Hoa hậu Việt thành đặc vụ FBI

Chị là Hoa hậu Sài Gòn năm 1970, sau đó trở thành đặc vụ của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).

Hơn 20 năm lăn lộn với công việc truy lùng những tên tội phạm nguy hiểm, giờ đây người đẹp đặc vụ đang sống những tháng ngày bình yên tại khu phố cổ Sukhumvit, thủ đô Bangkok, Thái Lan trong vai trò bà chủ nhà hàng Xuân Mai, một địa chỉ ẩm thực thuần việt.

Bóng hồng Việt trong toà nhà “thép”

Với những người thân quen, Meyung Robson còn được gọi bằng cái tên Việt Nam rất thân mật: Mỹ Dung. Kể về khoảnh khắc đăng quang Hoa hậu cách đây gần 40 năm, chị như quay trở về những ngày tháng của tuổi trẻ: “Khi đó, tôi đang là sinh viên năm thứ nhất của ngành luật. Một buổi sáng đẹp trời, cô giáo chủ nhiệm đến lớp và nói rằng, sẽ có một cuộc thi sắc đẹp ở Sài Gòn và khuyên tôi tham gia. Tôi đã quyết định thử sức”. Giữa một rừng nhan sắc Sài Thành thời đó, với trí tuệ, bản lĩnh của cô sinh viên trường luật, chị đã giành ngôi vị cao nhất. Chiếc vương miện giờ vẫn được chị cất giữ cẩn thận.

Con đường từ một người đẹp nhất Sài Thành trở thành một đặc vụ FBI bắt đầu vào một ngày đầu năm 1975 khi gia đình Mỹ Dung di cư sang Mỹ. Mỹ Dung theo học ngành luật ở Đại học New York, tình cờ quen biết một nhân viên FBI, sau đó xin tình nguyện dịch tài liệu cho tổ chức này. Công việc có sức cuốn hút mãnh liệt nên chị quyết định gửi hồ sơ xin gia nhập FBI. “Cứ mỗi sáng thứ hai hàng tuần, tôi đều gọi điện đến Washington chỉ để hỏi: Hồ sơ của tôi đã được duyệt chưa. Thậm chí, tôi còn viết thư cho Giám đốc FBI thời đó là ngài William Sessions với đề nghị: “Hãy nhận tôi hoặc là không”. Tôi đã rất mệt mỏi khi phải chờ đợi suốt 3 năm rưỡi mới được họ chấp nhận hồ sơ vào ngày 29/4/1978”.

Ban đầu, Mỹ Dung chỉ ứng cử vào vị trí phiên dịch viên cho FBI với mong muốn giúp đỡ những người Việt không rành ngôn ngữ tại Mỹ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với luật pháp nước này. Tuy nhiên, FBI đã “chấm” chị với tư cách là một đặc vụ chuyên nghiệp.

Đối mặt với tử thần

Mỹ Dung nhớ lại, sau khi gia nhập FBI, chị phải trải qua khoá đào tạo 16 tuần khắc nghiệt ở học viện đào tạo FBI tại vịnh Quantico, phía Bắc Virginia. Học viện được tuyển chọn phải trải qua một khoá huấn luyện gồm 4 chương trình chính: pháp luật, các phương pháp theo dõi và thẩm vấn, bắn súng và luyện tập thể lực.

Một trong những bài test khắc nghiệt nhất với Mỹ Dung là vượt qua 8.000 vòng lửa. Đối với một phụ nữ, đó thực sự là một thử thách cam go bởi vừa phải kề súng bên người vừa phải vượt qua vòng lửa mà không để mình bị thương. Với phần đào tạo bắn súng, chị phải tham gia học bắn trong phòng, trên không, trong bóng tối, trong sương mù, trên băng tuyết... ở mọi điều kiện và tư thế khó hình dung nổi. Trong suốt khóa học, mỗi học viên như chị phải tiêu tốn từ 3.000 đến 5.000 băng đạn các loại.

Sau thời gian đào tạo, Mỹ Dung bước vào nghề bằng những cuộc truy lùng tội phạm triền miên, đầy rẫy nguy hiểm. Không biết đã bao lần chị giáp mặt với những tên tội phạm nguy hiểm, những lần đọ súng khốc liệt trên phố, hay truy bắt và áp giải những tên tội phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài về nước. Mỹ Dung nói: “Làm đặc vụ của FBI phải thường xuyên đối mặt với cái chết. Đặc biệt, nếu ra nước ngoài truy lùng tội phạm thì những rủi ro còn cao hơn. Tôi may mắn và thành công một phần vì được đào tạo chuyên nghiệp, một phần nhờ cái vẻ yếu đuối bên ngoài của một phụ nữ châu Á đã khiến bọn tội phạm mất cảnh giác”.

Mỹ Dung cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của chị là truy lùng 2 kẻ tội phạm nguy hiểm trong danh sách truy nã quốc tế của FBI. Hai tên này gây án tại Mỹ và quay về Việt Nam lẩn trốn. Vào thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, giữa Mỹ và Việt Nam chưa ký hiệp định hợp tác, tương trợ tư pháp nên việc truy bắt rất khó khăn. Cả hai tên tội phạm đã bị sa lưới vào năm 1995 và chị là một trong những người đầu tiên làm cầu nối cho việc hợp tác giữa FBI và cảnh sát Việt Nam.

Góc khuất buồn

20 năm lăn lộn với nghề đặc vụ, Mỹ Dung được ghi nhận là một trong những phụ nữ xuất sắc của FBI. Nhưng phía sau thành công của nghề nghiệp là trạng thái thần kinh luôn luôn căng thẳng và bị stress cao độ. Ngôi nhà xưa kia vốn là tổ ấm đã bị phủ bóng đen bởi những áp lực của công việc. Mỹ Dung chấm dứt cuộc hôn nhân sau hơn 10 năm chung sống, mệt mỏi với một vụ kiện tụng kéo dài. Sau đó, Mỹ Dung quyết định rời bỏ công việc mà mình gắn bó mấy chục năm để đi tìm sự thanh thản, yên tĩnh trong cuộc sống ở Bangkok, Thái Lan vào năm 1999. Chọn một vị trí khá đẹp và lãng mạn trên đường phố Sukhumvit, chị và con gái Xuân Mai mở một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam.

Bà chủ quán giờ đã bước sang tuổi 57, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà. Thi thoảng, có khách đến nhà hàng thưởng thức các món ăn và hỏi về gốc gác, Mỹ Dung thường mỉm cười với câu nói đầy ẩn ý: “Tôi mang hộ chiếu Mỹ nhưng là người có tâm hồn thuần Việt”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên