10 ứng cử viên triển vọng cho vị trí tân Giáo hoàng

Mật nghị Hồng y lần này dự kiến chỉ có 115 vị hồng y.

Sau khi Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ nhiệm, kết thúc 8 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo, công luận hiện đang chuyển sang tập trung vào tiến trình bầu tân giáo hoàng. 

Một số phương tiện truyền thông đại chúng tạm thời dự báo 10 hồng y hàng đầu có khả năng kế nhiệm ông Benedict là hồng y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, 68 tuổi, người Canada; Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, 70 tuổi, người Italy; Hồng y Angelo Bagnasco, 70 tuổi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Italy; Hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và hòa bình, 64 tuổi, người Ghana; Hồng y Leonardo Sandri, người Canada và hiện là Chủ tịch Hội đồng Giáo hội Công giáo Đông phương; Hồng y Christoph Schonborn, Tổng giám mục Vienne (Áo), 68 tuổi; Hồng y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milan (Italy), 71 tuổi; Hồng y Francis Arinze, 80 tuổi, người Nigeria, Hồng y Odilo Pedro Scherer, 63 tuổi, Giám mục Sanpaolo của Brazil; Hồng y Luis Tagle, 55 tuổi, người Philippines, một trong những hồng y trẻ nhất.

Ông Benedict sau khi từ chức sẽ vẫn luôn được nhớ đến như là một trong những vị giáo hoàng được nhiều người yêu mến nhất (Ảnh AP)


Lịch sử giáo hội Công giáo cận đại cho thấy trong vòng 455 năm từ 1523 đến 1978, giáo hoàng là người Italy; từ năm 1978 đến nay, giáo hoàng là người Balan và Đức.

Với sự gia tăng giáo dân ở châu Mỹ, châu Phi, một số ý kiến cho rằng giáo hoàng mới sẽ là một người ngoài châu Âu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định một giáo hoàng mới vẫn sẽ là một nhân vật đến từ châu Âu và sẽ tiếp tục thực hiện các giá trị mà ông Benedict đã theo đuổi bấy lâu.

Trong những ngày này, Tòa thánh trống ngôi và dự kiến trong vài ngày tới, Hồng y Nhiếp chính Tarcisio Bertone sẽ chủ trì cuộc họp của Hồng y Đoàn để bỏ phiếu ấn định ngày khai mạc Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới.

Dự kiến 115 hồng y dưới 80 tuổi sẽ tham gia Mật nghị Hồng y lần này. Một số nhà phân tích của Vatican cho rằng Mật nghị Hồng y, được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine bên trong Tòa thánh, có thể bắt đầu sớm nhất là vào đầu tuần tới. 

Trong quá trình tham dự Mật nghị Hồng y, các hồng y sẽ bỏ phiếu mỗi ngày 4 lần, 2 cuộc vào buổi sáng và 2 cuộc vào chiều tối. Theo truyền thống, trong các vòng bầu cử, một vị giáo hoàng sẽ được chọn khi có một ứng cử viên giành được đủ 2/3 số phiếu. 

Cố Giáo hoàng John Paul II đã từng sửa đổi quy tắc trên như sau: Sau vài vòng bỏ phiếu, nếu không có vị hồng y nào đạt được đa số phiếu 2/3, thì một đa số 50% cộng 1 phiếu có thể được áp dụng. Tuy nhiên, ông Benedict sau đó đã thay đổi quy tắc của cố Giáo hoàng John Paul II và phục hồi truyền thống 2/3 trở lại giống như trước năm 2007. 

Hiện nay, Hồng y Đoàn của Giáo hội Công giáo có 208 hồng y. Nếu Mật nghị Hồng y diễn ra trước ngày 15/3, sẽ có 117 vị hồng y dưới 80 tuổi được tham dự bầu cử, trong đó có 67 vị hồng y là do chính ông Benedict tấn phong. 

Trong số 117 vị hồng y này có 61 người châu Âu, 19 người châu Mỹ Latinh, 14 người Bắc Mỹ, 11 người châu Phi, 11 người châu Á và 1 người châu Úc.

Những nước có nhiều hồng y nhất là Italy, với 28 người, tiếp đó là Đức 6 người, ba nước Tây Ban Nha, Ấn Độ và Brazil mỗi nước có 5 người, Pháp và Balan mỗi nước có 4 người, Mexico và Canada mỗi nước có 2 người. Việt Nam có 1 hồng y tham gia là Hồng y Phạm Minh Mẫn, 78 tuổi. 

Theo thông tin từ Vatican, hiện có hai hồng y do tuổi cao, sức yếu hoặc do một vài lý do khác không thể tới Rome để tham dự Mật nghị Hồng y. Người thứ nhất là Hồng y của Indonesia tuyên bố không đến được Rome do sức khỏe và thị lực kém. Người thứ hai là vị giáo chức Công giáo cao cấp nhất Vương quốc Anh, Hồng y Keith O'Brien, từ chức hôm 25/2 sau khi bị cáo buộc đã có cách hành xử không đúng mực. 

Như vậy, Mật nghị Hồng y lần này dự kiến chỉ có 115 vị hồng y. 

Theo quy định của Vatican hiện nay, nếu vị hồng y nào giành được từ 2/3 tổng số phiếu bầu trở lên và trả lời chấp nhận chức vị Giáo hoàng do Hồng y Niên trưởng (hồng y cao tuổi nhất) hỏi, vị đó sẽ trở thành tân Giáo hoàng. 

Tại các Mật nghị Hồng y từ trước đến nay thường có nhiều bất ngờ xảy ra, nên ở Rome, người ta hay nhắc tới câu ngạn ngữ: "Vị nào đi vào Mật nghị Hồng y giống như một giáo hoàng thì khi ra vẫn là một hồng y."

Dư luận và tiêu chí cho một vị Giáo hoàng mới hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Hồng y Geraldo Majella Agnelo, người Brazil, quốc gia với số lượng giáo dân lớn nhất trên thế giới, cho rằng người kế nhiệm ông Benedict phải có khả năng đối phó với những thách thức mới của Giáo hội Công giáo, trong đó có những cáo buộc liên quan đến việc để rò rỉ các tài liệu mật của Vatican, việc linh mục lạm dụng tình dục trẻ em cũng như tình trạng bao che vấn đề này. 

Hồng y có uy tín hàng đầu người Pháp Jean-Louis Tauran thì kêu gọi bầu một vị giáo hoàng trẻ tuổi thay thế. Ông Tauran cho rằng giáo hoàng mới phải là người trẻ tuổi, có khả năng đối thoại và khả năng truyền đạt những nội dung giáo huấn của Giáo hội, phát động một cuộc cải cách Tòa thánh để làm cho nội bộ Tòa thánh ngày càng gắn kết. Tuổi thích hợp của giáo hoàng mới khoảng trên dưới 65 tuổi, nếu ở tuổi 70 phải là người có sức khỏe tốt.

Đăng quang ở tuổi 78, ông Benedict là một trong những giáo hoàng cao niên nhất trong lịch sử khi được bầu vào năm 2005. Việc giáo hoàng thoái vị là điều vô cùng hiếm trong lịch sử khoảng 600 năm trở lại đây. 

Tuy nhiên, theo công luận đánh giá, ông Benedict sau khi từ chức sẽ vẫn luôn được nhớ đến như là một trong những vị giáo hoàng được nhiều người yêu mến nhất./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên