Cô gái Algeria tìm về quê Việt
Rời Việt Nam 45 năm nhưng chưa một lần trở lại, người đàn bà gốc xứ Thanh khát khao được về quê tìm lại người thân. Một ngày cuối năm 2009, người con gái út Yamina của bà đã tìm lại được họ hàng bên ngoại
Tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội từ ngày 21-23/11/2009, báo chí được tiếp xúc nữ đại biểu có khuôn mặt Tây với đôi mắt Việt lúc nào cũng trong veo như nước. Chị là Yamina Mihoubi từ Algeria, mang hai dòng máu Algeria và Việt Nam. Yamina bày tỏ nguyện vọng bằng mọi giá trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên này phải tìm bằng được về cội nguồn nơi mẹ cô đã sinh ra, cũng là nơi khởi nguồn tình yêu của cha, một người lính hàng binh Âu-Phi với cô thôn nữ vùng quê nghèo Thanh Hóa.
Các phóng viên Việt Nam đã lần mối giúp Yamina. Mảnh đất nơi bà Năm sinh ra xưa kia nay đã đổi thay nhiều cả về địa danh thôn xã nên việc tìm người thân của bà Năm rất khó khăn. Cuối cùng, do câu chuyện tình giữa bà Năm và ông Ahmed khá nổi tiếng ở địa phương nên mọi người đã tìm được họ hàng bên ngoại cho cô Yamina.
Chuyện tình anh lính hàng binh Âu – Phi
Ông Mihoubi Ahmed (SN 1929, quốc tịch Algeria) là lính lê dương bị thực dân Pháp đưa sang tham chiến tại Việt Nam, thời kỳ trước năm 1954. Trong một cuộc binh biến, Mihoubi cùng nhóm lính Âu-Phi chạy sang phía Việt Minh đầu hàng, được bố trí làm lính công binh thuộc bộ đội Việt Minh.
Năm 1955, ông Mihoubi Ahmed cùng đơn vị về Thanh Hóa tham gia xây dựng cầu Tào ở thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa ngày nay. Tại đây, ông đã gặp và yêu cô thôn nữ Nguyễn Thị Năm ở thôn Phượng Đình 2, xã Hoằng Anh (nay là thị trấn Tào Xuyên).
Những người thân của bà Năm cho biết, tình yêu của ông Ahmed và bà Năm được họ hàng ủng hộ bởi anh lính Algeria Mihoubi Ahmed là người tốt. Năm 1958, đám cưới của hai người được tổ chức ngay trong khu lều của đơn vị lính công binh Âu – Phi, dưới gầm cầu Tào. Sau lễ cưới, bà Năm cùng chồng bồng bế con nhỏ di chuyển từ công trình này đến công trình khác từ Thanh Hóa ra Ninh Bình, vào Nghệ An.
Năm 1964, khi bà Năm có 4 người con (2 trai, 2 gái), cả gia đình bà chuyển ra Sơn Tây (Hà Nội) rồi xuống Hải Phòng cùng chồng về Algeria theo đường thủy.
Ông Nguyễn Danh Ngọ (72 tuổi) – em trai của bà Năm, hiện đang sinh sống tại tiểu khu Phượng Đình 2, cho biết: “Những ngày chuẩn bị rời Việt Nam, chị ấy chuyển dạ sinh con gái thứ 4. Sau khi sinh cháu được 12 ngày thì chị Năm cùng chồng con lên tàu về Algeria. Từ đó người thân ở quê và chị Năm chưa một lần gặp lại”.
Cha hay hát: Hò dô ta… nào
Gia đình cho biết, cùng chồng con về định cư ở Algeria, bà Năm được gia đình chồng thương yêu lắm. Bà sinh thêm 2 người con gái và luôn nhớ về quê hương ở Việt Nam. Chồng, các con của bà Năm không biết chữ Việt, chỉ nói được vài từ đơn giản trò chuyện cùng bà.
Yamina kể rằng, cha rất yêu Việt Nam và thường kể cho các con nghe về ký ức tuổi trẻ sôi động của ông ở miền Bắc Việt Nam. Những lúc vui và cả những khi rượu vào, cha hay hát to “Hò dô ta… nào” và những bài hát khác của bộ đội Việt Nam có giai điệu rất hay mà cô không hiểu hết lời.
Năm 1984, ông Mihoubi Ahmed mất khi con gái út Yamina của ông bà mới 13 tuổi. Năm 1990, tình cờ gặp một sinh viên ngành dầu khí quê Thanh Hóa học tại Algeria, bà Năm gửi được thư về Việt Nam. Có lần bà gửi vài viên thuốc cho người anh ở Thanh Hóa bị bệnh cột sống và lần khác gửi ít tiền về giúp đỡ gia đình.
Ông Nguyễn Hồng Diêu-cháu của bà Năm nói: “Năm 2000, chúng tôi có nhận một lá thư viết bằng tiếng Pháp của gia đình bà Năm gửi về. Tìm mãi mới có người dịch thư. Thư nói bà Năm bên đó bị ốm nặng, không thể cầm bút viết bằng tiếng Việt được và mong gia đình bên Việt Nam viết thư hồi đáp cho bà bằng tiếng Pháp. Khi đó, chúng tôi không tìm được người viết thư hồi đáp, và mất liên lạc với gia đình bà Năm cho đến tận bây giờ”.
Nước mắt ngày gặp mặt
Tại Việt Nam bà Năm có 8 anh chị em nhưng hiện nay chỉ còn sống một người chị và một người em trai, trong khi ở Algeria, bà đã có 17 cháu nội, ngoại và 1 chắt. Ngày Yamina về quê mẹ, cả gia đình, họ hàng nhà bà Năm ra tận đầu nam cầu Tào đón cô.
“Cảm xúc hồi hộp, phân vân, lo lắng vì chưa biết có phải là người thân của mình không”, ông Ngọ kể lại. Cả gia đình, họ hàng tập trung đông đủ, khi Yamina bước vào nhà, cô ôm lấy bà Nguyễn Thị Hất (84 tuổi) là chị gái của bà Năm rồi khóc. Yamina nói bằng tiếng Việt: “Bác giống mẹ con quá”, cả gia đình người khóc, người reo lên: “Đúng là con gái bác Năm rồi”.
Yamina có khuôn mặt rất Tây nên khó có thể nhìn bề ngoài để xác định là con gái bà Năm. Sau cuộc gặp gỡ ấy cô gái út bà Năm đưa cho gia đình xem những tấm ảnh của bà Năm, những bức thư của gia đình viết cho bà Năm. Cô kết nối điện thoại để các anh, chị, mẹ bên Algeria nói chuyện với các chú, các bác ở quê nhà Thanh Hóa.
Đêm đầu tiên tại quê ngoại, Yamina ngủ cùng bác Hất. Yamina ngủ thiếp đi lúc nào không biết trong niềm hạnh phúc khi đã tìm về quê nhà. Đã 38 tuổi, nhưng Yamina vẫn chưa xây dựng gia đình. Hiện cô đang làm cho một công ty thiết bị y tế của Mỹ tại Algeria. “Tôi không nghĩ rằng sẽ may mắn tìm được họ hàng của mình ở Việt Nam nhanh như thế. Nếu chuyến đi này chưa thực hiện được, tôi sẽ còn trở lại Việt Nam nhiều lần nữa để tìm về quê mẹ”-Cô Yamina tâm sự.
Không sinh ra tại Việt Nam, chưa một lần đến Việt Nam nhưng khi Yamnia gặp người thân cô thấy gắn bó lạ lùng. Cô cùng làm nội trợ, thăm nhà thờ và nghĩa trang tổ tiên, thắp hương cho ông bà ngoại. Những ngày ở quê ngoại, Yamina vui lắm. Cô đi thăm danh lam thắng cảnh Thanh Hóa, ra bãi biển Sầm Sơn mà trước đây mới chỉ được biết qua lời kể của mẹ. Sản vật gì ở quê mẹ Yamina cũng thích. Cô nói: “Mẹ thích ăn trái cây Việt Nam lắm nhưng không mang đi được. Tôi đã mua nước mắm và một số đồ khô mang sang Algeria để gia đình thưởng thức, ăn mừng ngày đoàn tụ sau 45 năm xa cách”.
Ngày 3/12/2009, Yamina tạm biệt gia đình để về Algeria. Gửi lại những dòng địa chỉ và món quà biểu tượng của đất nước Algeria, Yamina không quên nhờ chụp chung hình với các phóng viên Việt Nam như một lời tri ân người góp phần mang lại cho cô cuộc hạnh ngộ đầy ý nghĩa này./.