Phòng mạch online: “Bảo vệ và giải độc gan do bia rượu”

(VOV) - Các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bạch Mai giải đáp thắc mắc trên VOV online & VOVTV chiều 29/1.

Uống rượu trong các bữa tiệc, các buổi liên hoan, đặc biệt là dịp lễ tết, đã trở thành thói quen của nhiều người. Điều đáng nói là, nhiều người ham vui nên uống rượu vô tội vạ, có khi dẫn đến ngộ độc, đe dọa đến tính mạng.

Dân gian truyền lại, nếu uống rượu đúng cách, đúng liều lượng sẽ có lợi cho sức khoẻ, ăn ngon miệng và tạo sự thăng hoa. Thế nhưng, điều này trong thực tế ít người thực hiện được.

Các bác sĩ có mặt tại Báo điện tử VOV để tư vấn


Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, trong những năm gần đây, số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị bệnh về gan do uống rượu nhiều có xu hướng tăng lên. Khoảng ¼ số bệnh nhân nằm ở khoa Tiêu hoá là để điều trị bệnh xơ gan, khoảng ½ trong số đó là do rượu.

Bác sĩ Hồng Hà cho biết: Bệnh gan nếu phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ cho kết quả tốt, còn khi phát hiện ở giai đoạn muộn như đã xơ gan hoặc ung thư gan việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém. Vì khi đó gan không còn khả năng hồi phục và có nhiều biến chứng.

Để tránh bị bệnh gan do rượu mỗi chúng ta hãy tự bảo vệ mình bằng cách: Không nên uống rượu bia quá nhiều. Rượu bia đã làm cho nhiều gia đình phải chia lìa nhau, đặc biệt, khi sử dụng nhiều rượu bia quá nhiều dẫn đến gây tai nạn giao thông.

Đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả, lúc 14h00’ chiều 29/1/2013 (thứ Ba), VOV online và Kênh truyền hình VOV (VOVTV) tổ chức chương trình trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ và giải độc gan do bia rượu”.

Các chuyên gia tư vấn: Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải đáp những câu hỏi của bạn đọc về việc làm thế nào để phòng bệnh viêm gan, những ảnh hưởng, tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người.

Quý vị và các bạn quan tâm, có thể gửi câu hỏi tới Bác sỹ, chuyên gia tư vấn theo địa chỉ: toasoan@vovnews.vn; điện thoại: 04-39 344 231; 04.221 33 856/ 08.38 622 666. Chương trình do Công ty Ích Nhân tài trợ.

** Hỏi: Đọc tin có thuốc Profetal cóthể chữa bệnh viêm gan C nhiều bệnh nhân đang ngày đêm vui và mong đợi từng ngày. Mãi không thấy thuốc tung ra thị trường, thật buồn vì căn bênh thì ngày một nặng thêm, khó khống chế nó để chờ thuốc. Kế hoạch tháng 9/2012 thuốc ra. Nay đã 16/11/2012 rồi. Không biết khi nào có thuoc đây, có ai biết thông báo giùm. Cám ơn nhiều. (Thái Đức,liennguyenvu@yahoo.com)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Cho đến giờ, đây chưa phải là thuốc chính thức được công nhận điều trị viêm gan C. Do vậy, nếu bạn bị bệnh ban nên điều trị không nên chờ đợi nhỡ bệnh quá nặng lúc đó không còn chỉ định dùng thuốc.


Thạc sỹ- Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn


** Xin hỏi bác sỹ, năm nay cháu 31 tuổi, cháu đi khám tại viện 108 Trung ương Hà Nội phát hiện virút dưới ngưỡng, nhưng lúc xét nghiệm HBsAg thì còn 1554.16. Như vậy thì có nguy hiểm và có uống thuốc và các điều trị như thế nào ạ? Cháu xin cảm ơn! (Hồ Đình Sỹ, 
dinhsydmc82@gmail.com, 05/10/2012 14:49)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bệnh của bạn lúc này chưa nguy hiểm nhưng cần theo dõi theo chuyên khoa 6 tháng – 1 năm khám lại 1 lần.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, năm nay tôi 25 tuổi, đã có vợ được 1 năm rồi. Trước khi có vợ, tôi cũng thường xuyên nhậu nhẹt, say khướt và từ khi có vợ thì do sức khỏe giảm sút nên tôi ít uống hơn. Lúc nào, người tôi cũng rất gày và ốm yếu. Lúc nào tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn và ăn khó tiêu. Da của tôi cũng không được sáng sủa cho lắm. Xin bác sĩ cho biết, có phải tôi đã bị viêm gan rồi phải không? Tôi nghe nói nếu bị viêm gan thì rất khó chữa và khá tốn kém phải không? (Tiến Lê, Việt Hưng, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe, đó là những triệu chứng bạn bị bệnh tuy nhiên chưa thể khẳng định chắc chắn bạn bị bệnh gan, cụ thể là bệnh gan gì. Do vậy việc khám và tìm ra bệnh là quan trọng. Viêm gan ý của bạn muốn nói viêm gan gì? Có viêm gan do rượu, viêm gan virus, viêm gan do thuốc…, nói chung bệnh đều khó chữa và tốn kém rồi.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, 1 người mẹ đang trong thời gian mang thai mà phát hiện ra mình bị bệnh viêm gan thì làm thế nào để khỏi bị lây cho con? Xin bác sĩ cho chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu đang bị viêm gan. Cảm ơn bác sĩ. (Lê Thị Hà, Gia Lâm, Hà Nội).

Th.S, BS Nguyễn Ngọc Phúc: Chúng ta phải xác định rõ ràng căn nguyên là loại virus gì gây viêm gan. Viêm gan A thì đa số trẻ em bị nhiễm, đa số bà mẹ bị viêm gan B và C là chính. Thông thường, những người mẹ mới bị nhiễm virus B thì có thể theo dõi và xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm thai nghén mới phát hiện ra thì đã bị mãn tính rồi. Đối với viêm gan virus B, lây truyền cho con là không cao, chỉ khoảng 5%, và lây nhiễm ở thời kỳ sinh đẻ là chính. Nồng độ virus trong máu mẹ càng cao thì lây nhiễm cho con càng lớn.

Hiện tại, có thể sử dụng một số loại thuốc trong 3 tháng cuối thai sản, để hạn chế lây nhiễm từ mẹ sang con. Một số lời tư vấn cho rằng nên mổ đẻ để tránh xây xước trong quá trình sinh đẻ. Sau khi sinh con thì phải tiêm vaccine hoặc huyết thanh cho trẻ, càng sớm càng tốt. Việc cho con bú sau khi sinh tùy vào lượng virus trong máu mẹ. Dinh dưỡng cho con thì phụ thuộc vào giai đoạn nhiễm bệnh của người mẹ. Cần đến cơ sở y tế.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, ông tôi bị bệnh gan nhưng suốt ngày ông cứ khạc, nhỏ đờm khắp nhà, tiện chỗ nào thì ông nhổ chỗ đó. Thỉnh thoảng ông lại nhổ vào vườn rau, nêu ăn vào có sao không?. Rất may là nhà tôi có vườn rộng nên không sợ lắm. Theo bác sĩ, làm thế nào để khuyên ông tôi hạn chế khạc đờm hoặc có loại thuốc nào để cải thiện đờm không?. Chúng tôi sống cùng ông liệu có bị lây bệnh của ông không. (Tâm, 17 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội).

Th.S, BS Nguyễn Ngọc Phúc: Bệnh viêm gan là bệnh gan bị tổn thương do viêm nhiễm và có tính chất lây truyền hoặc không. Cần phải xác định căn nguyên của bênh viên gan là như thế nào? Nó có thể lây theo đường máu hoặc đường tiêu hóa. Ông bạn khạc đờm ra môi trường xung quanh, nó hầu như ít khi liên quan tới đường tiêu hóa mà là đường hô hấp. Bạn nên đưa ông bạn đi khám ở các cơ sở y tế.

Thạc sỹ- Bác sỹ Nguyễn Ngọc Phúc


** Hỏi: Bác sĩ ơi, em rể tôi bị bệnh viêm gan C. Ngày cuối tuần, đại gia đình chúng tôi thường xuyên xum họp và ăn uống với nhau. Biết mình bị bệnh nên, mỗi lần đến ăn uống chú ấy ngồi ăn riêng và dùng đồ riêng để tránh lấy bệnh cho cả nhà. Vậy, tôi muốn hỏi là liệu chú ấy làm cách đó thì có hạn chế sự lây lan cho cả nhà được không? Xin cảm ơn. (Minh Gấm, Mỹ Đình, Hà Nội.)

Th.S, BS Nguyễn Ngọc Phúc: Viêm gan C lây theo đường máu, đối với đường tiêu hóa không có vấn đề gì. Nên chúng ta không ngại trong việc dùng chung.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, viêm gan do rượu và viêm gan do virus thì bệnh nào nguy hiểm hơn? (HHH, Phương Liệt, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Cả hai đều nguy hiểm có thể gây chết người.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, năm nay tôi 41 tuổi hiện đang ở Sơn Tây, Hà Nội. Tôi làm nghề buôn bán, nên thỉnh thoảng cũng có dịp nhậu nhẹt với bạn bè. Tôi bị bệnh viêm gan C được hơn 1 năm nay rồi. Đó là lần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ở bệnh viện 105, Sơn Tây, Hà Nội.

Tháng 1/2012, tôi đi khám, bác sĩ bảo tôi bị men gan cao. Sau đó cho tôi thuốc về điều trị. 2 tháng sau đó, tôi đến khám lại thì bác sĩ bảo là men gan của tôi đã hạ xuống và tiếp tục cho tôi uống thuốc tiếp 1 đợt nữa. Sau đó vài tháng, vợ tôi được nghe người ta mách là ở trên Ba Trại có một bà cắt thuốc bắc chữa bệnh gan rất tốt nên tôi không tiếp tục chữa bằng Tây Y nữa mà chuyển sang uống bắc. Tôi uống thuốc nam được hơn 6 tháng rồi với một chế độ ăn kiêng rất kỹ: không ăn thịt đỏ, không ăn thịt mỡ, không ăn các loại trứng, chỉ ăn nhiều rau và dầu ăn… nhưng do ăn kiêng nên người tôi gày đi rất nhiều và rất mệt mọi.

Giờ tôi đang băn khoan là có nên tiếp tục uống thuốc bắc không. Xin bác sĩ ho tôi lời khuyên. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Trịnh Văn Hà, Chợ Ba Trại, Sơn Tây, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bạn nên dừng ngay thuốc nam đó, đi kiểm tra lại để xem bạn bị tăng mem gan là do nguyên nhân gì.

** Hỏi: Bệnh gan có lây qua đường hô hấp không? (Đô, email: Logiapdogiapdo@ymail.com)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bệnh viêm gan virut không lây qua đường hô hấp. Bệnh này thường lây qua đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus; Lây truyền từ mẹ sang con; Lây truyền qua đường tình dục.

Các bác sĩ Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Ngọc Phúc trong phòng thu của VOV



** Hỏi: Do công việc phải xa nhà nên tôi thường xuyên phải ăn cơm bụi. Vậy, tôi thường xuyên ăn như thế thì có bị lây viêm gan không thưa bác sĩ? (Thế Phong, Phố Minh Khai, Nghệ An)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Chỉ có viêm gan A có thể lây qua đường ăn uống, do vậy ăn chín uống sôi sạch sẽ sẽ không sợ lây.

** Hỏi: Xin bác sĩ cho biết dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị viêm gan A, B, C. Những người bị bệnh viêm gan A, B, C không được phép ăn trứng và các loại gan gia súc, gia cầm phải không bác sĩ. (Hồng Nam, Ngọc Thụy, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Nói vậy chưa hẳn đúng. Bạn phải xem kỹ bệnh đang ở giai đoạn nào, nếu giai đoạn bênh đang phát triển thì không nên dùng, còn ở giai đoạn chưa phát bệnh thì có thể ăn bình thường.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, trong các loại rượu, rượu mạnh, rượu nhẹ, rượu vang… thì uống loại nào là ảnh hưởng tới bệnh gan nhiều hơn?  (T.Phiên, Tập thể Học viện Hậu cầu, Hà Nội)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Rượu mạnh sẽ ảnh hưởng nhiều hơn, tuy nhiên rượu nhẹ mà uống nhiều cũng ảnh hưởng tới cả cơ thể chứ chẳng gì mình gan.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, trong thời buổi hiện nay, ăn uống bẩn thỉu và mất vệ sinh thì người dân làm thế nào để phòng tránh được các bệnh lẫy nhiễm qua đường ăn uống và đặc biệt là bệnh gan? (Lê Thị Liên, Đống Đa, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Chỉ có cách duy nhất là mình phải tự lo cho chính mình thôi.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, trong số các loại viêm gan A, B và C thì loại nào là nguy hiểm nhất. (Bích Ngọc, 20 tuổi, Thái Nguyên)

Ths.BS Nguyễn Trường Sơn: Mỗi loại có độ nguy hiểm khác nhau, tuy nhiên thì viêm gan C và B nguy hiểm hơn A.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, em thường xuyên bị nóng, táo bón và thường bị mụn nhọt ở mặt, lưng. Thỉnh thoảng em bị viêm ở trong mồm. Đó có phải là do gan của em kém nên không lọc độc được không? Xin cảm ơn.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Không phải thế đâu bạn ạ. Những triệu chứng bạn kể ra có thể do nhiều nguyên nhân khác. Bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn cụ thể.

** Hỏi: Có phải uống nhiều rượu trắng là nguyên nhân gây xuất dịch dạ dày và làm tổn thương màng niêm mạc dạ dày không, thưa bác sĩ? 

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Đúng vậy. Việc dùng rượu quá liều hay nghiện rượu đều có thể ảnh hưởng đến chức năng dạ dày theo nhiều cách: như chỉ với một lượng nhỏ rượu cũng đã tác động lên sự tiết acid làm tổn thương màng nhầy của dạ dày cũng như thay đổi nhu động dạ dày.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, tôi có các triệu chứng sau: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da… liệu có phải tôi bị bệnh gan không? Tôi có thể đến bệnh viện nào để khám ạ.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Bởi các triệu chứng bạn nêu có ở rất nhiều loại bệnh khác nhau.

** Hỏi: Tôi nghe nói là ở Việt Nam, số bệnh nhân phải nhập việc để điều trị bệnh xơ gan do uống rượu ngày càng gia tăng. Khoảng ¼ số bệnh nhân nằm tại khoa Tiêu hóa gan mật là xơ gan. Rượu chính là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau siêu vi viêm gan B… điều này có chính xác không thưa bác sĩ.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Chưa có thống kê cụ thể nhưng theo tôi thì tại Việt Nam chúng ta xơ gan do rượu bị nhiều lắm. Theo một số thống kê từ các bệnh viện, số bệnh nhân phải nhập việc để điều trị bệnh xơ gan do uống rượu quá nhiều có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Khoảng ¼ số bệnh nhân nằm tại khoa Tiêu hóa gan mật là xơ gan. Rượu chính là thủ phạm gây xơ gan đứng hàng thứ 2 chỉ sau siêu vi viêm gan B.

** Ở cơ quan tôi, rất nhiều nhân viên nam cứ chờ buổi trưa là nhậu nhẹt rồi chiều say khướt, mùi rượu lẫn bia phả ra rất khó chịu cho chúng tôi. Tôi thấy  ngay cả người đang bị bệnh gan C cũng bị đồng nghiệp rủ rê đi, thật là ái ngại. Vậy có cách nào hoặc loại thuốc để hạn chế những đồng nghiệp đó không sử dụng loại bia rượu được không. Xin cảm ơn. (Đinh Quang Quyết, quận 5, TP HCM).

Ths.BS Nguyễn Trường Sơn: Không có thuốc gì mà chỉ có cách duy nhất là tự không đi uống rượu thôi.

** Hỏi: Ông đánh giá như thế nào về tình hình viêm gan do virus ở nước ta hiện nay?

BS Nguyễn Ngọc Phúc: Ở Việt Nam, bệnh nhân chủ yếu nhiễm virus viêm gan A, B, C. Nhiễm virus viêm gan A thường xuất hiện ở trẻ em. Còn nhiễm virus viêm gan B, C chủ yếu ở người trưởng thành.

Do công tác tuyên truyền về tác hại của bệnh viêm gan nên trong những năm gần đây, số lượng người dân tự giác đi xét nghiệm để phát hiện bệnh ngày càng đông. Riêng năm nay, tại Bệnh viện Bệnh Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số lượng người đi xét nghiệm đông gấp từ 2-3 lần so với năm 2012.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, bệnh viêm gan virus lây truyền theo những con đường nào?

BS Nguyễn Ngọc Phúc: Hiện trên thế giới có nhiều loại virus viêm gan. Tuy nhiên, chúng ta chỉ tập trung vào viêm gan virus A, B, C, D, E. Viêm gan A và E lây theo con đường tiêu hóa. Viêm gan B, C lây theo đường máu. Riêng viêm gan D thì sống cộng sinh với viêm gan virus B. Đường lây truyền cũng như viêm gan B. 

** Hỏi: Có phải viêm gan do uống rượu thường xảy ra ở người nghiện rượu không thưa bác sĩ? (Quang Vinh, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Người nghiện rượu thường bị viêm gan mạn sau đó thành xơ gan và ung thư gan, không nghiện rượu nhưng nếu uống nhiều có thể gây viêm gan cấp cũng rất nguy hiểm vì có thể chết vì ngộ độc rượu.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, ông tôi bị bệnh gan nhưng suốt ngày ông cứ khạc, nhỏ đờm khắp nhà, tiện chỗ nào thì ông nhổ chỗ đó. Thỉnh thoảng ông lại nhổ vào vườn rau, nếu ăn vào có sao không?. Rất may là nhà tôi có vườn rộng nên không sợ lắm. Theo bác sĩ, làm thế nào để khuyên ông tôi hạn chế khạc đờm hoặc có loại thuốc nào để cải thiện đờm không?. Chúng tôi sống cùng ông liệu có bị lây bệnh của ông không. (Tôm 17 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Khạc đờm là một triệu chứng của bệnh ông bạn cần đi khám chuyên khoa hô hấp, tai mũi họng xem cụ thể bị bệnh gì. Bạn nên nói với ông không nên khạc nhổ linh tinh thứ nhất là mất vệ sinh, rồi có thể lây lan bệnh tật.

** Hỏi: Tôi nghe nói, cây chó đẻ và nhân trần nấu nước uống rất tốt cho gan và đường tiêu hóa phải không? Ở khu tập thể của tôi, tôi thấy nhà nào cũng uống chó đẻ thay cho nước hàng ngày. Uống loại nước này lâu dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thưa bác sĩ.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Theo tôi không cần thiết, nên uống nước lọc là tốt nhất vừa rẻ vừa an toàn.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, bố tôi năm nay 55 tuổi. Ông nghiện rượu nặng, thường trốn mẹ tôi ra chợ để uống rượu. Chúng tôi khuyên ông hạn chế uống rượu cho khỏi ảnh hưởng sức khỏe nhưng ông không nghe lời (Xin nói thêm là ông có tiền sử bị bệnh về đường tiêu hóa, đại tràng và nóng trong nữa). Cứ sau mỗi lần uống rượu, ông lại bị viêm lợi, lở lét trong mồm và ngứa ngáy trong người. Gần đây, ông nghe người ta mách là ngâm rượu bằng rễ cây đinh lăng để uống cho mát thế là ông về quê tìm mua bằng được để ngâm. Hiện nay, hũ rượu ngâm bằng rễ cây đinh lăng đã được 6 tháng rồi. Tôi muốn hỏi là uống rượu bằng rễ cây đinh lăng có nguy hiểm đến tính mạng hay không? Xin cảm ơn.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: không nên, rượu nào cũng ảnh hưởng đến tính mạng đấy bạn ạ.

** Hỏi: Chế độ ăn uống, luyện tập như thế nào để bảo vệ lá gan của mình được tốt ạ. (Tin, Ninh Bình)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Ăn, uống những chất không ảnh hưởng đến gan: Ăn chín uống sôi, tránh những chất dị ứng, không uống rượu, bia thuốc nam…, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thường xuyên.

** Hỏi: Tháng 12 vừa qua, anh tôi đi khám sức khỏe định kỳ ở cơ quan mới phát hiện ra bị viêm gan C. Vậy, anh tôi phải điều trị bệnh này trong thời gian bao nhiêu lâu? Chi phí điều trị có đắt lắm không? Để anh trai tôi biết chính xác có phải bị viêm gan hay không thì cơ sở hay bệnh viện nào để kiểm tra lại. Xin cảm ơn. (Thế Dũng, Hoàng Cầu, Hà Nội)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Trước tiên là phải xác định có bị bệnh viêm gan tại các cơ sở  tế như: bệnh viện bạch mai, viện y lâm sàng các bệnh nhiệt đới, bv 108…, Thời gian điều trị tùy theo thể bệnh có thể từ 6 tháng – 1 năm. Kinh phí tùy loại thuốc chọn và thời gian cụ thể điều trị. Do vậy bạn nên đi khám và sẽ được tư vấn cụ thể hơn. Nhưng chắc chắn là điều trị bệnh này cũng cần kiên trì, và có nhiều tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc, hiện nay cũng có nhiều loại thuốc để lựa chọn nữa.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, 1 người mẹ đang trong thời gian mang thai mà phát hiện ra mình bị bệnh viêm gan thì làm thế nào để khỏi bị lây cho con và chồng. Xin bác sĩ cho chế độ dinh dưỡng dành cho bà bầu đang bị viêm gan. Cảm ơn bác sĩ. (Lê Thị Hà, Gia Lâm, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Con cần được tiêm kháng thể ngay sau sinh. Xét nghiệm cho chồng xem có bị nhiễm viêm gan B chưa, nếu chưa bị thì đi tiêm phòng vaccine.

** Hỏi: Bác sĩ ơi, hai vợ chồng cháu rất thích ăn gan và phổi lợn luộc và xào. Vậy, chúng cháu thường xuyên ăn gan và phổi như thế có ảnh hưởng tới sức khỏe và việc sinh em bé sau này không? (Ngọc Liên, Hà Nội).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Bạn không nên quá lo lắng điều này. Chỉ cần ăn chín uống sôi là được.

** Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi là Hoàng Mạnh Hải, ở Ngoại Hoàng, Ứng Hòa, Hà Nội, cho tôi hỏi: Tôi thường xuyên uống rượu, đặc biệt là thường khi uống rượu thì không ăn cơm nữa. Thời gian gần đây, tôi thường hay đau bụng vùng gan, người hay mệt mỏi. Liệu có phải tôi đã bị bệnh về gan do uống rượu?

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Có thể bạn đã bị viêm gan do rượu rồi đấy, bạn nên đi khám kiểm tra ngay  nhé.

** Hỏi: Tôi năm nay 45 tuổi, biết uống rượu từ khi lên 10. Hằng ngày tôi vẫn thường xuyên uống rượu và có thể vui thì uống hết cả 1 lít không say, chỉ chóng mặt. Nhiều người bảo tôi sẽ bị bệnh gan và chết trước 60 tuổi, xin hỏi bác sĩ có phải vậy không. Hiện tại tôi thấy vẫn khỏe mạnh và không uống rượu là thấy mệt mỏi. (Trần văn Hùng, Đống Đa, Hà Nội)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Nói rằng ai chết lúc nào thì khó, nhưng uống rượu nhiều như anh thật là nguy hiểm lắm, dễ bị viêm gan và xơ gan. có thể anh đang bị nghiện rượu.

** Hỏi: Vợ tôi có thói quen uống 1 chén rượu trước khi đi ngủ, và đã làm như thế gần 15 năm nay, xin bác sĩ cho biết, liệu có mắc bệnh gan không? Quê tôi ở Thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc ạ.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Điều quan trọng là rượu gì, nhưng đó là thói quen không tốt, muốn biết có bị bệnh gan không bạn phải đi kiểm tra đã.

** Hỏi: Tôi thường nghe nói uống rượu hại dạ dày lắm, nhưng nay lại nói hại cả gan. Vậy cái nào bị hại nhiều hơn. Cách nào chữa say rượu nhanh khỏi nhất các bác sĩ chỉ cho tôi với. (Nguyễn Văn Quân, Mỹ Đức, An Lão, Hải Phòng).

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Rượu không chỉ hại gan, dạ dày mà còn các cơ quan khác nữa như tim, thần kinh…, say rượu phải đưa rượu ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, sau đó cho uống nước hoặc truyền dịch để pha loảng rượu trong máu…

** Hỏi: Bác sĩ ơi, em rể tôi bị bệnh viêm gan C. Ngày cuối tuần, đại gia đình chúng tôi thường xuyên xum họp và ăn uống với nhau. Biết mình bị bệnh nên, mỗi lần đến ăn uống chú ấy ngồi ăn riêng và dùng đồ riêng để tránh lây bệnh cho cả nhà. Vậy, tôi muốn hỏi là liệu chú ấy làm cách đó thì có hạn chế sự lây lan cho cả nhà được không. Xin cảm ơn. (Minh Gấm, Mỹ Đình, Hà Nội.)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Viêm gan C không lây qua đường ăn uống do vậy mà không cần ăn riêng như người nhà chị.

Các bác sĩ và nhóm biên tập viên VOV tại phòng thu



** Hỏi: Tôi là Kiều Minh Hồng, quê Bình Lục, Hà Nam. Trước đây tôi rất hay uống rượu và uống rất ít khi say, uống được nhiều, nhưng thời gian gần đây, chỉ uống vài chén đã say nôn ọe ra rồi. Làm cách nào để lấy lại phong độ như trước. Tôi đi khám gan không bị sao, nhưng xin hỏi bác sĩ là không biết có ảnh hưởng gì đến gan lúc về già không?

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Như vậỵ sức khỏe của anh đang có vấn đề, anh nên đến cơ sở y tế có uy tín để kiểm tra lại xem như thế nào. Nhân đây nên bỏ luôn rượu đi, may ra về già không ảnh hưởng tới gan.

** Hỏi: Uống rượu nhiều có phải do gien di truyền không, thưa bác sĩ? Vì bố tôi uống rất tốt, tôi cũng uống tốt, nhưng tôi lại rất lo các con tôi cũng như tôi. Vì hiện tại tôi 50 tuổi, đang bị bệnh gan, và các bác sĩ đã bảo có phần do tôi uống rượu. Tôi sống ở Hòa Bình, nhà tôi lại đang nấu rượu bán.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Uống rượu không do di truyền, mà do luyện tập. Các cháu sau này nếu luyện có thể uống như bố và lại bị bệnh như anh đấy.

** Hỏi: Tôi là Vũ Quang Minh, quê Kiến Xương, Thái Bình, hiện đang công tác tại Lào Cai. Cho tôi hỏi, hiện nay có thuốc nào để cai rượu được không? Vì nhà tôi có người em mới hơn 30 tuổi nhưng đã say xỉn tối ngày.

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Có đấy, anh có thể đưa bệnh nhân đến Trung tâm cai ghiện, hoặc trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai để được khám và tư vấn thêm.

** Hỏi: Xin bác sĩ cho tôi biết những biểu hiện của bệnh gan. Mà gan bị bệnh vì uống rượu khác gì với bị bệnh tự nhiên mắc phải ạ. (Văn Công Chương, Đội Cấn, Hà Nội)

Ths. BS Nguyễn Trường Sơn: Các triệu chứng mắc bệnh như: Mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da mắt, đi tiểu vàng, bụng chứng, đầy hơi…

** Báo điện tử VOV xin cảm ơn các bác sĩ đã tham gia chương trình tư vấn online. Một số bạn đọc gửi câu hỏi tiếp theo, tòa soạn sẽ liên hệ với bác sĩ để có câu trả lời cho các bạn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phòng mạch online: “Giải mã” bệnh đau nhức xương khớp trong mùa lạnh
Phòng mạch online: “Giải mã” bệnh đau nhức xương khớp trong mùa lạnh

Chuyên gia tư vấn đến từ Khoa cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch mai và Hội Đông y Việt Nam giải đáp thắc mắc trên VOV online (www.vov.vn).

Phòng mạch online: “Giải mã” bệnh đau nhức xương khớp trong mùa lạnh

Phòng mạch online: “Giải mã” bệnh đau nhức xương khớp trong mùa lạnh

Chuyên gia tư vấn đến từ Khoa cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch mai và Hội Đông y Việt Nam giải đáp thắc mắc trên VOV online (www.vov.vn).

Tư vấn: Mãn dục nam- Hạn chế càng sớm, phong độ càng bền
Tư vấn: Mãn dục nam- Hạn chế càng sớm, phong độ càng bền

PGS TS, Nhà giáo ưu tú Vương Tiến Hòa (Bệnh viện Phụ sản Trung ương)  và TS.BS Nguyễn Quang (Bệnh viện Việt Đức) giải đáp thắc mắc của độc giả trên VOV online.

Tư vấn: Mãn dục nam- Hạn chế càng sớm, phong độ càng bền

Tư vấn: Mãn dục nam- Hạn chế càng sớm, phong độ càng bền

PGS TS, Nhà giáo ưu tú Vương Tiến Hòa (Bệnh viện Phụ sản Trung ương)  và TS.BS Nguyễn Quang (Bệnh viện Việt Đức) giải đáp thắc mắc của độc giả trên VOV online.

Phòng mạch online: Phòng tránh bệnh Viêm tai giữa
Phòng mạch online: Phòng tránh bệnh Viêm tai giữa

Chuyên gia tư vấn: Thạc sĩ – Bác sĩ Hoàng Vũ Giang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Phòng mạch online: Phòng tránh bệnh Viêm tai giữa

Phòng mạch online: Phòng tránh bệnh Viêm tai giữa

Chuyên gia tư vấn: Thạc sĩ – Bác sĩ Hoàng Vũ Giang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Hòa hợp tình dục, vững chắc hôn nhân
Hòa hợp tình dục, vững chắc hôn nhân

(VOV)_Thạc sĩ, BS CK2 Nguyễn Phương Hồng, GĐ Trung tâm Nam học, Phó Chủ tịch Hội y học Giới tính toàn quốc tư vấn trên VOV online.

Hòa hợp tình dục, vững chắc hôn nhân

Hòa hợp tình dục, vững chắc hôn nhân

(VOV)_Thạc sĩ, BS CK2 Nguyễn Phương Hồng, GĐ Trung tâm Nam học, Phó Chủ tịch Hội y học Giới tính toàn quốc tư vấn trên VOV online.