Tai nghễnh ngãng - nếu phát hiện sớm, sẽ kiểm soát được!

VOV.VN - Khoảng 30-35 % người từ 65 tuổi trở lên và khoảng một nửa số người từ 75 tuổi có tình trạng bị suy giảm sức nghe

Lão thính là gì?

Tai bị “nghễnh ngãng” do tuổi già- lão thính, là tình trạng giảm sức nghe xuất hiện ở hầu hết mọi người khi già đi. Khoảng 30-35 % người từ 65 tuổi trở lên và khoảng một nửa số người từ 75 tuổi có tình trạng bị suy giảm sức nghe. Có những người bị lão thính sớm do di truyền.

 

Nghe kém do nguyên nhân lão thính chủ yếu là nghe kém các âm thanh có tần số cao. Ví dụ, người bị lão thính có thể gặp khó khăn trong việc nghe tiếng chim hót hoặc tiếng chuông điện thoại nhưng lại nhe rất rõ những âm thanh trầm như tiếng gầm của xe tải, tiếng cối xay...

Lão thính chính là tình trạng già đi của các tế bào lông đảm nhận chứng năng nghe hoặc thoái hóa sợi trục của dây thần kinh thính giác, hầu hết là do những thay đổi của tai trong, thay đổi phức tạp dọc theo con đường dẫn truyền tín hiệu thính giác tới não bộ.

Lão thính thường xuất hiện ở cả hai bên tai với mức độ ngang nhau.

Các biểu hiện của lão thính

Trong lão thính, các âm thanh thường trở nên không rõ ràng và nhỏ. Việc này dẫn đến những khó khăn trong hoạt động nghe và hiểu lời nói. Những người có lão thính thường có những biểu hiện sau:

•       Gặp khó khăn khi nghe điện thoại

•       Khó bắt kịp cuộc hội thoại khi cùng lúc có từ 2 người nói trở lên

•       Thường yêu cầu người đối diện nói lại

•       Luôn mở TV với âm lượng to hơn bình thường

•       Không nghe được trong môi trường nhiều tiếng ồn

•       Thấy người khác như đang nói lầm bầm, lẩm bẩm hoặc líu nhíu.

•       Những âm có tần số cao như âm “s” và âm “th” trở nên khó nghe và dễ nhầm với nhau.

•       Khó hiểu các cuộc hội thoại, đặc biệt là khi có tiếng ồn xung quanh, khó tiếp cận với người xung quanh.

•       Nghe tiếng nói trầm của nam giới rõ hơn tiếng nói cao của nữ giới.

•       Thấy một số âm thanh rất khó chịu hoặc to bất thường.

•       Ù tai (nghe thấy tiếng chuông, tiếng ầm ầm, hoặc tiếng gió rít trong cả hai tai) cũng có thể xuất hiện.

 

Do quá trình này diễn ra rất chậm chạp, người bị lão thính có thể không nhận ra rằng khả năng nghe của mình đang bị mất dần, trở nên nghễnh ngãng, lãng tai...

Ảnh hưởng của lão thính

Người bị lão thính sẽ giao tiếp khó khăn, khó tiếp thu được những lời khuyên của bác sĩ, không đáp ứng với những lời cảnh báo, chuông cửa và chuông báo động. Họ có thể có cảm giác cô độc dần và có thể bị trầm cảm, hoặc thu mình lại, không muốn giao tiếp với người khác bởi họ cảm thấy thất vọng hoặc xấu hổ khi không thể hiểu được điều người khác đang nói.  Trong giao tiếp hàng ngày, bệnh nhân thường bị nhầm là bị lẫn, chậm chạp, hoặc không hợp tác vì họ không nghe được.

 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người cao tuổi nghe kém có nguy cơ bị sa sút trí tuệ cao hơn. Khả năng nhận thức (bao gồm trí nhớ và khả năng tập trung) giảm nhanh hơn ở người già nghe kém. Điều trị các vấn đề về nghe có vai trò quan trọng trong việc dự phòng sa sút trí tuệ và nhận thức ở người cao tuổi.

Cách phòng tránh và xử trí

Điều quan trọng đầu tiên là cần hạn chế môi trường nhiễm tiếng ồn lớn, nếu cần thiết có thể sử dụng nút bông tai hoặc tai chống ồn chuyên dụng để bảo vệ tai không bị tổn thương.  

Y học hiện nay có nhiều biện pháp hỗ trợ người lão thính, như: Sử dụng các thuốc tăng tưới máu vi mạch và tăng sử dụng oxy ở các tế bào thần kinh; hay nhóm thuốc nội tiết: oestrogen với phụ nữ mãn kinh, testosterol với nam, các hoóc-môn tuyến yên… để bù lại sự thiếu hụt ở người cao tuổi;  các thuốc nhóm vitamin (vitamin A chống tiếng ồn và tạo thuận lợi cho sự tái sinh của các mô liên kết nói chung cũng như của cơ quan thính giác nói riêng, có thể kết hợp với vitamin B, vitamin E…). Ngoài thuốc, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng máy trợ thính, bởi thiết bị hỗ trợ nghe có thể giúp cải thiện khả năng nghe trong một số trường hợp.

 

Trong một số trường hợp đặc biệt mà người cao tuổi vẫn cần đến sức nghe để làm việc như những chính khách, nhà ngoại giao… không muốn sử dụng máy nghe có thể phẫu thuật để cấy điện cực ốc tai hoặc điện cực thân não.

 

Một cách phức tạp hơn là tập đọc khẩu hình miệng: người bệnh được dạy cách nhìn sự chuyển động của môi và các kết hợp chuyển động để đoán nội dung người đối diện đang truyền tải.

Trong trường hợp bệnh nhân cần sử dụng máy trợ thính, nên tham vấn với các chuyên gia Tai mũi họng để lựa chọn máy theo thính lực đồ của mỗi cá thể.

Các lưu ý trong giao tiếp với người lão thính

Nếu bạn hoặc người thân của bạn bị lão thính, hãy chia sẻ những lưu ý nhỏ này với các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp:

•       Khi nói chuyện hãy đứng đối diện với họ để giúp họ có thể đọc được khẩu hình miệng của bạn.

•       Nói chuyện ở nơi có ánh sáng tốt. Điều này giúp người nghe kém có thể quan sát những biểu cảm của gương mặt, những cử chỉ cũng như các chuyển động của môi và ngôn ngữ cơ thể của bạnđể nắm được nội dung bạn đang nói.

•       Khi nói chuyện hãy tắt TV hoặc radio.

•       Tránh nói khi đang nhai hoặc khi đang che miệng.

•       Nói to hơn bình thường nhưng không nên hét to. Hét to có thể làm biến dạng lời nói của bạn.

•       Nói với tốc độ bình thường, không nói nhanh.

•       Cung cấp cho người nghe kém các manh mối về chủ đề đang được nói tới bất cứ khi nào có thể.

•       Cố gắng truyền tải thông tin dưới dạng những câu ngắn và đơn giản hơn nếu như người nghe kém có vẻ như không hiểu bạn đang nói gì.

•       Trong nhà hàng hoặc ở những nơi tụ tập đông người, hãy chọn nơi nói chuyện cách xa đám đông hoặc nơi ồn ào./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên