Trẻ hay bị viêm tai giữa, phải làm sao?
VOV.VN - Thống kê cho thấy 6-14% trẻ dưới 6 tuổi bị viêm tai giữa tái diễn. Bệnh gây nghe kém, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ
Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị tăng tiết, tai giữa chứa dịch. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, và thường xuyên bị đi bị lại. Thống kê cho thấy 6-14% trẻ dưới 6 tuổi bị viêm tai giữa tái diễn.
Viêm tai giữa tái diễn khiến trẻ ăn kém, ngủ kém, gầy sút cân, quấy khóc nhiều; làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ và bố mẹ. Viêm tai giữa tái diễn có thể gây nghe kém, ảnh hưởng tới quá trình học hỏi và tiếp thu ngôn ngữ, quá trình phát triển nhận thức và tư duy của trẻ, khiến trẻ chậm nói, giao tiếp kém, đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi.
Vậy viêm tai giữa tái diễn là gì, cách phòng tránh và điều trị ra sao?.
Viêm tai giữa tái diễn là gì?
Viêm tai giữa được gọi là viêm tai giữa tái diễn khi có tần suất từ 3 đợt khác nhau trong vòng 6 tháng, hoặc từ 4 đợt trở lên trong vòng 12 tháng.
Người ta cho rằng nguyên nhân gây viêm tai giữa tái diễn có thể do những tổn thương sớm của vòi nhĩ hoặc tai giữa, hay do các yếu tố về mặt giải phẫu, di truyền khiến trẻ dễ mắc viêm tai giữa hơn; hoặc kết hợp các yếu tố trên.
Phòng và điều trị viêm tai giữa tái diễn
Điều trị viêm tai giữa tái diễn không khó, tuy nhiên đòi hỏi phải kiên trì và tuân thủ điều trị, có trường hợp phải kéo dài hàng tháng và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và bác sỹ.
Các biện pháp dự phòng và điều trị viêm tai giữa tái diễn bao gồm:
- Xác định và loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây viêm tai giữa (ví dụ: phơi nhiễm với khói thuốc lá)
- Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều nhất có thể giúp trẻ có miễn dịch đầy đủ, với những trẻ dưới 12 tháng, khi cho bú nên để trẻ nằm nghiêng, tránh sặc lên mũi, có thể dẫn đến viêm tai giữa vì giai đoạn này đường thông giữa họng và tai giữa rộng và ngắn.
- Dùng kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ
- Can thiệp phẫu thật trong trường hợp cần thiết (nạo VA và/hoặc đặt ống thông khí)
Các biện pháp can thiệp này được thực hiện theo mô hình bậc thang, bắt đầu bằng việc xác định yếu tố thuận lợi, cảnh báo bố mẹ trẻ về giữ sức khỏe cho trẻ, không cho trẻ đến chố đông người…; sau đó tới biện pháp dùng kháng sinh dự phòng và/hoặc phẫu thuật.
Những biện pháp can thiệp gồm loại bỏ các yếu tố thuận lợi cho bệnh phát triển, thay đổi thói quen của bố mẹ trẻ (như không cho trẻ đi chơi khuya, đến chỗ đông người, phát hiện những thực phẩm trẻ bị dị ứng…) có thể được chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi trở lên do tỉ lệ viêm tai giữa giảm một cách đáng kể sau 2 tuổi.
Những biện pháp can thiệp kế tiếp: kháng sinh dự phòng, nạo VA và/hoặc đặt ống thông khí) được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi (việc nghe rõ rất quan trọng đối với quá trình học nghe-nói của trẻ), nhất là những trẻ bị viêm tai giữa sớm (dưới 6 tháng tuổi).
- Nhiều yếu tố nguy cơ, đặc biệt là khi các yếu tố này không thể thay đổi (ví dụ: mùa trong năm, lớp học có đông trẻ …)
- Trẻ có các bệnh lý gây thuận lợi cho viêm tai giữa tái diễn: VA quá phát, cơ địa dị ứng…
- Trẻ có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ.
MỘT SỐ HƯỚNG ĐIỀU TRỊ CỤ THỂ Điều trị kháng sinh dự phòng Khi viêm tai giữa có tần suất 3 lần hoặc hơn trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trong vòng 12 tháng; hoặc bệnh xuất hiện ở trẻ dưới 6 tháng tuổi có nhiều anh chị em; bác sĩ sẽ chỉ định dung kháng sinh dự phòng. Ưu điểm của biện pháp này là giúp dự phòng viêm tai giữa tái diễn, giảm số đợt viêm tai giữa từ 20-50% và không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nhược điểm là các tác dụng không mong muốn của kháng sinh và nguy cơ phát triển hệ vi khuẩn kháng thuốc tại chỗ. Nạo VA Bác sĩ sẽ chỉ định nạo V.A cho trẻ khi V.A quá phát gây viêm tai giữa tái diễn từ 3 lần trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trở lên trong vòng 12 tháng, không đáp ứng với điều trị nội khoa (lưu ý phải là phác đồ đúng). Cách này có ưu điểm là góp phần phục hồi chức năng vòi tai do giải phóng cản trở cơ học là V.A. Nhược điểm là các nguy cơ của phẫu thuật như dị ứng, thậm chí sốc phản vệ, tử vong do thuốc, chảy máu và nhiễm trùng. Đặt ống thông khí Thường sau khi nạo V.A từ 6 – 12 tháng mà trẻ vẫn tồn tại bệnh viêm tai giữa với tần suất 3 lần trong 6 tháng hoặc từ 4 lần trở lên trong vòng12 tháng; hoặc vẫn xuất hiện viêm tai giữa cấp trong thời gian dùng kháng sinh dự phòng; hoặc phải ngừng dùng kháng sinh dự phòng do có các tác dụng phụ hay trẻ bị dị ứng với nhiều loại kháng sinh; lúc này bác sĩ sẽ cho đặt ống thông khí. Ống thông khí sẽ giúp bệnh nhi cân bằng áp lực tai giữa với môi trường, cải thiện sức nghe của trẻ, giảm số lần viêm tai giữa. Tuy nhiên, việc đặt ống thông khí cũng khiến cho trẻ phải đối mặt với các nguy cơ của phẫu thuật như: Dị ứng, phản vệ thuốc gây tê/gây mê, nguy cơ rách màng nhĩ, dị vật tai giữa do ống, tổn thương thành trong hòm nhĩ, chảy máu hoặc nhiễm trùng… Trẻ cũng có thể bị các biến chứng như: vôi hóa màng nhĩ, bất sản màng nhĩ cục bộ và cholesteatoma. Do vậy, các bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi chỉ định đặt ống thông khí cho trẻ bị viêm tai giữa tái diễn./. |