi dễ dẫn tới nguy cơ hoại tử ruột, teo tinh hoàn. Do vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, phải đưa con đến khám chuyên khoa để được phẫu thuật trước tuổi đi học, giúp trẻ có hình thể bên ngoài bình thường hoàn thiện chức năng sinh sản sau này.
Ở bé gái, tình trạng thoát vị bẹn có thể ở buồng trứng, gây nghẹt và hoại tử buồng trứng. Đặc biệt, u nang, u buồng trứng gặp khá nhiều. Tuy nhiên, đa phần những bệnh này triệu chứng rất âm thầm và không có biểu hiện đặc biệt, dễ nhầm với bệnh khác nên thường bị bỏ sót. “Khi thoát vị bẹn hoặc nghẹt ruột trẻ chỉ biết khóc, khi ấy cha mẹ cứ nghĩ con khóc dạ đề hoặc ngứa ngáy nên đã làm theo các phương pháp dân gian như đốt vía mà không để ý xem con bìu to hay bìu nhỏ để đưa đi khám. Hoặc có gia đình cứ nghĩ còn nhỏ, các bộ phận chưa phát triển hoàn thiện, lớn lên mới cần khám mà bỏ lỡ cơ hội phẫu thuật chỉnh hình. Vì vậy, khi phát hiện dị tật, gia đình cần đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn cụ thể./.
Nguyên nhân phổ biến khiến 60% phụ nữ mắc viêm đường tiết niệu