Tầm soát sớm giúp bệnh nhân “chiến thắng” 2 căn bệnh ung thư

VOV.VN - Trường hợp bệnh nhân Phạm Văn H (50 tuổi, Lê Chân, Hải Phòng) đã 2 lần chẩn đoán ung thư sớm và 2 lần đều phẫu thuật thành công.

Năm 2019, ông H đã phẫu thuật điều trị ung thư amidan tại Bệnh viện K. Ở lần khám sức khỏe, tầm soát ung thư sau đó, ông được bác sỹ chẩn đoán ung thư thực quản. Tuy nhiên, rất may mắn là cả 2 lần chẩn đoán thì bệnh đều ở giai đoạn sớm, các bác sỹ đánh giá hiệu quả điều trị rất khả quan.

Tháng 6/2019, ông H được chẩn đoán ung thư amidan trái T1N0M0 và được các bác sỹ Khoa Ngoại tai mũi họng Bệnh viện K thực hiện phẫu thuật cắt amidan và vét hạch cổ trái. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được ra viện. Ông H sau đó vẫn tái khám định kỳ tại Bệnh viện K. Trong một lần đến khám tầm soát ung thư tổng quát, ông tiếp tục được chẩn đoán ung thư thực quản.

Tầm soát sớm giúp bệnh nhân H “chiến thắng” 2 căn bệnh ung thư. (Ảnh: Bệnh viện K)

Theo Ths.BS Đoàn Trọng Tú, Trưởng khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K, trong quá trình khám và điều trị cho người bệnh, bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp người bệnh mắc 2 loại bệnh ung thư khác nhau. Không nhiều người bệnh hiểu rõ được vấn đề đó nên khi được bác sỹ tư vấn với kết quả như vậy thường hoang mang, suy nghĩ.

“Tôi và các bác sỹ, đồng nghiệp luôn cố gắng để giải thích rõ cho người bệnh về tình trạng sức khỏe của họ cũng như phác đồ điều trị, vì tâm lý là vấn đề quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị. Rất may là bệnh nhân H phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nên đánh giá hiệu quả điều trị sẽ khả quan. Sau khi hiểu rõ vấn đề này, bệnh nhân H rất hợp tác với các bác sỹ trong quá trình điều trị”, BS Tú nói.

Cuối tháng 5/2020, ông H được phẫu thuật cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày với phương pháp nội soi. Do bệnh nhân đã mổ vét hạch cổ trước đó nên phương pháp mổ thực quản khó khăn hơn so với mổ ung thư thực quản thông thường khác.

“Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, phẫu tích tỉ mỉ, lấy tối đa, triệt căn tế bào ung thư, và tạo hình thực quản bằng dạ dày để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp này có ưu điểm ít biến chứng; người bệnh phục hồi khá nhanh sau mổ và quan trọng là vừa đảm bảo điều trị ung thư vừa nâng cao chất lượng sống cho người bệnh”, BS Tú cho biết.

BS Tú cũng nhấn mạnh sự cần thiết của tầm soát ung thư, theo đó, mọi người nên thực hiện 6 tháng tầm soát tổng quát ung thư 1 lần, kể cả với những người đã, đang điều trị ung thư. Việc phát hiện sớm luôn tỷ luận thuận tới hiệu quả điều trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên