Suy tuyến thượng thận vì lạm dụng corticoid
VOV.VN - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh bị suy tuyến thượng thận vì lạm dụng các thuốc chứa corticoid. Có thời điểm, tỷ lệ người bệnh từng lạm dụng nhóm thuốc này chiếm trên một nửa số bệnh nhân của khoa.
Vô tình sử dụng corticoid kéo dài mà không lường hết hậu quả
Anh Bùi Văn Long quê ở tỉnh Sơn La nằm trên giường bệnh với bàn chân mưng mủ, sưng to do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Không chỉ thế, khi vào điều trị nội trú tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, anh còn được phát hiện bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc chứa corticoid kéo dài. Anh Long cho biết, cách đây 6 năm, anh được chẩn đoán mắc bệnh gout và được bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị. Từ đó, cứ mỗi lần bị đau do cơn gout cấp, anh lại ra hiệu thuốc tự mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, gần đây thuốc giảm đau cũng không có tác dụng, cùng với bàn chân bị nhiễm trùng nặng nên anh phải đến bệnh viện điều trị.
Cũng vì lạm dụng corticoid mà anh Nguyễn Văn Vĩnh ở Hải Phòng đã bị biến chứng và phải nhập viện điều trị. Anh Vĩnh cho biết, trước đây do bị dị ứng, theo lời mách bảo của người quen nên anh thường đến nhà một thầy lang để tiêm thuốc. Tuy nhiên, chính anh cũng không biết được thầy lang cho uống và tiêm thuốc gì. Gần đây, thấy mặt và chân bị sưng phù, anh Vĩnh mới đi khám bệnh và được bác sĩ phát hiện bị suy tuyến thượng thận.
Theo các bác sĩ, những bệnh nhân như anh Long, anh Vĩnh dù có được điều trị ổn định và xuất viện nhưng với tác dụng phụ mà corticoid gây ra thì sau này vẫn phải tiếp tục phải theo dõi và thăm khám định kỳ.
Suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid có thể dẫn tới tử vong
Bác sĩ Phạm Thị Lưu Khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai cho biết, corticoid là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau rất mạnh và thường được chỉ định điều trị các bệnh lý xương khớp, dị ứng, hô hấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không theo hướng dẫn của bác sĩ, lạm dụng thuốc thì corticoid có thể gây ra các tác dụng phụ như người bệnh bị thay đổi về kiểu hình, da bị mỏng đi, dễ xuất hiện các vết xuất huyết, rạn da, teo cơ.
Khi dùng corticoid kéo dài sẽ gây ức chế hoạt động của tuyến thượng thận (làm giảm hoặc ngưng sản xuất corticoid). Đây là một tuyến nội tiết tiết ra các hormon có tác dụng duy trì mức huyết áp và nhịp tim cũng như điều hòa các hoạt động chuyển hóa của cơ thể chúng ta. Nếu tuyến thượng thận bị suy sẽ không tiết ra đủ các hormon cần thiết, gây rối loạn điện giải, huyết áp…khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, ăn uống kém, tiêu chảy…Khi bệnh nhân bị tổn thương tuyến thượng thận cấp thì có thể bị tụt huyết áp, hạ natri máu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Ngoài ra, với người mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… việc lạm dụng corticoid sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát huyết áp và đường máu. Corticoid cũng là nhóm thuốc ức chế miễn dịch rất mạnh. Lạm dụng corticoid cũng dẫn đến hậu quả dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Với bệnh nhân đái tháo đường, hệ miễn dịch vốn đã suy yếu, việc lạm dụng corticoid càng nguy hiểm hơn, bởi chỉ cần một vết xước trên da cũng dễ trở thành viết thương khó liền và tình trạng nhiễm trùng nặng nề” - BS Phạm Thị Lưu phân tích.
Tuy nhiên, hiện tại nhóm thuốc corticoid chưa được quản lý chặt chẽ, người bệnh có thể mua thoải mái mà không cần có đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc nam, thuốc đông dược được trộn corticoid mà người bệnh không biết, cứ thế mua về dùng vì thấy hiệu quả. Để tránh các hậu quả nghiêm trọng do các thuốc chưa corticoid gây ra, bác sĩ Phạm Thị Lưu khuyến cáo: khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn, tránh tự ý dùng đơn thuốc cũ vì điều này có thể dẫn đến lạm dụng corticoid kéo dài và gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe./.