Phơi nắng chữa cao huyết áp
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại ĐH Southampton, ánh nắng mặt trời có khả năng làm hạ huyết áp.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh tại ĐH Southampton mới được công bố trên tờ Journal of Investigative Dermatology cho thấy ánh nắng mặt trời có khả năng làm hạ huyết áp.
Các nhà khoa học đã thử nghiệm trên một nhóm người tình nguyện, chiếu vào họ bức xạ tia cực tím A trong phòng thí nghiệm với liều lượng tương đương khoảng thời gian phơi nắng 30 phút trong mùa hè ở Nam Âu.
Kết quả cho thấy mạch máu của nhóm người này giãn ra và huyết áp hạ. Nhóm nghiên cứu không khẳng định rõ nguyên nhân giúp hạ huyết áp của ánh nắng mặt trời nhưng nêu khả năng là do tác dụng của ôxít nitric và thành phần khác bắt nguồn từ hợp chất này như nitric và nitrate.
Nghiên cứu mới cho thấy phơi nắng có thể giúp hạ huyết áp. (Ảnh minh họa từ Mercola) |
Ôxít nitric giữ vai trò điều chỉnh huyết áp do các tế bào kết thành hàng bên trong thành mạch máu sản sinh oxide nitric để làm mềm và giãn mạch máu, làm giảm áp lực công việc cho trái tim.
Trưởng nhóm nghiên cứu, GS Martin Feelisch, giải thích rằng ôxít nitric và các chất phụ thuộc cũng được chứa ở dưới da và có khả năng ánh nắng đã động viên các phân tử này dịch chuyển từ da vào máu làm giãn mạch máu và hạ huyết áp.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo cần nghiên cứu thêm để xem hiệu quả giảm huyết áp có lặp lại đều đặn khi phơi mình dưới bức xạ tia cực tím A nhiều lần hay không; tác dụng của ánh nắng có phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác cũng như nên cân nhắc lợi hại với nguy cơ gây ung thư da và các tác hại khác./.