Trí tuệ nhân tạo: “Bác sĩ ảo” mang hy vọng cho bệnh nhân ung thư

VOV.VN -Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế đã mang lại hiệu quả trong khám chữa bệnh, điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân ung thư.

Sau 2 năm có mặt tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo (AI) đã chứng minh hiệu quả trong chữa bệnh, được các hội đồng chuyên môn đánh giá cao.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh.

Bệnh viện K ứng dụng trí tuệ thông minh trong điều trị ung thư. (Ảnh: KT)

Tháng 2/2018, anh Trần Thành Hiến (ở Vĩnh Phúc) đi kiểm tra sức khỏe, phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn đầu. Tháng 3/2108, anh Hiến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Anh là một trong những bệnh nhân bị ung thư được điều trị với sự hỗ trợ của hệ thống phần mền IBM Watson for Oncology (IBM WFO) cho tín hiệu khả quan.

“Tôi điều trị theo phác đồ IBM Watson for Oncology trong vòng 5 tháng. Thời gian đầu, tôi phải điều trị hóa, xạ trị rất mệt, tôi bị giảm 5kg. Tuy nhiên, sau 4 tháng, cùng với việc điều trị và cố gắng tập luyện, ăn uống, tôi đã tăng 10kg. Trước đây, tôi đi bộ thường hay bị khó thở. Bây giờ, sức khỏe của tôi đã tốt hơn nhiều. Sáng dậy, tôi đi tập thể dục và hiện đã đi làm bình thường. Mỗi tháng, tôi lên bệnh viện kiểm tra định kỳ 1 lần”- anh Hiến nói.

Tại hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế Việt Nam, diễn ra ngày 26/4, tại Hà Nội, đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) chia sẻ, IBM Watson for Oncology (WFO) là hệ trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên biệt, nhằm cung cấp các giải pháp cho bệnh ung thư. Hệ thống hỗ trợ bác sĩ bằng cách đưa ra các phác đồ điều trị ung thư tối ưu, đã điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân tại Trung tâm MSKCC (Memorial Sloan Kettering Cancer Center) của Mỹ. Hiện nay, có 3 bệnh viện tại Việt Nam thử nghiệm IBM WFO, là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện đã có hơn 500 bệnh nhân mắc các loại ung thư như vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, cổ tử cung ở Việt Nam được tiếp cận với “bác sĩ” ảo này.

“Phần mềm IBM Watson for Oncology dựa trên 1 nền tảng dữ liệu lớn của Hoa Kỳ, với hàng triệu hồ sơ bệnh án, hướng dẫn chẩn đoán hỗ trợ điều trị ung thư phù hợp, lựa chọn phác đồ điều trị ung thư hiệu quả, tiên tiến nhất. Nhiều người bệnh có chuyển biến tích cực, chuyển từ trạng thái nằm liệt giường sang sinh hoạt bình thường sau khi được tiếp cận với trí tuệ nhân tạo IBM WFO.”- ông Tường cho biết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc áp dụng công nghệ IBM WFO tại các bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: chi phí cao, chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Theo bác sĩ Đào Văn Tú, Bệnh viện K, hiện nay tại Bệnh viện K Trung ương có 200 thử nghiệm với các bệnh nhân ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng. Sau 3 tháng thử nghiệm, kết quả cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống IBM WFO đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện là trên 90%.

BS Tú cũng cho rằng, để sử dụng hệ thống IBM WFO, trình độ của bác sĩ chuyên khoa ung thư rất quan trọng, đòi hỏi bác sĩ phải giỏi tiếng Anh để áp dụng đúng, tránh  nhập sai dữ liệu. Bởi phầm mềm IBM WFO hiện nay chưa có phiên bản tiếng Việt và chưa có sự đánh giá dựa trên thực tiễn ở Việt Nam như đặc thù về cơ sở vật chất, danh mục thuốc hay sự quá tải bệnh viện.

Tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ bệnh viện và phác đồ hệ thống IBM WFO.

"Hệ thống chỉ mang tính chất hỗ trợ, không thay thế được bác sĩ khi đưa ra quyết định điều trị. Thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng cùng xây dựng, hoàn thiện phần mềm để ứng dụng thực tiễn, giúp người bệnh hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”- bác sĩ Đào Văn Tú cho biết.

 PGS.TS. Trần Quý Tường cho biết thêm, Bộ Y tế quyết tâm tiếp cận và đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào ứng dụng, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, theo PGS Tường, trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện trước khi đi vào thực tế.

“Trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể trì hoãn. Vì vậy, các đơn vị cần phối hợi chặt chẽ trong công tác hợp tác triển khai, phù hợp với môi trường xã hội Việt Nam đồng thời theo kịp xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên thế giới”- PGS.TS Trần Quý Tường cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dùng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán sớm bệnh tim, ung thư
Dùng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán sớm bệnh tim, ung thư

VOV.VN - Theo ông Trần Đặng Minh Trí, Việt kiều tại Australia, dùng công nghệ AI chẩn đoán sớm các bệnh ung thư hoặc tim sẽ tăng cơ hội điều trị cho bệnh nhân.

Dùng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán sớm bệnh tim, ung thư

Dùng trí tuệ nhân tạo chẩn đoán sớm bệnh tim, ung thư

VOV.VN - Theo ông Trần Đặng Minh Trí, Việt kiều tại Australia, dùng công nghệ AI chẩn đoán sớm các bệnh ung thư hoặc tim sẽ tăng cơ hội điều trị cho bệnh nhân.

Trí tuệ nhân tạo đạt thành tựu bất ngờ trong tạo dựng hình ảnh
Trí tuệ nhân tạo đạt thành tựu bất ngờ trong tạo dựng hình ảnh

VOV.VN - Tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở mức đáng kinh ngạc. Chỉ trong lĩnh vực tạo dựng hình ảnh, AI đã có những thành tựu bất ngờ.

Trí tuệ nhân tạo đạt thành tựu bất ngờ trong tạo dựng hình ảnh

Trí tuệ nhân tạo đạt thành tựu bất ngờ trong tạo dựng hình ảnh

VOV.VN - Tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) ở mức đáng kinh ngạc. Chỉ trong lĩnh vực tạo dựng hình ảnh, AI đã có những thành tựu bất ngờ.