Việt Nam hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới
(VOV) - Tuần lễ này diễn ra từ ngày 11 đến 16/3 với thông điệp gửi tới cộng đồng: bệnh glôcôm phải được theo dõi và điều trị suốt cuộc đời.
Quang cảnh buổi lễ mít tinh hưởng tứng Tuần lễ glôcôm thế giới |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư Cung Hồng Sơn, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương nêu rõ: Glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù loà có thể phòng tránh được ở hầu hết các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện 60 triệu người trên thế giới mắc bệnh glôcôm (2010), trong đó có khoảng 8,4 triệu người mù 2 mắt do glôcôm. Theo các nghiên cứu mang tính dự báo số lượng bệnh nhân glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới, ước tính sẽ có khoảng 80 triệu người mắc bệnh glôcôm vào năm 2020.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra RAAB của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2007 trên 16 tỉnh, thành, tỷ lệ mù loà ở người trên 50 tuổi chiếm 3,1%, trong đó khoảng 25.000 người mù do bệnh glôcôm, chiếm tỷ lệ 6,5%.
Theo một báo cáo mới nhất của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2011 tại 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình: Tỷ lệ glôcôm trong một số cộng đồng dân cư nghiên cứu chiếm tới 2,2% (Nam Định) và 2,4% (Thái Bình). Hầu hết người dân tham gia khám sàng lọc (94%) còn lơ mơ hoặc không nghe biết gì về bệnh glôcôm.
Một vấn đề đáng báo động về việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không có chỉ định của thầy thuốc khiến cho mắt có thể bị Glôcôm do tra corticoid kéo dài. Trên thị trường có bán các loại thuốc nhỏ mắt có chứa steroids để điều trị chứng ngứa, khô mắt, viêm kết mạc điều này có thể dẫn đến mắt bị glôcôm nếu dùng trong thời gian dài. Theo thống kê BV Mắt TW năm 2009, bệnh nhân bị glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31,7% đến 33,1%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59) chiếm 63,1%.
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam khuyến cáo: “Khi thấy mắt mờ hoặc đau mắt thì nên đi khám, phát hiện sớm thì điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Bệnh glôcôm có thể gặp ở bất kỳ ai từ người già đến trẻ nhỏ. Những người trong gia đình có người đã bị glocom có thể bị di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình, họ hàng có người mắc bệnh này thì phải cảnh giác vì mình cũng có thể mắc bệnh”.
Theo các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương, nhiều bệnh nhân mắc bệnh glôcôm khi nhập viện trong tình trạng muộn, thị lực rất thấp, nguy cơ mù loà cao. Cũng có nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc và phác đồ điều trị nên nguy cơ tái phát rất cao./.