Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn:

Khơi dậy nguồn lực kiều bào

Việc tìm ra chính sách đãi ngộ trí thức kiều bào, dù chỉ bằng 70% ở nước ngoài, nhưng cộng với 30% là tình yêu quê hương, chắc chắn sẽ thúc đẩy sự đóng góp cho đất nước.

Những ngày cuối năm 2010, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn đã dành cho phóng viên VOV cuộc trò chuyện, chia sẻ về sự đóng góp của Việt kiều trong xây dựng đất nước.

** Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp nguồn lực từ kiều bào đối với nền kinh tế đất nước trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Có thể nói, nguồn lực từ kiều bào ở nước ngoài cũng đã được khẳng định qua những báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trên báo chí cũng như với công luận qua tổng kết hàng năm. Đặc biệt qua Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác kiều bào, chúng tôi đánh giá rất rõ: Nghị quyết đã bám sát được với thực tế. Đó là đánh giá được khả năng của kiều bào hướng về quê hương đất nước và đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

3 năm gần đây nhất, lấy mốc năm 2007, kiều hối từ hơn 7 tỷ lên 8 tỷ USD; năm 2008-2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nguồn kiều hối của bà con gửi về trong nước cũng giảm không đáng bao nhiêu so với 2007, vẫn giữ ở mức trên 7 tỷ USD; nhưng đến giữa tháng 12/2010, lượng kiều hối của bà con đã xấp xỉ 8 tỷ USD, tức là trở lại mức như trước khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra. Điều đó chứng tỏ khả năng đóng góp của bà con rất ổn định.

Chưa kể những đóng góp của bà con trong việc đầu tư xây dựng trong nước, những công trình du lịch, các khu đô thị mới, các dự án kinh doanh bất động sản, nên lượng kiều hối bà con gửi về nước hàng năm không dừng lại ở con số 7-8 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước. Chúng tôi đánh giá nguồn lực của bà con là nội lực của chúng ta, chứ không phải ngoại lực bên ngoài.

** Trong số nguồn lực từ kiều bào đóng góp cho đất nước, nguồn lực trí thức đóng vai trò rất quan trọng, Thứ trưởng có nhận định như thế nào về nguồn lực này?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta có hơn 4.000 trí thức người Việt ở các nước, với rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học lớn, giáo sư, tiến sỹ đang làm việc ở những trung tâm nghiên cứu khoa học hang đầu của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật… Rất nhiều chuyên gia, trí thức được đào tạo trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, kinh tế đã về nước giảng dạy, trực tiếp cùng với các chuyên gia trong nước thực hiện các dự án đầu tư. Tôi cho đây là sức mạnh cộng đồng của chúng ta bên ngoài, và sức mạnh này còn tiềm ẩn rất lớn.

Vừa qua, chúng ta có GS Toán học Ngô Bảo Châu - người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng Fields, nhưng tôi tin rằng, trong lĩnh vực y học, kinh tế, tự nhiên, vật lý, năng lượng hạt nhân, chúng ta còn có nhiều Ngô Bảo Châu tiềm ẩn. Có thể họ sẽ xuất hiện trong vài ba năm nữa.

Hy vọng với yêu cầu mới của phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, với định hướng đối với bà con kiều bào ở nước ngoài là làm sao phát huy được sức mạnh của 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trở thành nguồn lực tổng hợp với sức mạnh trong nước, chúng ta sẽ có nguồn lực bổ sung cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước rất tốt.

** Theo ông, nguồn lực trí thức là kiều bào ở nước ngoài được thể hiện rõ nhất ở những lĩnh vực nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tôi cho là trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, lĩnh vực khoa học công nghệ cao, thậm chí cả trong nông nghiệp. Chúng ta có rất nhiều giáo sư, tiến sỹ đang làm việc tại Australia, Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều nhà khoa học giỏi đang làm việc ở Pháp, Mỹ trong lĩnh vực y học, vật lý, nguyên tử, điện hạt nhân. Ở bất cứ quốc gia nào, có người Việt sinh sống và làm việc, ít hay nhiều, những người xuất chúng đều có.

Kiều bào trẻ thế hệ thứ 3 - các học sinh, sinh viên Việt Nam ở châu Mỹ cũng như Tây Âu, đang được bạn bè các nước, các quốc gia sở tại rất ca ngợi. Người Việt Nam chúng ta xưa nay có truyền thống hiếu học, nhưng đất nước còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để tiến hành các thí nghiệm khoa học phức tạp; hay trong những lĩnh vực đòi hỏi phải có đầu tư lớn chúng ta chưa làm được, như hạt nhân và vật lý nguyên tử. Hiện nay, các em được đào tạo trong những môi trường tốt ở nước ngoài nên có nhiều cơ hội để phát huy.

Bà con Việt kiều diễu hành trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
(Ảnh: Quang Trung) 

** Đảng và Nhà nước cần có những chính sách gì để thu hút trí thức Việt kiều về đóng góp cho quê hương? 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Đảng và Nhà nước cũng đang tiến hành chính sách đổi mới hội nhập toàn diện với thế giới. Chúng ta chơi những cuộc chơi đầy đủ với thế giới không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Điều đó chứng tỏ vị thế dân tộc Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển, niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam sẽ được khơi dậy, từ đó người Việt Nam mong muốn trở về với cội nguồn để xây dựng đất nước, dân tộc mình.

Vì vậy, chúng tôi đã nghĩ đến chính sách thu hút trí thức kiều bào, trong đó bao gồm nhiều vấn đề, đó là đãi ngộ, lương bổng, phần thưởng để những chuyên gia đầu ngành, trí thức giỏi sẵn sàng về nước hợp tác góp phần xây dựng đất nước, đưa lĩnh vực khoa học nào đó hoặc mũi nhọn kinh tế phát triển theo xu hướng của thế giới.

Tìm ra chính sách phù hợp để đãi ngộ trí thức kiều bào ở nước ngoài không phải là dễ vì đất nước chúng ta đang khó khăn, không chỉ là vấn đề lương bổng, mà còn là môi trường làm việc. Nên, song song với chế độ chính sách, dứt khoát chúng ta phải cải thiện môi trường làm việc trong nước. Dù không được 100% như ở nước ngoài, cũng phải được 60-70%, cộng với 30% tình yêu dành cho quê hương, chắc chắn trí thức Việt kiều sẽ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

** Cụ thể, Chương trình hành động năm 2011 sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Ngoài những chương trình mà chúng tôi đã làm như những năm vừa qua, năm 2011 sẽ tổ chức hội thảo, hội nghị để giới thiệu với bà con về đường lối chính sách đổi mới của chúng ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, đó là hội nhập toàn diện với quốc tế chứ không giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng hội nhập toàn diện không có nghĩa là chúng ta cũng đa đảng, chúng ta cũng thực hiện chính sách như các nước tư bản, mà chúng ta sẵn sàng làm bạn, làm đối tác với tất cả các nước trên thế giới, mở rộng cánh cửa để đưa người nước ngoài đến với Việt Nam và đưa bà con Việt Nam ra nước ngoài, để làm sao Việt Nam thực sự là một điểm đến tin cậy của bạn bè, kể cả trong lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch cũng như đoàn kết, hòa hợp với các dân tộc, các tổ chức xã hội trên thế giới; giới thiệu với bà con chính sách mới sau Đại hội XI của Đảng, để bà con thêm tin tưởng vào tính ổn định và phát triển của đất nước. Năm nay sẽ tăng cường các chuyến đi để giao lưu với bà con, mở rộng hình ảnh về đất nước…

** Xin cảm ơn Thứ trưởng! Chúc ông và gia đình một năm mới sức khỏe, hạnh phúc!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên