Sai lầm chết người khi sử dụng thuốc “Miên” đề điều trị viêm khớp
VOV.VN - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa do sử dụng thuốc Miên
Mới đây, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên là Nguyễn Thị M, 42 tuổi, ngụ tại An Giang, nhập viện trong tình trạng ói ra máu, xuất huyết đường tiêu hóa.
Khai thác bệnh sử được biết, người bệnh từng bị sưng khớp, đi khám và được chẩn đoán là viêm khớp dạng thấp. Bác sĩ đã cho chỉ định dùng thuốc kháng viêm để điều trị. Tuy nhiên, sau một tuần dùng hết thuốc, người bệnh không quay lại tái khám mà được hàng xóm mách bảo có một loại thuốc “Miên” (tên gọi của một loại thuốc ở vùng miền Tây) chữa bệnh khớp rất hay.
Người bệnh đã mua về sử dụng và cảm thấy triệu chứng đau nhức giảm. Tuy nhiên, người bệnh phải sử dụng thuốc liên tục, hết thuốc triệu chứng lại bắt đầu xuất hiện trở lại. Tự chữa bằng loại thuốc “Miên” liên tục trong 3 tháng, người bệnh bị ói ra máu, phải nhập viện cấp cứu tại bệnh viện.
Hình bàn tay bị viêm khớp dạng thấp |
Theo BS CKI Cao Thanh Ngọc, việc sử dụng thuốc giảm đau có hai loại. Một là thuốc kháng viêm không chứa Corticoid. Khi người bệnh tự sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ gây ra những tác dụng rất nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa hoặc làm tăng những biến cố về bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, gây suy thận nặng hơn.
Hai là thuốc kháng viêm có chứa Corticoid. Khi mới dùng người bệnh cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu, giảm đau, ăn ngon, ngủ dễ. Nếu người bệnh không biết, sử dụng trong một thời gian dài với liều cao sẽ dẫn đến những biến chứng như loãng xương, tăng huyết áp, tiểu đường, rạn da, dễ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể,…Những triệu chứng trên gọi chung là hội chứng Cushing.
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis, VKDT) là một bệnh lý viêm khớp có tính chất tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính màng hoạt dịch ở nhiều khớp và có hoặc không các tổn thương ngoài khớp.
VKDT có biểu hiện sưng đau nhiều khớp kèm theo tình trạng cứng khớp buổi sáng kéo dài. Bệnh biểu hiện rõ khi thời tiết thay đổi hoặc khí trời ẩm ướt.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở tất cả các chủng tộc và tất cả các lứa tuổi. Lứa tuổi thường bị bệnh nhiều nhất là 30-50 tuổi (chiếm 73 – 85%). Nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam gấp 2 - 6 lần. Nam giới mắc bệnh có xu hướng nặng nề hơn nữ giới.
Các khớp thường bị ảnh hưởng là khớp nhỏ ở cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân. Ngoài ra, tất cả các khớp khác cũng đều có thể bị ảnh hưởng như khớp khuỷu, vai…Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến hẹp khe khớp, dính, biến dạng khớp và gây tàn phế.
Dấu hiệu chủ yếu của viêm khớp sớm trong VKDT là đau và sưng khớp. Khớp viêm có thể sưng, nóng, song thường ít tấy đỏ. Tình trạng viêm khớp được cho là đang hoạt động nếu đau khi sờ nắn hoặc khi vận động khớp thụ động. Sưng khớp có thể là sưng nề phần mềm quanh khớp hoặc sưng tại khớp. Sưng tại khớp thường kèm theo các dấu hiệu của tràn dịch khớp.
Bệnh có thể bắt đầu ở một khớp và không đối xứng, chẳng hạn như khớp gối, song đa số các trường hợp trong vòng vài tuần đến vài tháng sẽ phát triển thành viêm nhiều khớp với tính chất đối xứng, thông thường ảnh hưởng tới các khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp ngón gần, khuỷu, vai, háng, gối, cổ chân và các khớp nhỏ ở bàn chân. Hiếm gặp tổn thương ở các khớp liên đốt ngón xa.
Bác sĩ Ngọc khuyên: Người bệnh cần đi khám khi có các dấu hiệu như đau nhức khớp hoặc cứng khớp thường xuyên vào buổi sáng; đau khớp dai dẳng, nặng thêm theo thời gian; khớp sưng, nóng, đau đối xứng; đau khớp, mệt mỏi, đôi khi sốt như cúm làm hạn chế vận động, hoạt động hàng ngày; sưng đau khớp kéo dài trên 2 tháng ở phụ nữ trung niên
Phương pháp chẩn đoán sớm bệnh và cách phòng tránh
Bác sĩ Ngọc nêu rõ: Chẩn đoán sớm và điều trị sớm là rất quan trọng bởi vì tổn thương phá hủy khớp có thể xuất hiện rất sớm trong quá trình của bệnh. Khoảng 30% người bệnh có biểu hiện bào mòn xương tại thời điểm chẩn đoán và tỷ lệ này có thể tăng lên 60% trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, VKDT khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Bệnh dễ chẩn đoán nhầm cũng như dễ bỏ sót chẩn đoán. Chính vì vậy, người bệnh cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Khi đi khám bệnh, người bệnh cần mô tả kỹ các triệu chứng.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo: Đau khớp có thể làm ảnh hưởng tới toàn bộ sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Đó là cảm giác khó chịu, đau nhức, tê buốt tại các khớp xương, và bị hành hạ nhiều về ban đêm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh còn tác động tới tâm lý của người bệnh thông qua việc luôn cảm thấy buồn phiền, và ngại cử động dẫn tới các khớp trở nên tê cứng và ngày càng bệnh nặng thêm.
Nếu không được điều trị, khớp viêm có thể tiến triển đến biến dạng do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng gây bán trật khớp. Các kiểu biến dạng khớp thường gặp trong VKDT gồm cổ bàn tay bị lệch về phía xương trụ (bàn tay gió thổi), cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thùa khuy (co gấp khớp ngón gần và quá duỗi của khớp ngón xa), ngón tay hình cổ cò (quá duỗi khớp ngón gần và gấp khớp ngón xa).
“Người bệnh có thể có các dấu hiệu của viêm các bao gân duỗi biểu hiện bằng sưng nề cổ tay phía mu tay. Viêm các bao gân gấp có thể gây ngón tay cò súng.
Người bệnh có thể có hội chứng đường hầm cổ tay do viêm các gân gấp gây ép thần kinh giữa ở vùng cổ tay, biểu hiện là tê, đau, hoặc rối loạn vận động phía xương quay của bàn tay. Tương tự, người bệnh có thể có hội chứng đường hầm khuỷu tay, đường hầm cổ chân do chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay, hoặc thần kinh chày sau ở cổ chân; viêm bao thanh dịch mỏm khuỷu, kén hoạt dịch Baker vùng khoeo chân”, BS Ngọc nhấn mạnh.
Bệnh này không chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu người bệnh đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm và được chữa đúng khớp sẽ hết viêm, người bệnh sẽ hết đau và tránh được biến dạng khớp – tàn phế về sau.
Tập thể dục đều đặn giúp duy trì hoạt động linh hoạt của khớp, giúp các cơ và khớp khỏe hơn. Các bài tập thể dục với động tác uyển chuyển như khiêu vũ hoặc các bài tập dẻo dai như bơi lội hoặc đạp xe đạp thì thích hợp vì có thể giúp giảm sưng các khớp, giúp tốt cho tim mạch, giảm cân và cải thiện chức năng toàn thân.
Tuy nhiên, bất cứ bài tập nào mà không gây đau hay sưng khớp nhiều hơn đều có thể thử để làm giảm triệu chứng viêm khớp. Khi vận động thấy đau nhiều hơn là do tình trạng viêm ở khớp chưa được cải thiện chứ không phải vận động gây ra đau khớp. Người bệnh cần được điều trị cho khớp giảm viêm và bắt đầu tập thể dục như khuyến cáo…/.