Tư vấn trực tuyến: Glôcôm và những nguy hiểm có thể bạn chưa biết

VOV.VN - TS BS Nguyễn Xuân Hiệp và Đỗ Tấn, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ tư vấn trực tuyến trên VOV.VN vào 15h chiều Thứ Năm, ngày 10/3.

Bệnh “Glôcôm” (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc hiệu. Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng nên rất khó phòng ngừa bệnh.

Để có thể phòng tránh được mù loà do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.

Glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù loà có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực  trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo các nghiên cứu dự báo số lượng bệnh nhân Glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh Glôcôm vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% ở những người hơn 40 tuổi trên toàn cầu, trong đó 11,2 triệu người bị mù do bệnh.

 

 TS BS Nguyễn Xuân Hiệp (bìa phải) và TS BS Đỗ Tấn (bìa trái)

Để hiểu rõ về căn bệnh này, Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức cuộc tư vấn trực tuyến với chủ đề: “Glôcôm và những nguy hiểm có thể bạn chưa biết” vào 15h chiều 10/3 (Thứ Năm) tại địa chỉ VOV.VN.

Các chuyên gia nhãn khoa gồm: TS BS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc - Quản lý điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương và TS BS Đỗ Tấn, Trưởng khoa Glôcôm (Bệnh viện Mắt Trung ương) hiện đang có mặt tại tòa soạn VOV.VN để trả lời các câu hỏi của độc giả.

Ngay từ bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi cho các chuyên gia của chúng tôi theo địa chỉ email: toasoanvov.vn@gmail.com; điện thoại: 04-62603709.

PV: Tỷ lệ mù lòa do Glaucoma chiếm bao nhiêu phần trăm trong các nguyên nhân khác dẫn đến mù lòa hiện nay, thưa BS?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Tại Việt Nam qua điều tra RAAB ( Rapid Assessment of Avoidable Blindnes) năm 2007  tỷ lệ mù hai mắt do Glôcôm ở người > 50 tuổi chiếm 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Việt nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm. Theo kết quả điều tra RAAB năm 2015 tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam đã giảm từ 3.1% năm 2007 xuống còn 1.8% năm 2015 ở nhóm người trên 50 tuổi. Trong các nguyên nhân gây mù 2 mắt bệnh Glôcôm đứng vị trí thứ 3 (chiếm 4%) sau bệnh đục TTT (7.4%) và các bệnh bán phần sau (6.3%). Vậy có khoảng 13.160 người mù 2 mắt do Glôcôm (không kể đến những người mù 1 mắt). 

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp

Nghe âm thanh tư vấn của BS Nguyễn Xuân Hiệp: 


PV: Thế giới dành riêng “Tuần lễ Glaucoma thế giới” điều này chứng tỏ đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, thưa bác sĩ?

Trả lời: Tương tự như ở Việt Nam Glôcôm là nguyên nhân thứ 3 gây mù và nguyên nhân hàng đầu gây mù không hồi phục (khác với bệnh lý đục TTT, sau phẫu thuật có thể phục hồi thị lực).

PV: BS có thể cho biết, “Tuần lễ Glaucoma thế giới” diễn ra ở Việt Nam bao gồm những hoạt động như thế nào?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Riêng ở BV Mắt TW có tổ chức 4 hoạt động chính: 1) thành lập câu lạc bộ Glôcôm Việt Nam (27/2/2016) trực thuộc hội Nhãn Khoa Việt Nam; 2) Tổ chức buổi lễ Meeting hưởng ứng tuần lễ Glôcôm (7/3/2015); 3) Khám và cấp thuốc miễn phí cho những bệnh nhân Glôcôm đang theo dõi và điều trị ngoại trú tại Bênh viện từ 7/3 đến 11/3; 4) tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề bệnh Glôcôm trên VOV online. Ngoài ra ngành mắt còn tổ chức các hoạt động ở các địa phương khác như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

PV: Được biết, Viện Mắt Trung Ương tổ chức khám tầm soát Glaucoma nhân dịp “Tuần lễ Glaucoma thế giới” vào giờ hành chánh các ngày trong tuần lễ từ 6-12/3/2016, xin bác sĩ có thể nói cụ thể hơn về hoạt động này tại Viện mắt Trung ương?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Khám miễn phí cho những bệnh nhân Glôcôm đang theo dõi và điều trị ngoại trú tại Bênh viện từ 7/3 đến 11/3. Cấp miễn phí một số thuốc điều trị Glôcôm cho các bệnh nhân Glôcôm đến khám bệnh viện trong thời gian này (dự trù kinh phí gần 300 triệu).

Ngoài ra, Viện Mắt Trung ương cũng tăng cường công tác đào tạo cho các cán bộ y tế  tuyến cơ sở thông qua việc mở các lớp chăm sóc mắt ban đầu để phát hiện sớm và giúp cho các cán bộ tuyến dưới phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân Glôcôm đi điều trị kịp thời.

Bệnh viện chúng tôi cũng tăng cường chuyển giao các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị cho các bác sỹ tuyến dưới để các bác sỹ có thể điều trị bệnh nhân Glôcôm ngay tại tuyến của mình, hạn chế bớt việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Một trong những biện pháp chúng tôi cũng xác định là rất quan trọng, đó là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục bệnh Glôcôm cho cộng đồng. Chúng tôi cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, các cơ quan báo chí, các hội đoàn để thông tin về căn bệnh Glôcôm. Tại bệnh viện chúng tôi in rất nhiều các tờ rơi về căn bệnh Glôcôm để phát cho bệnh nhân khi bệnh nhân đến tại bệnh viện.

Ngoài những biện pháp này, Bệnh Viện Mắt Trung Ương là bệnh viện tuyến cao nhất  của ngành Mắt được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo, chăm sóc về mắt trên toàn quốc, để chúng tôi cũng thấy rằng chỉ thị của Bộ Y Tế về đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh là hết sức quan trọng. Chúng tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của chỉ thị này và trên thực tế trong thời gian vừa qua, bệnh viện cũng đã triển khi rất nhiều biện pháp để có thể nâng cao chất lượng phục vụ đối với bệnh nhân mắt nói chung cũng như nhóm bệnh nhân Glôcôm đến khám và điều trị tại bệnh viện Mắt.

Toàn thể cán bộ công nhân viên tại Bệnh Viện Mắt Trung Ương chúng tôi đã cố gắng nỗ lực hướng tới việc chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và ngoài ra chúng tôi cũng động viên cán bộ công nhân viên học hỏi cũng như nâng cao trình độ của mình hơn nữa để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng can của bệnh nhân mắt cũng như bệnh nhân của bệnh Glôcôm.

Bạn hỏi, bác sĩ trả lời:

Độc giả: Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu và cách nhận biết bệnh Glôcôm. (Dương Miến, Thanh Xuân Hà Nội – 40T0

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm có 2 dạng lâm sàng chính: Glôcôm góc đóng và Glôcôm góc mở. Bệnh Glôcôm góc đóng thường có biểu hiện cơ năng rầm rộ như: nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nhiều nước mắt. Tuy nhiên bệnh Glôcôm góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm gọi là Glôcôm góc đóng mạn tính.

Ngược lại với Glôcôm góc đóng, bệnh Glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt đã nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng (co hẹp từ ngoại biên, hoặc mất 1 vùng nhìn ở trung tâm).

Bệnh nhân không thể tự chẩn đoán được bệnh Glôcôm. Để chẩn đoán được cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), làm thị trường và soi đáy mắt để đánh giá dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên bệnh nhân có thể tự giúp mình và giúp bác sĩ bằng cách đi khám sớm và kịp thời.

TS BS Đỗ Tấn

Nghe âm thanh BS Đỗ Tấn tại đây:

Bạn Thu Hằng: Tại sao người ta gọi bệnh Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn? Xin bác sĩ giải thích? (Thu Hằng, Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội)

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm gây tổn hại các tế bào hạch võng mạc (một loại neuron thần kinh ở mắt). Các tế bào này không có khả năng tăng sinh, tái vậy. Do vậy các tổn hại thị giác trong Glôcôm cho đến nay là không hồi phục được.

Bạn Minh Lan: Bệnh Glôcôm khi phát hiện sớm có điều trị khỏi không?/ Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm? (Minh Lan, TP HCM – 35T)

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm nguyên phát có cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân chưa rõ ràng (vì vậy mới có tên là nguyên phát), các điều trị hiện tại chủ yếu là tác động vào 1 yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh là nhãn áp – điều trị hạ nhãn áp. Điều trị hạ nhãn áp chỉ có tác dụng làm ổn định chứ không chữa khỏi bệnh.

Phát hiện sớm bằng cách khám sàng lọc định kỳ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như là người họ hàng ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm.

Bạn Mạnh Quân: Bệnh Glôcôm thương gặp phải ở vùng, miền nào? Làm thế nào để phòng tránh? (Mạnh Quân – Tản Lĩnh – Hà Nội)

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi địa phương (tuy thể bệnh có thể khác nhau tùy theo chủng tộc). Bệnh Glôcôm không phòng tránh được (do nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chưa rõ ràng), nhưng mù lòa do Glôcôm có thể phòng tránh được.

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp


Bạn Lê Thị Tình: Bác sĩ ơi, bố cháu bị bệnh Glôcôm, nhưng ông rất ngại đi khám ở bệnh viện vì mất công chờ đợi và mất thời gian. Cháu nghe các bà hàng xóm mách bố cháu là xông lá chầu không hoặc đáp lá tía tô. Cháu muốn hỏi bố cháu làm như vậy có nguy hiểm cho đôi mắt không ạ. Cháu cảm ơn. (Lê Thị Tình, Nam Sách, Hải Dương).

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Điều trị như vậy rất nguy hiểm do không có tác dụng gì hơn nữa lại còn có nguy cơ bỏng mắt.

Bạn Nguyễn Thị Thi: Thưa bác sĩ, tôi có cảm nhận rằng, việc tuyên truyền để bà con hiểu biết về căn bệnh Glôcôm rất ít. Cho nên, nhiều người vẫn còn lơ là với nó đến khi hiểu ra thì ôi thôi đôi mắt đã mù. Vậy chúng ta làm thế nào để họ hiểu một cách cơ bản nhất về căn bệnh cũng tương đối nguy hiểm này? (Nguyễn Thị Thi, Nam Định).

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan với các đơn vị chăm sóc mắt như: giáo dục, các phương tiện thông tin đại chúng. Bản thân người dân (đặc biệt là các bệnh nhân Glôcôm) cũng chính là các tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề này.

Bạn Nguyễn Thanh Hải: Thưa bác sĩ, mẹ tôi thường dùng loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt có nguy hiểm không? (Nguyễn Thanh Hải, Ngọc Hà, Hà Nội)

TS BS Đỗ Tấn: Dùng thuốc không theo đơn, chỉ định của bác sĩ rất nguy hiểm. Lạm dụng thuốc nhỏ mắt có steroid có thể gây bệnh góc mở thứ phát do steroid, là một thể bệnh rất dễ gây mù do biểu hiện âm thầm.

Bạn Huy Nam: Thưa bác sĩ, Bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền không? (Huy Nam, Đông Anh, Hà Nội)

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm có yếu tố di truyền: nhiều gen có liên quan đến căn bệnh đã được phát hiện như: gen CYP1B1 trong Glôcôm bẩm sinh, gen MYOC(TIGR) trong bệnh Glôcôm góc mở nguyên phát, gen ABCC5 trong bệnh góc đóng nguyên phát. Tuy nhiên di truyền học trong bệnh Glôcôm rất phức tạp và vẫn chưa được làm rõ hết. Người ta cho rằng có nhiều gen cùng tham gia trong cơ chế bệnh sinh.

Một nghiên cứu tiến hành tại Việt Nam (năm 1998) cho thấy tỷ lệ phát hiện sớm Glôcôm trên những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm góc đóng  là 38,09%. 


Độc giả Hoàng Anh (hoanganhcckl@gmail.com): Những đối tượng nào dễ bị mắc thiên đầu thống nhất? Trẻ em liệu có bị không, mong bác sỹ tư vân cáh phòng tránh như thế nào?

Bác Sỹ Cát Vân Anh:  Bệnh Glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phòng tránh được do nguyên nhân và cơ chế bệnh chưa rõ ràng, nhưng mù lòa do Glôcôm có thể phòng tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh Glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh Glôcôm bẩm sinh gặp ở trẻ bé,  Glôcôm thiếu niên gặp ở trẻ lướn hơn. Bệnh Glôcôm nguyên phát (góc đóng, góc mở) hay gặp ở tuổi trên 40 tuổi.

BS Vân Anh


Bạn Hải Yến: Gần đây tôi thấy mẹ chồng tôi bảo rằng bà hay đau đầu và mắt mờ. Tôi thấy mọi người bảo đấy là dấu hiệu nhận biết của bệnh thiên đầu thống. Vậy có đúng hay không? Nhờ bác sĩ nói rõ giúp triệu chứng của bệnh thiên đầu thống biểu hiện như thế nào? Cách chữa trị ra sao?

Bác sĩ Cát Vân AnhTriệu chứng của Glôcôm cũng bao gồm đau đầu, nhìn mờ nhưng chủ yếu là đau nhức mắt. Các dấu hiệu của mẹ bạn cũng cần thiết phải đến chuyên khoa Mắt để kiểm tra thị lực và nhãn áp loại trừ bệnh thiên đầu thống.

Bệnh Glôcôm góc đóng triệu chứng cơ năng thường rầm rộ như nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nước mẳt.

Ngược lại với Glôcôm góc đóng thì Glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng, nhìn thu hẹp.

Cách chữa trị:

Gloom góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị dự phòng bằng laser, giai đoạn muộn thường phải phẫu thuật. Còn Glôcôm góc mở thì điều trị ban đầu là dùng thuốc hạ nhãn áp, trong trường hợp nhãn áp không điều chỉnh với thuốc mới phải điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.

Điều trị và theo dõi Glôcôm là suốt đời, bệnh chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn. 

Bạn Hoàng Anh (hoanganhcckl@gmail.com): Triệu chứng của bệnh Glôcôm cấp thế nào?

 Bác sĩ Cát Vân Anh: Bệnh Glôcôm góc đóng cấp triệu chứng cơ năng thường rầm rộ như nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đau nửa đầu cùng bên, nôn, buồn nôn, mắt đỏ nhiều, sưng và chảy nước mẳt.

Ngược lại với Glôcôm góc đóng thì Glôcôm góc mở thường biểu hiện rất âm thầm, mang tính mạn tính: không đau nhức, không đỏ mắt, người bệnh thường chỉ tự nhận ra mình có bệnh khi mắt nhìn mờ nhiều hoặc thị trường đã bị tổn hại nặng, nhìn thu hẹp. 

Phát hiện và chăm sóc bệnh nhân Glôcôm

 

Bạn Lê Thị Tình: Bác sĩ ơi, bố cháu bị bệnh Glôcôm, nhưng ông rất ngại đi khám ở bệnh viện vì mất công chờ đợi và mất thời gian. Cháu nghe các bà hàng xóm mách bố cháu là xông lá chầu không hoặc đáp lá tía tô. Cháu muốn hỏi bố cháu làm như vậy có nguy hiểm cho đôi mắt không ạ. Cháu cảm ơn. (Lê Thị Tình, Nam Sách, Hải Dương)?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Điều trị như vậy rất nguy hiểm do không có tác dụng gì hơn nữa lại còn có nguy cơ bỏng mắt

Bạn Nguyễn Thị Thi: Thưa bác sĩ, tôi có cảm nhận rằng, việc tuyên truyền để bà con hiểu biết về căn bệnh Glôcôm rất ít. Cho nên, nhiều người vẫn còn lơ là với nó đến khi hiểu ra thì ôi thôi đôi mắt đã mù. Vậy chúng ta làm thế nào để họ hiểu một cách cơ bản nhất về căn bệnh cũng tương đối nguy hiểm này? (Nguyễn Thị Thi, Nam Định)?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan với các đơn vị chăm sóc mắt như: giáo dục, các phương tiện thông tin đại chúng.

Bản thân người dân (đặc biệt là các bệnh nhân Glôcôm) cũng chính là các tuyên truyền viên tích cực và hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với vấn đề này

Điều trị biến chứngvà điều trị dự phòng biến chứng

Độc giả Thủy Tiên: Thưa bác sĩ, tôi thường có biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, có phải là dấu hiệu của bệnh Glôcôm không? Mỗi lần nhức đầu và nhức mắt tôi thường uống thuốc giảm đau hoặc thuốc DaFalgan. Uống thuốc đấy có ảnh hưởng đến sức khỏe không thưa bác sĩ? (Thủy Tiên, Ngọc Thụy, Hà Nội)?

TS BS Đỗ Tấn: Triệu chứng cơ năng anh mô tả rất giống với 1 cơn góc đóng cấp hoặc bán cấp. Anh cần đi khám xác định ngay xem mình có mắc bệnh Glôcôm không. Uống thuốc giảm đau có thể giảm triệu chứng nhưng không có tác dụng chữa bệnh.

Độc giả Hồng Sáu: Thưa bác sĩ, nếu đi khám định kỳ có phát hiện được bệnh Glôcôm không?/Khámmắt, đo nhãn áp theo định kỳ bao lâu?  (Hồng Sáu, Sơn Tây, Hà Nội)?

TS BS Đỗ Tấn: Theo khuyến cáo của hội nhãn khoa Mĩ, mỗi người nên đi khám sàng lọc bệnh mắt (trong đó có bệnh Glôcôm) mỗi năm 1 lần.

Những người ruột thịt của bệnh nhân Glôcôm nguyên phát nên chủ động đến cơ sở nhãn khoa để sàng lọc (nguy cơ cao gấp 8 lần so với quần thể).

Độc giả Lê Thị Lộc: Khi bị bệnh Glôcôm thì đến đâu để điều trị và việc điều trị có tốn kém không? (Lê Thị Lộc, Dĩ An, Bình Dương)?

TS BS Đỗ Tấn: Khi mắc bệnh cần đến khám, điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Điều trị Glôcôm hiện tại ở Việt nam chi phí rất phải chăng và được thanh toán 1 phần bởi bảo hiểm y tế (ví dụ: 1 lọ thuốc hạ nhãn áp thông thường có giá khoảng 50 nghìn, dùng được trong 1 tháng; 1 liều trình điều trị laser SLT có giá khoảng 1 triệu, thường có hiệu quả trong 1 năm; phẫu thuật Glôcôm thông dụng chi phí khoảng 2 triệu). 

Độc giả Nguyễn Nguyệt: Xin bác sĩ cho biết phác đồ điều trị bệnh Glôcôm? Thời gian điều trị là bao lâu? Nếu bị Glôcôm có phải phẫu thuật không? (Nguyễn Nguyệt, Bắc Ninh)?

TS BS Đỗ Tấn: Điều trị phụ thuộc vào thể bệnh: Glôcôm góc đóng giai đoạn sớm có thể điều trị bằng laser: tạo một đường lưu thông mới của thủy dịch qua lỗ mở bằng laser của mống mắt từ hậu phòng ra tiền phòng; giai đoạn muộn phải phẫu thuật.

Glôcôm góc mở điều trị ban đầu là thuốc hạ nhãn áp, nếu không đạt yêu cầu phải chuyển điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.

Điều trị và theo dõi Glôcôm là suốt đời (bệnh chỉ ổn định chứ không khỏi hẳn được).

Độc giả Thanh Thanh: Xin bác sĩ cho biết những biến chứng của bệnh Glôcôm?

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác do vậy các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa.

Trong một số trường hợp mù lòa còn có thể kèm theo đau nhức dẫn đến phải bỏ mắt. Lưu ý là các tổn hại chức năng thị giác của bệnh Glôcôm là không hồi phục được.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ

Độc giả Vân Anh: Khi bị bệnh Glôcôm cần kiêng những loại thức ăn nào?/ chế độ ăn uống ra sao? (Vân Anh, Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội)?

-         Rau chân vịt và các loại rau lá xanh có nhiều chất dinh dưỡng cho mắt và có chất chống oxy hoá

-         Các loại vitamin (C, A, E) và muối khoáng có tác dụng tốt. Tuy nhiên không nên lạm dụng

-         Bỏ rượu và thuốc lá

Độc giả Thúy Lâm: Thưa bác sĩ, bệnh Glôcôm ở Việt Nam so với thế giới chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm ạ? Nước nào trên thế giới bị bệnh này nhiều nhất? (Thúy Lâm, Phó Đức Chính, Hà Nội)?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Theo nghiên cứu của khoa Glôcôm trên 2 cộng đồng dân cư ở Thái Bình và Nam Định cho thấy tỷ lệ mắc bệnh Glôcôm là khoảng 2% đối với quần thể trên 40 tuổi, tỷ lệ này cũng khá tương tự như tỷ lệ trên cộng đồng của các nước khác trên thế giới (tuy nhiên mô hình bệnh có thể khác nhau).

Người châu Á hay gặp Glôcôm góc đóng nguyên phát, trong người châu Phi hay gặp Glôcôm góc mở. Người Việt Nam có tỷ lệ Glôcôm góc đóng cơn cấp rất cao trong khu vực châu Á.

Độc giả Xuân Lâm: Bác sĩ ơi, có phải bệnh Glôcôm này chủ yếu xảy ra ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa không ạ?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Bệnh Glôcôm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi địa phương.

Dự phòng và phát hiện sớm

Độc giả Thu Hà: Bố tôi thường xuyên bị nhức mắt, mờ mắt và cao huyết áp, tiểu đường có phải bệnh Glôcôm hay không?

TS BS Đỗ Tấn: Cao huyết áp và đái tháo được có thể gây biến chứng trên võng mạc và gây giảm thị lực trầm trọng. Mặt khác cao huyết áp và đái tháo đường có thể làm nặng thêm tiến triển của bệnh Glôcôm.

Bố bạn nên đi khám chuyên khoa mắt để xác định chính xác nguyên nhân gây nhức và mờ mắt.

Nghe BS Đỗ Tấn tư vấn tại đây: 

Độc giả Huy Đông: Bác sĩ ơi, cháu nghe người ta nói gối đầu vào ban đêm là bị bệnh thiên đầu thống phải không ạ? Cháu rất bận, ít có thời gian nên thường xuyên tắm và gội đầu vào ban đêm. (Huy Đông, Hà Nội)

TS BS Đỗ Tấn: Hiện nay chưa có tài liệu mô tả sự liên quan của gội đầu ban đêm với Glôcôm. Bệnh Glôcôm là một nhóm bệnh của mắt, yếu tố nguy cơ quan trong là tăng nhãn áp do vậy gần như chắc chắn là không có ảnh hưởng của sự việc này đến khả năng xuất hiện bệnh.

 


Độc giả Trần Thị Năm: Xin bác sĩ cho biết, có loại thuốc nào để dùng dự phòng bệnh Glôcôm không? Xin cảm ơn. (Trần Thị Năm, Hàng Bông, Hà Nội).

TS BS Đỗ Tấn: Không có điều trị dự phòng đối với bệnh Glôcôm nhưng mù lòa do bệnh Glôcôm có thể phòng tránh được bằng cách phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và tuân thủ điều trị, theo dõi tốt.

Hà Thị Chuyên: Thưa bác sĩ, nếu đo nhãn áp có phát hiện ra bệnh Glôcôm không? (Hà Thị Chuyên, Gia Lâm, Hà Nội).

TS BS Đỗ Tấn: Nhãn áp chỉ là 1 yếu tố nguy cơ bệnh, không đồng nghĩa với bệnh Glôcôm. Để chẩn đoán được cần được khám cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa mắt: bác sĩ sẽ xác định bệnh dựa trên đo nhãn áp (đo áp lực trong mắt), làm thị trường và soi đáy mắt để đánh giá dây thần kinh thị giác.

Độc giả Phan Kim Liên: Con của cháu 7 tuổi, thường xuyên chảy nước mắt và sợ ánh sáng có phải là bệnh Glôcôm không thưa bác sĩ? (Phan Kim Liên, Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

TS BS Đỗ Tấn: Có rất nhiều bệnh gây chảy nước mắt và sợ ánh sáng ở trẻ em như: viêm giác mạc, các viêm nhiễm của bán phần trước của mắt. Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng triệu chứng sớm hay gặp nhất của Glôcôm bẩm sinh là chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Con bạn cũng cần đi khám chuyên khoa mắt để xác định bệnh.

** Độc giả Châu Giang: Để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt, theo bác sĩ, mỗi người cần khám mắt, đo nhãn áp theo định kỳ bao lâu?

TS BS Đỗ Tấn: Bạn nên khám ít nhất mỗi năm 1 lần.

Độc giả Minh Minh hỏi: Hậu quả nặng nề nhất đối với bệnh nhân Glôcôm nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách?

TS BS Đỗ Tấn: Bệnh Glôcôm là bệnh lý của dây thần kinh thị giác do vậy các hậu quả cơ bản của nó là tổn hại chức năng thị giác thể hiện qua 2 khía cạnh: tổn hại trường nhìn (vùng mà mắt bao quát được), co hẹp từ ngoại vi, ám điểm cạnh trung tâm và tổn hại thị lực trung tâm cuối cùng sẽ dẫn đến mù lòa. Trong một số trường hợp mù lòa còn có thể kèm theo đau nhức dẫn đến phải bỏ mắt. Lưu ý là các tổn hại chức năng thị giác của bệnh Glôcôm là không hồi phục được.

PV: Như vậy, bệnh Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác của người dân. Bệnh Viện Mắt TW đã và sẽ có những kế hoạch và chính sách gì để nâng cao chất lượng điều trị và quản lý bệnh nhân Glôcôm?

TS BS Nguyễn Xuân Hiệp: Bệnh viện Mắt TW luôn cam kết sẽ đem lại dịch vụ chăm sóc mắt nói chung và chăm sóc bệnh nhân Glôcôm nói riêng với chất lượng tốt nhất.

Để quản lý bệnh nhân Glôcôm chúng tôi đã giao cho khoa Glôcôm thành lập 1 đơn vị quản lý và điều trị bệnh Glôcôm ngoại trú và hiện nay đơn vị này đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhân Glôcôm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Chúng tôi cũng liên tục cập nhật, chú trọng phát triển các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tiên tiến nhất như máy thị trường tự động, máy chụp cắt lớp đáy mắt thế hệ mới nhất, máy laser điều trị Glôcôm, góp phần đem lại hiệu quả điều trị cao nhất có thể cho nhóm đối tượng bệnh nhân này.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu tìm tòi các phương pháp điều trị mới, thuốc mới để có thể đem lại những lựa chọn mới cho bệnh nhân, đóng góp vào hiểu biết chung về căn bệnh này trên qui mô châu lục và quốc tế (Nghiên cứu về thuốc mới- đề tài nghiên cứu đa quốc gia; Nghiên cứu về di truyền trong Glôcôm – đề tài nghiên cứu đa quốc gia).

Song song với đó, chúng tôi cũng luôn luôn chú trọng đến công tác đổi mới phong cách phục vụ, tuân theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ của Bộ Y tế: bệnh nhân đến đón tiếp ân cần, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo. Toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện đều cố gắng nỗ lực, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Bạn Lê Vân Anh : Tôi làm việc văn phòng rất hay đau nhức hai hốc mắt và cảm thấy rất đau đầu, khi nhắm mắt vào thì nước mắt chảy ra thành từng dòng có phải tôi có dấu hiệu thiên đầu thống hay không thưa bác sỹ?

BS Đỗ Tấn: Chào bạn, đây là một trong những trường hợp mà tôi rất hay gặp, có nhiều bạn trẻ tuổi hoặc trung niên làm việc văn phòng đều than thở. Đối với những người làm công chức ngôi văn phòng, ngồi máy tính nhiều gây ra đau nhức hốc mắt

Một biểu hiện hay gặp thứ 2 là khô mắt của những người làm văn phòng. Nhân viên văn phòng thường làm việc trong các điều kiện khô như điều hòa, khói thuốc cũng ảnh hưởng làm khô mắt. Đối với những đối tượng này chúng tôi khuyên nên nghỉ ngơi có những chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, làm việc 1 tiếng nên dành ra 5-7 phút để nghỉ ngơi. Đôi khi phải sử dụng các chế phẩm nhân tạo để bảo dưỡng mắt của chúng ta. Trong trường hợp áp dụng các biện pháp thông thường mà không thấy hiệu quả bạn nên đi khám tại các cơ mở y tế  để phát hiện ra nguyên nhân là gì.

Độc giả Trần Đình Lưu: Thưa bác sỹ, tôi năm nay đã 65 tuổi, mẹ tôi đã bị mù vì thiên đầu thống, mắt tôi hiện đã có màng bao bọc cả hai bên, tôi đã đến bệnh viện để bóc màng amwts ở bên trái được 1 năm, năm na tôi định bóc nốt amwts bên kia, tôi muốn hỏi là thiên đầu thống có bị di truyền hay không và con cháu tôi sau này có bị hay không?

BS Đỗ Tấn: Thưa bác, như tôi đã nói, bệnh thiên đầu thống hay bệnh glocom là bệnh có yếu tố di truyền, tuy rằng di truyền học trong bệnh glocom có tính di truyền rất phức tạp, có nhiều gen tham gia vào việc hình thành nên các bệnh lý, quá trình di truyền đó, hiện nay chúng tôi cũng như trên thế giới vẫn chưa được hiểu rõ lắm. Nếu như mẹ bác là người bị mù do thiên đầu thống thì bác cũng là người có nguy cơ mắc thiên đầu thống, và con cháu của bác cũng là người có nguy cơ bị bệnh. Theo như nghiên cứu trên thế giới thì nguy cơ của bác cao hơn gấp 6 lần so với người bình thường trong quần thể, theo như nghiên cứu Việt Nam, trên những người ruột thịt của bệnh nhân glocom góc đóng thì tỷ lệ có nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hện ra bệnh lên đến gần 40%. ở độ tuổi này nêu như có điều kiện tôi khuyên bác nên đi khám sàng lọc glocom càng sớm càng tốt, vì nguy cơ bác bị bệnh lên đến gần 40%. Một điểm nữa khi bác hỏi bác có nói là bóc màng mắt ở hai bên, đây là từ hay dùng trong dân gian, tuy nhiên trong y học gọi là bị mọng ở mắt. Khi có mọng nên chăm sóc 1 cách đúng đắn, không tự ý bôi những thuốc làm cho trắng mọng, thậm chí có những người hiểu nhầm là làm cho tan mọng, những thuốc này khi tra vào mắt có cảm giác dễ chịu tuy nhiên có thể gây ra bệnh glocom mở tuyến giáp rất nguy hiểm và gây mù.

Độc giả Anh Sơn: Tôi là Nguyễn Anh Sơn, quê ở Sóc Trăng: Người dân quê tôi bị mù rất nhiều. Bộ Y tế đã có kết luận về nguyên nhân gây mù lòa nhưng tôi rất hoang mang bởi còn nhiều nguyên nhân khác mà người dân không biết. Vậy khi có kết luận của Bộ Y tế thì người dân trồng hành tím có bị thiên đầu thống như các nhóm khác hay không. Bác sĩ có lời khuyên nào với người dân để không phải bỏ nghề?

Nghe BS Nguyễn Xuân Hiệp tư vấn:

PV: Xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ đã tham gia chương trình. Trân trọng cảm ơn quý vị đã quan tâm, theo dõi!



Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm
Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm

VOV.VN - Glôcôm là một bệnh nguy hiểm, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn.

Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm

Việt Nam có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm

VOV.VN - Glôcôm là một bệnh nguy hiểm, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn.

Phát hiện và kiểm soát bệnh Glôcôm
Phát hiện và kiểm soát bệnh Glôcôm

VOV.VN -Bệnh viện mắt Trung ương tổ chức khám bệnh và tư vẫn miễn phí cho người dân tại phòng F504 và E507 vào chiều 10/3.

Phát hiện và kiểm soát bệnh Glôcôm

Phát hiện và kiểm soát bệnh Glôcôm

VOV.VN -Bệnh viện mắt Trung ương tổ chức khám bệnh và tư vẫn miễn phí cho người dân tại phòng F504 và E507 vào chiều 10/3.

Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới
Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới

(VOV) - Tuần lễ này diễn ra từ ngày 11 đến 16/3 với thông điệp gửi tới cộng đồng: bệnh glôcôm phải được theo dõi và điều trị suốt cuộc đời.

Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới

Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới

(VOV) - Tuần lễ này diễn ra từ ngày 11 đến 16/3 với thông điệp gửi tới cộng đồng: bệnh glôcôm phải được theo dõi và điều trị suốt cuộc đời.

Việt Nam có khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm
Việt Nam có khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm

VOV.VN - Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, 30% số người mắc bệnh này có tiền sử tra thuốc nhỏ mắt chứa chất Corticoid.

Việt Nam có khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm

Việt Nam có khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm

VOV.VN - Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, 30% số người mắc bệnh này có tiền sử tra thuốc nhỏ mắt chứa chất Corticoid.