Người nâng niu hồn dân tộc

Giữa một không gian gốm trong khách sạn Kim Túc (Hà Nội), anh Nguyễn Ngọc Xuân, Việt kiều Nga, đã say sưa kể về niềm đam mê những sản phẩm gốm đậm hồn dân tộc…

Trở về với thương hiệu Kim Túc

Anh Nguyễn Ngọc Xuân sinh năm 1961, tốt nghiệp trường Cao đẳng Ngoại ngữ khóa học 1978-1982 và được giữ lại trường làm giảng viên. Sau đó, anh học tiếp chương trình sau đại học của Đại học Ngoại ngữ (bây giờ là Đại học Hà Nội). Năm 1988, anh sang LB Nga để quản lý lao động và làm phiên dịch cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Với mong muốn trở thành nhà doanh nghiệp kinh doanh trên nước Nga, năm 2004, nắm bắt được nhu cầu của người dân xứ lạnh, anh thành lập Công ty Chăm sóc sức khỏe Kim Túc (Công ty Bàn Chân vàng) với dịch vụ massage chân để nâng cao sức khỏe con người.

“Đôi bàn chân có một ý nghĩa to lớn, bởi đây là bộ phận duy nhất của con người tiếp xúc với đất. Đôi bàn chân lại có chức năng rất quan trọng là nâng đỡ cơ thể, và một số các huyệt đạo quan trọng của con người lại nằm ở đây. Đặc biệt, LB Nga với khí hậu lạnh giá thì người dân lại càng cần phải giữ gìn, chăm sóc bàn chân”, anh Xuân kể. Chính vì vậy mà địa chỉ massage của Công ty Chăm sóc sức khỏe Kim Túc tại đất nước của tuyết này đã là điểm đến của cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây cũng như những cư dân bản địa.

Với 2 trung tâm massage mở ở nước Nga, bước đầu thấy thành công, anh Nguyễn Ngọc Xuân đã mạnh dạn đầu tư về Việt Nam và thành lập Trung tâm massage Kim Túc ở 20 Đào Tấn.

Năm 2007, anh Nguyễn Ngọc Xuân xây dựng khách sạn Kim Túc tại 32 Đào Duy Từ và thành lập Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Kim Túc. Hiện anh đang chuẩn bị khai trương khách sạn Kim Túc 2 tại số 7 Ngõ Gạch.

Anh Xuân cho biết, trên mảnh đất xây dựng khách sạn Kim Túc 2 ở số 7 Ngõ Gạch có một cái giếng cổ xếp bằng gạch. Anh được các cụ cao tuổi ở khu phố kể lại, ngày xưa, từ Hàng Ngang đến Hàng Đào, người dân đều ăn nước giếng này. Thời chiến tranh, giếng ở nhiều nơi bị cạn nhưng riêng cái giếng này nước lúc nào cũng đầy và trong vắt. Muốn giữ lại nét văn hóa dân tộc cùng chút gì đó là kỷ niệm của người dân nơi đây, anh đã quyết định giữ lại cái giếng cổ trong không gian khách sạn Kim Túc 2. Anh tâm sự: Thời buổi thị trường hóa mà ai cũng chỉ nghĩ cho mình thì văn hóa dân tộc “dần sẽ bị mai một”.

Đưa hồn gốm đến với du khách

Với mong muốn giới thiệu tới du khách bản sắc văn hóa Việt Nam cùng với tình yêu, niềm đam mê gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), anh Nguyễn Ngọc Xuân đã đưa một bộ tư liệu quý với hơn 100 bức tranh gốm Phù Lãng do nghệ nhân Vũ Hữu Nhung thể hiện vào không gian khách sạn Kim Túc. 

Anh Nguyễn Ngọc Xuân bên bức tranh gốm tại khách sạn Kim Túc

Anh chia sẻ, anh muốn đưa những sản phẩm thủ công được làm bằng đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân Việt vào trong kiến trúc khách sạn và giới thiệu tới du khách nước ngoài về văn hoá gốm của Việt Nam. Anh say sưa giới thiệu những bức tranh gốm thấm đẫm chất hương quê được treo khắp nơi từ ban công, phòng ngủ, phòng khách, lối đi cầu thang, nơi thư giãn cũng như nơi thưởng thức các món ăn truyền thống Việt Nam.

Những hình ảnh rất đời thường của cuộc sống với những nét thân thuộc của phiên chợ quê, chiếc cổng làng, gánh hàng rong, hay gốc bàng trên con phố cổ Hà Nội,.... hiện hữu trên những bức tranh gốm luôn để lại trong anh những cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung sau mỗi lần xa Hà Nội.

Anh Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, nhiều du khách quốc tế nói rằng khi đến khách sạn Kim Túc, họ mới biết ở Việt Nam có làng nghề gốm Phù Lãng.

Ước muốn bình dị

Sinh ra ở miền trung du - Thanh Hóa, tuổi thơ gắn liền với những hình ảnh quen thuộc của cây đa, giếng nước, sân đình cùng những món ăn, những tấm bánh được làm từ gạo, ngô, khoai, sắn,… mang đậm hồn quê hương, nên anh Nguyễn Ngọc Xuân mơ ước trong tương lai sẽ mở siêu thị bánh quê (hoặc mang tên Siêu thị bánh dân gian), mang nét đặc trưng và hương vị của ba miền Bắc-Trung-Nam.

Người Việt Nam rất cần cù, chịu khó, nên từ hạt gạo, củ khoai, củ sắn… đã sáng tạo ra rất nhiều loại bánh. Hầu hết các loại bánh bây giờ đều có từ ngàn đời xưa. Anh muốn giới thiệu tới mọi người, đặc biệt là những kiều bào và du khách nước ngoài về nét văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Siêu thị bánh quê ấy sẽ nằm trong một khung cảnh rất dân gian, đậm nét quê hương, chính khung cảnh ấy sẽ nâng giá trị của bánh quê. Và mỗi loại bánh sẽ có biển giải thích bằng tiếng Anh. Đến với Siêu thị bánh quê, du khách không chỉ thưởng thức ẩm thực mà còn được biết đến đặc sản bánh của mỗi vùng miền đã đi vào lòng người dân Việt như miền Bắc có cốm làng Vòng, có bánh cuốn Thanh Trì, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh dầy Quán Gánh…; ở miền Trung có bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, bánh ướt; miền Nam có bánh xèo, bánh tráng… Tập trung các loại bánh của cả ba miền sẽ là mấy trăm loại, anh Xuân chia sẻ.

Siêu thị bánh quê, nơi hội tụ mấy trăm loại bánh của 3 miền hẳn sẽ là một địa chỉ văn hóa ẩm thực hấp dẫn và ấn tượng. Chúc ước muốn bình dị mà rất ý nghĩa này của anh sẽ sớm được thực hiện.

Tình cảm với Bác Hồ luôn được đong đầy

Tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh tại Thủ đô Moscow, LB Nga 

Với tình cảm rất thiết tha, với niềm tin yêu và lòng kính trọng vô hạn của mình đối với Bác Hồ, anh Nguyễn Ngọc Xuân đã truyền lại tình cảm đó tới các con của anh.

Anh tâm sự: Chủ tịch Hồ Chí Minh có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Sống ở Moscow, anh và gia đình đi đâu cũng thường qua tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh nằm ở phía Tây Nam thành phố Moscow. Lần nào anh cũng bảo với các con đó là người cha già của dân tộc Việt Nam. Các con đã hỏi anh rất nhiều về Bác Hồ, và những câu chuyện anh kể, các cháu luôn lắng nghe và đầy tự hào về Bác. Không chỉ gia đình anh mà hầu như tất cả các gia đình người Việt ở LB Nga đều thường kể cho con cháu nghe về Bác Hồ. Các cháu hiểu, nếu không có Bác, Việt Nam không có độc lập, tự do. Và lòng kính yêu Người được các cháu thể hiện qua những bài hát, bài thơ, những dòng cảm xúc dạt dào tình yêu thương về Bác.

Anh Xuân cho biết, ở LB Nga, vào những dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, ngày Bác mất hay những ngày lễ lớn của dân tộc, gia đình anh cùng bà con Việt kiều vẫn thường đến dự lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phòng tưởng niệm Người ở trụ sở Đại sứ quán và dâng hoa tại tượng đài Bác bên Quảng trường Hồ Chí Minh.

Tạm biệt anh, đọng lại trong tôi là hình ảnh một chiếc giếng cổ được gìn giữ, một không gian gốm Phù Lãng trong lòng Hà Nội, một Siêu thị bánh quê trong ước muốn và tình cảm với quê hương, đất nước, với Bác Hồ luôn được đong đầy… Những nét văn hóa dân tộc ấy đã được anh Nguyễn Ngọc Xuân nâng niu, gìn giữ, thật đáng trân trọng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên