Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết ở Việt Nam
VOV.VN - Hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết giúp hệ thống Y tế của Việt Nam đẩy lùi các tác động của SXH gây ra hiện nay và trong tương lai.
Ở nước ta, sốt xuất huyết là một dịch bệnh truyền nhiễm theo chu kỳ có liên quan đến các yếu tố xã hội như: đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... Năm 2017, Việt Nam bùng phát dịch sốt xuất huyết với hơn 170.000 trường hợp nhiễm bệnh ở hầu hết các tỉnh và thành phố. Điều này không những gây ra vấn đề to lớn đối với y tế công cộng về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ bệnh nhân tử vong, mà còn thiệt hại kinh tế và xã hội cho người bệnh và toàn xã hội.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. |
Hiện chưa có hệ thống cảnh báo sớm nào ở Việt Nam dự đoán khả năng các đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết. Dự án này sẽ được triển khai trong 3 năm với tên gọi: “Hệ thống dự báo Mô hình sốt xuất huyết dựa trên số liệu vệ tinh” (D-MOSS) sẽ cho phép Chính phủ, các cơ quan y tế công cộng và người dân có những hành động thích hợp để giảm thiểu tác động và thiệt hại của dịch sốt xuất huyết.
Theo ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, sự kết hợp giữa dự báo nguồn nước và dịch sốt xuất huyết được kích hoạt bởi công nghệ vệ tinh là một sáng tạo đổi mới tuyệt vời. Việc tạo ra các hệ thống cảnh báo sớm, cũng như các công cụ phân tích có thể giúp hệ thống Y tế của Việt Nam đẩy lùi các tác động của sốt xuất huyết gây ra hiện nay và trong tương lai.
Bà H' Yim Kdoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm sốt xuất huyết sẽ giúp ngành y tế các địa phương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên địa bàn được tốt hơn.
Dự án sẽ kết thúc vào năm 2021./.
Đừng chủ quan với biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
TPHCM: Sốt xuất huyết gia tăng bất thường, 1 người tử vong