106 ngân hàng Mỹ đã bị đóng cửa

Con số này hiện chỉ đứng sau kỷ lục của năm 1992 với 181 ngân hàng phải đóng cửa do đổ vỡ quỹ tín dụng.

Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ thông báo đã đóng cửa thêm 7 ngân hàng, trong đó riêng bang Florida có 3 ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng phải đóng cửa trong hơn 9 tháng qua lên 106 ngân hàng.

FDIC đã bán tài sản của 7 ngân hàng vừa bị đóng cửa, trị giá từ 65-280 triệu USD, cho các ngân hàng khu vực khác và chịu nghĩa vụ tài chính của các ngân hàng đó bằng việc trích quỹ bảo hiểm để trả lại tiền cho người gửi tiền. Ước tính, FDIC sẽ phải trả khoảng 357 triệu USD tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 7 ngân hàng bị đóng cửa vào cuối tuần trước. Tổng số tiền bảo hiểm của FDIC hiện chỉ còn 7,5 tỷ USD so với số tiền 45 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Giới chuyên gia cho rằng với tình hình hiện nay, số ngân hàng đóng cửa có thể tăng lên trong hai tháng cuối của năm 2009 và các ngân hàng bị đóng cửa trong 4 năm tới sẽ tiêu tốn quỹ bảo hiểm của FDIC khoảng 100 tỷ USD. Vì vậy, để tăng thêm nguồn quỹ bảo hiểm, FDIC đã yêu cầu các ngân hàng đóng trước khoản tiền phí bảo hiểm cho 3 năm tới, dự kiến thu được 45 tỷ USD.

Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bật đèn xanh cho FDIC khoản hạn mức tín dụng lên tới 500 tỷ USD để đề phòng tình hình xấu thêm.

Thống kê của FDIC hồi cuối tháng 6/2009 cho thấy khoảng 416 ngân hàng tại Mỹ có nguy cơ phá sản, cao hơn nhiều so với dự đoán là 305 ngân hàng hồi tháng 3/2009 và 252 ngân hàng hồi đầu năm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên