13 năm sau sự kiện khủng bố 11/9, nước Mỹ vẫn chưa an toàn
VOV.VN - Điều mà người ta thấy hiện nay lại là một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, với mối đe dọa khủng bố ngày càng trở nên hiện hữu.
Hôm nay, tròn 13 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố làm rung động nước Mỹ ngày 11/9/2001 và cũng tròn 13 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 11/9/2001, 19 không tặc đã khống chế 4 máy bay Boeing chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của nước Mỹ, trong đó có Bộ Quốc phòng và Tòa tháp đôi ở thành phố New York, khiến khoảng 3.000 người thuộc hơn 90 quốc gia thiệt mạng.
Vụ tấn công khi đó không chỉ làm chao đảo nền kinh tế, chính trị hùng mạnh nhất thế giới, mà còn làm thay đổi trật tự thế giới và các quan hệ quốc tế. Hơn 1 thập kỷ sau sự kiện này, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều thay đổi do cuộc chiến chống khủng bố được tiến hành sau đó. Một số cuộc chiến đã được Chính phủ Mỹ và các đồng minh phát động. Các biện pháp giám sát và an ninh đã được triển khai và tất cả đều với danh nghĩa bảo vệ người dân.
Rất nhiều người Mỹ đã chấp nhận những thay đổi này, xem đây như là một điều tất yếu trong một thế giới hậu 11/9, nơi chủ nghĩa khủng bố rình rập khắp nơi. Tuy nhiên, điều này lại không hề khiến cho nước Mỹ an toàn hơn, mà thậm chí còn tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ hơn.
Cách đây vài tháng, hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa phải nhắc lại sự kiện 11/9, coi đây như lời nhắc nhở thế giới về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Và chỉ 3 tháng sau đó, ông Obama đã phải thừa nhận, những vụ tấn công như thế đã buộc nước Mỹ phải đi quá giới hạn khi phải dùng đến các kỹ thuật tra tấn và có những hành vi "trái ngược" với những giá trị đạo đức của mình.
Những tuyên bố này cho thấy, dù hơn 1 thập kỷ đã trôi qua, nhưng nước Mỹ vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi mối đe dọa từ al-Qaeda và Taliban vẫn còn đó, thì Mỹ và thế giới lại phải đối mặt với một mối nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Syria.
Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của nhóm này còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy cơ chưa từng có, nhất là khi nó đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ và thâm chí còn dẫn tới một cuộc chay đua nguy hiểm giữa các nhóm khủng bố.
Trong phát biểu ngày 10/9, Tổng thống Obama một lần nữa trấn an những người dân Mỹ đang hoang mang khi tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng với những kẻ khủng bố dù chúng ở đâu.
“Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng với những kẻ khủng bố đang đe dọa nước Mỹ, dù chúng ở bất kỳ đâu. Điều này có nghĩa là tôi sẽ không do dự hành động chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Đây là một nguyên tắc cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi: Kẻ nào đe dọa nước Mỹ sẽ không thể có chốn dung thân”.
Có thể thấy, hơn 1 thập kỷ sau sự kiện 11/9, tình hình thế giới vẫn không thay đổi. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể giúp đẩy lùi mối nguy cơ này trên quy mô toàn cầu và các lực lượng quân đội Mỹ, một lần nữa, lại phải trở lại Trung Đông. Người dân Mỹ lại tiếp tục kỳ vọng, chiến lược chống IS mà ông Obama vừa công bố sẽ giúp nước Mỹ an toàn hơn./.