Tại sao bệnh dại lại sợ nước và cách xử trí vết thương từ chó dại cắn ra sao?
VOV.VN - Chỉ mới hơn hai tháng đầu năm, các ca bệnh dại trên cả nước ghi nhận sự gia tăng đột biến, trong đó điểm nóng là khu vực Tây Nguyên. Bệnh dại có thể gây tử vong nên điều cần thiết là phải biết cách phòng ngừa, cũng như xử trí vết thương khi bị chó, mèo cắn.
Bệnh dại là một loại bệnh do virus nguy hiểm gây ra. Động vật có thể lây bệnh dại sang người qua vết cắn và vết cào xước.
Căn bệnh này vẫn là một vấn đề trên toàn thế giới và gây ra hàng chục nghìn ca tử vong hàng năm, chủ yếu ở các vùng nông thôn ở Đông Nam Á và Châu Phi. Trong số tất cả các bệnh nhiễm trùng liên quan đến bệnh dại, 99% xảy ra do chó cắn.
Không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại mà nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như con vật đó có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật đó nhiều hay ít,v.v
Virus bệnh dại xâm nhập vào cơ thể khi nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh dính vào vết thương hở (thường là do vết cắn). Nó di chuyển rất chậm dọc theo dây thần kinh vào hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống). Khi nó đến não, tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng thần kinh. Từ đó, bệnh dại dẫn đến hôn mê và có thể tử vong.
Cách phòng ngừa bệnh dại
Mặc dù bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Một số biện pháp bao gồm:
- Tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi trong nhà.
- Những người có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh dại cũng cần tiềm vaccine ngừa bệnh dại.
- Chủ nuôi phải nhốt, xích vật nuôi; khi ra đường cần mang rọ mõm.
- Cập nhật thông tin cần thiết về phòng chống bệnh dại và giáo dục cho trẻ về vấn đề này. Hướng dẫn trẻ thông báo ngay cho người thân sau khi bị động vật cắn.
- Tránh cho con trẻ chơi với động vật, nhất là chó, mèo hoang.
Cách xử trí vết thương từ chó, mèo cắn
Khi bị chó, mèo cắn hoặc nếu con vật liếm vết thương hở, bạn nên ngay lập tức rửa sạch mọi vết thương liên tục trong 15 phút bằng nước xà phòng, hoặc thuốc sát khuẩn povidone iod (nếu có). Cách này để giảm thiểu số lượng hạt virus. Sau đó, cần phải đến cơ sở y tế kịp thời.
Tại sao bệnh dại lại sợ nước?
Người ta thường gọi bệnh dại là chứng sợ nước. Nguyên nhân là do nhiễm trùng gây co thắt dữ dội ở cổ họng khi người bệnh cố nuốt. Ngay cả ý nghĩ nuốt nước cũng có thể gây ra co thắt, khiến người đó có vẻ sợ nước.