Tọa đàm trực tuyến “Thực phẩm biến đổi gen - những điều bạn nên biết”

VOV.VN - Chương trình có sự tham gia của GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng và GS.TS Lê Huy Hàm.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chính thức cho phép sử dụng bốn giống bắp biến đổi gen (BĐG) làm thức ăn cho người và cho động vật tại Việt Nam.

Hiện nay thực phẩm biến đổi gen ngày càng trở nên phổ biến. Nhưng nhiều người còn e dè, nghi hoặc về các loại thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen.

Liệu thực phẩm biến đổi gen có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không đang là vấn đề đang được dư luận và quan tâm.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Điện tử VOV.VN tổ chức cuộc tòa đàm trực tuyến với chủ đề “Thực phẩm biến đổi gen - những điều bạn nên biết”. Khách mời tham gia cuộc tọa đàm này gồm: GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam.


Từ trái qua: GS Nguyễn Lân Dũng, GS Lê Huy Hàm và BTV Vũ Hạnh

PV: Thưa GS Nguyễn Lân Dũng, ông có thể giải thích một cách ngắn gọn nhất về sinh vật biến đổi gen và thực phẩm chuyển gen là gì và tại sao cần sản xuất thực phẩm chuyển gen?

GS Nguyễn Lân Dũng: Biến đổi gen đã có từ trước đến nay nhưng phải mất hàng nghìn năm trong thiên nhiên mới có thể xảy ra. Qua công nghệ sinh học, chúng ta có thể thực hiện việc biến đổi gen trong thời gian ngắn. Cây trồng hay thực phẩm được biến đổi gen bằng công nghệ sinh học hiện đại một cách có ích và hợp lý.

Có nhiều lý do để thực hiện việc biến đổi gen. Những nước có dân đông sẽ cần các thực phẩm biến đổi gen để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế qua tác động của công nghệ sinh học. Cây trồng biến đổi gen, giảm thuốc trừ sâu, sẽ làm tăng đa dạng sinh học và bảo đảm môi trường. Qua biến đổi gen có thể phát sinh những chuyện bất ngờ mà thiên nhiên không thể tạo ra như những giống lúa vàng…

PV: Ông có đánh giá như thế nào về công tác nghiên cứu và đưa thực phẩm biến đổi gen vào sản xuất ở Việt Nam? 


GS Nguyễn Lân Dũng

GS Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta bước vào lĩnh vực này hơi chậm và tôi cảm thấy khá đáng tiếc. Cùng một loại thuốc trừ sâu nhưng các giống lúa khác nhau lại có cách chống chọi khác nhau. Có một giống lúa mới được biến đổi gen ở ĐBSCL mang đặc tính rất tốt như giàu kẽm, giàu sắt, có chất chống oxy hóa, dễ trồng, kháng thuốc trừ sâu… Nếu chúng ta phổ biến được những giống lúa này thì sẽ tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế. Chúng ta nên chọn lọc gen một cách chủ động để lai tạo ra những thực phẩm và cây trồng tốt.

PV: Thưa GS. TS. Lê Huy Hàm, ở Việt Nam, các loại cây trồng biến đổi gen đã được nghiên cứu, đưa vào sản xuất như thế nào?

GS. Lê Huy Hàm: Công nghệ biến đổi gen phải khẳng định là một loại công nghệ cao cần quá trình nghiên cứu trong nhiều năm. Từ những năm 2005 trở về trước, quá trình nghiên cứu trên thế giới đã dự tính chi đến hàng triệu USD cho quá trình này. Giai đoạn sau, trung bình khoảng 136 triệu USD cho một giống biến đổi gen với công nghệ phức tạp.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có 11 nước đã tạo ra cây trồng biến đổi gen, Việt Nam còn cách xa quy trình này, bởi quá trình nghiên cứu hầu như mới chỉ dừng trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, những năm gần đây, Việt Nam cũng đã ở hành lang pháp lý, du nhập công nghệ thực phẩm biến đổi gen từ nước ngoài vào Việt Nam.

Trong hơn 10 năm qua, việc xây dựng quy chế chính sách đã được Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công Thương… xây dựng cơ sở văn bản cho 7 giống ngô biến đổi gen, trong thời gian tới, bắt đầu đưa vào sản xuất.


GS. Lê Huy Hàm

So với Philippines, quốc gia này bắt đầu phát triển cây trồng biến đổi gen từ những năm 2002, trước chúng ta 13 năm. Philippines gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức phi chính phủ nhưng quyết tâm chính trị cao nên đến nay Philippines đã được hưởng lợi từ chương trình này.

Tại Việt Nam, Thủ tướng, các Bộ trưởng có quyết tâm nhưng chúng ta có xuất phát thấp, hệ thống văn bản chưa hoàn chỉnh, trong quá trình tạo ra quy chế cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Cho đến nay, hệ thống văn bản liên quan đã tương đối hoàn chỉnh (gồm 14 văn bản, trong đó có 3 luật và 11 văn bản dưới luật). Nhờ nỗ lực của nhiều bộ ngành ta đã hoàn chỉnh cơ chế.

PV: Thực phẩm biến đổi gen đương nhiên phải ứng dụng vì quy mô dân số ngày càng cao. Nhưng, khi phát triển thực phẩm biến đổi gen - một loại thực phẩm mới, người dân tỏ ra rất lo ngại?

GS Nguyễn Lân Dũng: Có rất nhiều lo ngại về thực phẩm biến đổi gen. Có 27 nước trên thế giới (trong đó có 19 nước đang phát triển và 8 nước phát triển) dùng các thực phẩm biến đổi gen trong sản xuất và đời sống. Tổng số người dân từ 27 nước này là 4 tỷ dân, rất nhiều người dân nghèo của các nước này được hưởng lợi từ thực phẩm biến đổi gen. Các nước Đông Âu ít dân thì không quan tâm việc tăng năng suất, còn các nước Bắc Âu thì cấm nhập thực phẩm biến đổi gen để duy trì giá trị thực phẩm của họ.

Tôi nghĩ, các nước không dùng thực phẩm biến đổi gen vì họ không hiểu. Họ thích sản phẩm thiên nhiên và cảm thấy yên tâm hơn. Thực phẩm biến đổi gen không có chất độc và cũng chưa gây độc hại nào với người. Trình độ khoa học của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác như Mỹ, Anh… nhưng các thực phẩm biến đổi gen đều được kiểm nghiệm và được cho phép sử dụng.

Vấn đề dị ứng thực phẩm biến đổi gen là có, vì tùy vào cơ địa của một số người, nhưng số lượng đó rất ít. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách khắc phục và cần phải nghiên cứu thêm. Nhiều người lo thực phẩm biến đổi gen sẽ làm nhờn thuốc kháng sinh nhưng đây là chuyện hoàn toàn không có.

Tôi nhắc lại, trong nhân dân, có nhiều người thiếu hiểu biết về loại thực phẩm này, và nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thích cho họ hiểu biết.

PV: Điều gì đã khiến một số chính trị gia, các nhóm lợi ích cộng đồng và người tiêu dùng, đặc biệt ở châu Âu, tỏ ra lo ngại về thực phẩm biến đổi gen?

GS. Lê Huy Hàm: Châu Âu là châu lục tương đối đặc biệt, đất rộng người thưa, dân số giảm, sản xuất phải đối phó với sản xuất thừa hơn là sản xuất thiếu, họ không quan tâm đến thực phẩm biến đổi gen, họ cần đến sự an toàn, không muốn có nhiều thay đổi.

Châu Âu phản đối việc can thiệp của con người vào thiên nhiên, đặc biệt là giống cây trồng. Lợi ích nhóm cũng tạo nên sự thay đổi, nhóm có lợi ích thúc đẩy cây trồng biến đổi gen nhưng nhóm không lợi ích kìm hãm quá trình phát triển.

Thời gian qua, châu Âu và Bắc Mỹ kinh doanh nông sản phát đạt nhờ “nói xấu” thực phẩm biến đổi gen. Trong bối cảnh đó, các chính trị gia phải tính toán và tác động nhiều trong quá trình vận động tranh cử đã dẫn đến tranh cãi về TPBĐ gen ngày càng nóng tại châu Âu.

PV: Điều gì xảy ra khi các loại thực phẩm biến đổi gen được trao đổi, mua bán rất bình thường?

GS. Lê Huy Hàm: Thực tế các nước ở châu Mỹ, dân số khoảng 700 triệu người, sử dụng cây trồng biến đổi gen từ năm 1996 và chưa có ghi nhận nào gây hại từ cây trồng biến đổi gen. Ngày không xa việc mua bán cây trồng biến đổi gen sẽ diễn ra hết sức bình thường.

PV: Người dân có lo lắng về việc ăn thực phẩm biến đổi gen cũng làm… người bị biến đổi gen? Liệu có chuyện này không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Đây cũng là nỗi lo bình thường bởi chúng ta có nhiều trường hợp bị biến đổi gen sau khi bị nhiễm chất độc da cam. Tuy nhiên, đây là 2 việc hoàn toàn khác nhau.

Có 2 vi sinh vật bị biến đổi gen là vaccine viêm gan B và viêm não, nhưng mọi người lại không thắc mắc và không quan tâm. Cây trồng tự nó biến đổi gen chứ không làm ảnh hưởng và biến đổi theo người. Chúng ta nên thay đổi thuật ngữ cây trồng biến đổi gen bằng cây trồng công nghệ sinh học. Tôi cho đây là thuật ngữ đúng hơn vì nó là tiến bộ, thành tựu lớn của công nghệ sinh học và tránh hiểu nhầm cho người dân.

Hiện nay, trên thế giới có 175,2 triệu ha – một con số rất lớn cây trồng biến đổi gen. Phần lớn bông của Trung Quốc bây giờ đều là sản phẩm biến đổi gen. Khi dân thấy lợi ích, họ sẽ theo ngay. Gần đây, Trung Quốc cũng đã có thành tựu về lúa biến đổi gen. Rồi cây trồng công nghệ sinh học sẽ phát triển và thế giới không ai e dè việc này. Việt Nam không nên rụt rè trong ứng dụng thực phẩm biến đổi gen.

PV: Vậy còn GS. Lê Huy Hàm, quan điểm của ông thế nào?

GS. Lê Huy Hàm:  Đây là một câu hỏi hoàn toàn chính xác. Nếu chúng ta có đưa vào một công nghệ không được người dân ủng hộ thì chắc chắn sẽ bị phản đối và công nghệ đó không thể tồn tại được.

Trên thực tế, sau khi đài, báo đưa tin về việc Việt Nam bắt đầu tiếp cận cây trồng biến đổi gen, rất nhiều các lãnh đạo địa phương, các nhà sản xuất đề nghị được cung cấp ngay nguồn giống để ứng dụng ngay tại địa phương. Do vậy về phía người nông dân tín hiệu đón nhận công nghệ biến đổi gen tương đối tốt.

Tuy nhiên về phía người tiêu dùng, vẫn có sự e ngại, đặc biệt là từ phía các hội người tiêu dùng. Nguyên nhân của sự e ngại này chủ yếu do sự tuyên truyền của các tổ chức, những nhóm chống cây trồng biến đổi gen với những lý do khác nhau: Tôn giáo, lợi ích nhóm hoặc chưa hiểu biết.

Để khắc phục được tình trạng này, các nhà khoa học giới truyền thông và các nhà hoạch định chính sách cần phải cố gắng làm việc nhiều hơn, cần có chiến lược truyền thông tốt hơn, làm sao chúng ta đưa được thông tin thực sự khoa học và chính xác đến với người dân, những thông tin không chính xác giảm đi sẽ khiến người dân hiểu hơn và ủng hộ cho công nghệ thực phẩm biến đối gen.

Tôi cho rằng, đằng sau người dân luôn có những cơ quan khoa học, có những tổ chức quốc tế hùng mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân. Do vậy không có lý do gì để những sản phẩm thực phẩm biến đối gen nếu không an toàn lại có thể du nhập được vào Việt Nam.

Ngoài ra, còn có một loạt các Viện Hàn lâm ở Hoa Kỳ, Anh quốc, Canada, Australia…và các tổ chức khoa học các nước khác ngwòi ta xem xét rất kĩ các sản phẩm thực phẩm biển đổi gen với quy trình kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt.

Để tạo ra và đưa vào sản phẩm thực phẩm biến đổi gen, trước tiên người ta phải chọn sinh vật cho gen và sinh vật nhận gen không có tiền sử gây hại cho con người, môi trường và vật nuôi. Ngoài ra người ta chọn phương pháp truyền gen như thế nào để cho an toàn và bền vững và không có tác dụng phụ.

Sau khi tạo ra cây trồng biến đổi gen, người ta đánh giá trong phòng thí nghiệm và chỉ có những tổ chức được phép nghiên cứu cây trồng biến đổi gen mới được nghiên cứu. Kết quả đánh giá trong phòng thí nghiệm phải được hội đồng an toàn sinh học của cơ quan đó thông qua nếu khẳng định an toàn mới được khảo nghiệm ở bước đầu tiên trong nhà lưới, nhà kính.

Sau bước này sản phẩm lại được đánh giá một lần nữa và cho phép khảo nghiệm ở dạng hẹp. Tất cả các bước này đều được hội đồng sinh học xem xét, lên kế hoạch cho khảo nghiệm và cuối cùng là phân tích các thành phần hóa học của cây trồng biến đổi gen và cây trồng chưa biến đổi gen để so sánh với nhau. Nếu nó khác nhau nhiều thì phải nghiên cứu cho các loại động vật khác ăn để đánh giá trên thực thể sinh vật đã sử dụng thực phẩm đó sau đấy mới được sử dụng.

Ở Việt Nam, chúng ta áp dụng cơ chế an toàn hết sức đặc biệt, bởi ngoài việc cơ quan có cây trồng biến đổi gen phải cung cấp tất cả các hồ sơ như đã nói ở trên còn phải cung cấp giấy chứng nhận đã có 5 quốc gia phát triển đã cho dùng sản phẩm biến đổi gen này làm thực phẩm hay làm thức ăn chăn nuôi.

PV: Chị Bùi Minh Nguyệt (khu Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, trước đây, cà chua chỉ để được vài hôm là hỏng, nay có thể để cả tháng cũng vẫn cứng và đẹp mọng. Khi cho vào xào nấu, cà chua cũng lâu mềm chứ không như trước đây chỉ đảo qua là mềm. Kể cả ngô, ngày trước mua bắp ngô về luộc bóc ra thì thấy có cả sâu trong đó, nay thì bắp ngô hạt đều từ đầu tới cuối, không có sâu bệnh. Tôi cũng không biết đây có phải là dấu hiệu của thực phẩm biến đổi gen hay không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi thấy cà chua biến đổi gen chưa có ở Việt Nam và Trung Quốc. Việc để lâu không hỏng giống như phở chứa formol, nhiều người sử dụng chất bảo quản thực phẩm độc hại. Còn về ngô, chúng ta chủ yếu nhập khẩu ngô biến đổi gen về để cho chăn nuôi chứ không dùng cho sinh hoạt. Ngô đều hạt có thể là giống ngô lai.

Không nên cái gì lạ, để lâu không hỏng cũng quy cho thực phẩm biến đổi gen.

PV: Một độc giả hỏi: Tôi thấy các nước phát triển người ta nghiên cứu trên chuột, các con chuột ăn phải thực phẩm biến đổi gen bị ung thư và chết sớm nên tôi rất hoang mang. Có lúc đọc báo thì thấy bảo Việt Nam chưa hề xuất hiện thực phẩm biến đổi gen, có báo lại viết rằng Việt Nam xuất hiện nhiều thực phẩm biến đổi gen không rõ là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Xin GS Lê Huy Hàm giải thích cho những thắc mắc của độc giả này?

GS Lê Huy Hàm: Độc giả này đã rất quan tâm đến lĩnh vực này. Thực tế trong năm 2013 có sự kiện nhà khoa học Pháp phát tán thông tin chuột ăn ngô biến đổi gen bị ung thư. Ngay sau đó, các nhà khoa học quan tâm đã liên lạc với nhà khoa học này nhưng không được cung cấp. Sau đó, các nhà khoa học đã khẳng định bác kết quả của nhà khoa học Pháp, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ về thông tin của nhà khoa học Pháp.

Cộng đồng chung châu Âu kết luận bài báo không có căn cứ và rút bài báo. Thông tin dạng này có rất nhiều và làm cộng đồng lo ngại. Từ lẽ đó, cần thiết có sự hợp tác để có thông tin chuẩn xác về cây trồng biến đổi gen. 

Cây trồng biến đổi gen tạo ra không dễ và không rẻ, luật quốc tế hết sức nghiêm ngặt về việc này, việc di chuyển đều phải thông báo. Hiện nay ở VN mới chỉ có giống ngô.

PV: Trong các siêu thị có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu nhưng không có chỗ nào ghi nhãn mác về thực phẩm biến đổi gen. Chỉ biết rằng các sản phẩm từ đậu nành, ngô được nhập khẩu rất nhiều. Xin GS Nguyễn Lân Dũng cho biết đó có phải là thực phẩm biến đổi gen không và người tiêu dùng phải ứng xử thế nào với các sản phẩm này ạ?

GS Nguyễn Lân Dũng: Theo quy định quốc tế, thực phẩm biến đổi gen đều phải ghi trên nhãn mác. Còn hiện nay, siêu thị chưa có hàng hóa nhập khẩu biến đổi gen nên đương nhiên không ghi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cây trồng biến đổi gen: Đừng dán nhãn “ngáo ộp“
Cây trồng biến đổi gen: Đừng dán nhãn “ngáo ộp“

VOV.VN -“Đã có lần tôi nói rằng chúng ta đang coi GMO như ngáo ộp, mà đã là ngáo ộp lại dán mác lên thì ai dám dùng?”

Cây trồng biến đổi gen: Đừng dán nhãn “ngáo ộp“

Cây trồng biến đổi gen: Đừng dán nhãn “ngáo ộp“

VOV.VN -“Đã có lần tôi nói rằng chúng ta đang coi GMO như ngáo ộp, mà đã là ngáo ộp lại dán mác lên thì ai dám dùng?”

Định hướng thông tin về cây trồng biến đổi gen
Định hướng thông tin về cây trồng biến đổi gen

VOV.VN - Truyền thông đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen.

Định hướng thông tin về cây trồng biến đổi gen

Định hướng thông tin về cây trồng biến đổi gen

VOV.VN - Truyền thông đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen.

Việt Nam - Nhật Bản hợp tác nghiên cứu sắn biến đổi gen
Việt Nam - Nhật Bản hợp tác nghiên cứu sắn biến đổi gen

(VOV) - Các nhà khoa học cùng nghiên cứu để đưa một loại gen vào cây sắn nhằm tăng cường khả năng tổng hợp tinh bột.

Việt Nam - Nhật Bản hợp tác nghiên cứu sắn biến đổi gen

Việt Nam - Nhật Bản hợp tác nghiên cứu sắn biến đổi gen

(VOV) - Các nhà khoa học cùng nghiên cứu để đưa một loại gen vào cây sắn nhằm tăng cường khả năng tổng hợp tinh bột.

Nguy cơ virus Ebola biến đổi gen có thể lây nhiễm qua không khí
Nguy cơ virus Ebola biến đổi gen có thể lây nhiễm qua không khí

VOV.VN - Đây là cảnh báo của Liên Hợp Quốc. Đến nay, đã có hơn 3.338 người thiệt mạng vì nhiễm virus Ebola ở khu vực Tây Phi.

Nguy cơ virus Ebola biến đổi gen có thể lây nhiễm qua không khí

Nguy cơ virus Ebola biến đổi gen có thể lây nhiễm qua không khí

VOV.VN - Đây là cảnh báo của Liên Hợp Quốc. Đến nay, đã có hơn 3.338 người thiệt mạng vì nhiễm virus Ebola ở khu vực Tây Phi.