Tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 2/2020 đã kéo theo hàng loạt tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế. Trong đó, lĩnh vực ô tô cũng đã chịu tác động khá nặng nề, khi doanh số toàn thị trường trong năm 2020 đã không thể trở lại kịp với quỹ đạo tăng trưởng của những năm trước đó.

Cụ thể, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô của tháng 4/2020 – tháng thực hiện giãn cách xã hội đã có mức giảm sâu. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), lượng ô tô tiêu thụ trong nước vào tháng 4/2020 chỉ đạt 11.761 xe, giảm 39% so với tháng 3/2020 và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, tổng doanh số ô tô tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2020 cũng rất thê thảm, đạt 64.100 xe bán ra, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thời điểm làm ăn khó khăn nhất của tất cả các hãng xe tại Việt Nam.

Sau 4 tháng đầu năm 2020, hầu hết các nhà sản xuất khác cũng đều ghi nhận mức doanh số giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Thaco (- 34%), Toyota (- 29%), Honda (- 41%), Ford (- 53%),... Điều này đã chứng tỏ sức ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19, khiến nhiều thương hiệu ô tô ở Việt Nam trong tình trạng lao đao.

Theo giới kinh doanh, người tiêu dùng Việt Nam cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19, nguồn thu nhập không ổn định đã khiến nhiều người phải tiết kiệm chi tiêu hơn mọi năm, hạn chế mua sắm những đồ giá trị lớn, đặc biệt là ô tô. Trong khi đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cực lớn về tài chính, khiến lượng ô tô họ mua để phục vụ cho công việc cũng không thể dồi dào như trước đây.

Mặt khác, để kích cầu tiêu dùng, các hãng cũng tung ra nhiều chương trình ưu đãi và khuyến mại (lên tới hàng trăm triệu đồng) trong dịp đầu năm nhưng vẫn không đủ để níu kéo khách hàng. Ngay sau Tết Nguyên đán 2020, liên tiếp những đợt giảm giá, tặng quà dành cho các mẫu xe cũng chỉ giúp giữ được doanh số ô tô tụt dốc không quá mạnh.

Dịch Covid-19 không chỉ có những tác động về mặt kinh doanh, nó có tác động sâu rộng hơn rất nhiều, đặc biệt là khi dịch bùng phát quá mạnh khiến Chính phủ Việt Nam phải có những biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn sự lây lan.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, cả nước cùng thực hiện “giãn cách xã hội” trong hầu hết thời gian của tháng 4/2020, tất cả người dân đều được yêu cầu hạn chế ra ngoài trừ các trường hợp cần thiết. Thực hiện chỉ thị này của Chính phủ, nhiều các hãng xe đã dừng hoạt động sản xuất ở các nhà máy trong nước theo thời gian trên.

Theo đó, Ford là hãng đầu tiên quyết định tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương từ ngày 26/3/2020 theo thông báo từ tập đoàn trên toàn cầu. Chỉ ít ngày sau, Toyota cũng tiếp bước khi công bố sẽ dừng hoạt động của nhà máy ô tô đặt tại Vĩnh Phúc từ ngày 30/3/2020.

Ngày 31/3/2020, liên tiếp TC Motor (với nhà máy lắp ráp ôtô Hyundai tại Ninh Bình) và Honda Việt Nam (các nhà máy ôtô và xe máy ở Vĩnh Phúc và Hà Nam) đã chính thức thông báo dừng hoạt động sản xuất từ ngày 1/4/2020 và sẽ mở cửa nhà máy trở lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh cũng như chỉ thị của Chính phủ.

Sau đó, các nhà máy còn lại của các hãng như Yamaha, Mercedes-Benz, Nissan… cũng đều được thông báo sẽ đóng cửa tạm thời nhằm hưởng ứng chỉ thị của chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt nhất, trong dịp nhiều doanh nghiệp ô tô tạm ngừng sản xuất và lắp ráp, hãng xe Việt Nam – VinFast đã quyết định dừng các dây chuyền sản xuất hàng ngày để triển khai nghiên cứu và chế tạo máy thở và máy đo thân nhiệt nhằm hỗ trợ cho công tác chống dịch.

Đây được cho là lần đầu tiên việc các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam phải ngừng sản xuất trong thời gian dài như vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các vấn đề về tài chính, nhân sự,… của nhiều hãng xe ở Việt Nam chịu ảnh hưởng song hành. Do đó, để hỗ trợ những doanh nghiệp này, chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời.

Ngoài thực hiện tốt trong việc phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam cũng phải “ra tay” thực thi những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trở lại kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô.

Có thể nói, động thái hỗ trợ đầu tiên của Chính phủ diễn ra vào cuối tháng 5/2020, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã được ban hành với các quy định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được đã về mức 0%. Quan trọng nhất, Nghị định đã gỡ bỏ yêu cầu về sản lượng ô tô chung và sản lượng một mẫu xe mà doanh nghiệp phải cam kết lắp ráp.

Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP vào tháng 9/2020 để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô nội địa, những hãng xe này sẽ được hưởng lợi từ về vấn đề gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Cụ thể, thời hạn nộp thuế TTĐB thuộc kỳ tính thuế của các tháng từ tháng 3 đến tháng 10/2020 đã được hoãn lại một thời gian, giúp nhiều hãng xe chủ động hơn về tài chính, nhất là trong thời điểm cuối năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu bấm nút khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng (Ảnh: Báo Chính phủ)

Các chính sách trên được đưa ra chủ yếu để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp nhưng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP trong đó có quy định giảm 50% lệ phí trước bạ được nhiều ý kiến cho rằng có tác động mạnh mẽ nhất và hỗ trợ lớn nhất chính. Theo đó, ô tô sản xuất và lắp ra nội địa kể từ ngày ban hành nghị định (28/6) đến hết ngày 31/12/2020.

Điều này thực sự đã góp phần kích thích người tiêu dùng mua ô tô nhiều hơn, đặc biệt là các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi. Trước đây, mức lệ phí trước bạ đăng ký cho dòng xe này tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%. Sau khi áp dụng mức thu mới, khách hàng sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ từ 5% đến 6%; nhờ đó, họ sẽ tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tùy loại xe.

Chính sách này không chỉ có tác động đến các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước mà còn khiến những hãng khác phải tìm cách giảm giá hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Nhờ đó, xe lắp ráp nội địa đã lấn lướt cực mạnh xe nhập khẩu trong năm 2020 vừa qua.

Kể từ năm 2018, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức giúp thuế nhập khẩu ô tô về mức 0%, điều này đã trở thành một cú hích cho thị trường Việt Nam, tăng lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu. Điều đó được thể hiện bởi doanh số xe nhập đã tăng đáng kể vào năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ và ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đến việc nhập khẩu đã đóng vai trò lớn trong việc điều hướng người tiêu dùng quay trở lại mua ô tô lắp ráp nội địa mạnh mẽ hơn. Theo thống kê từ VAMA, tính đến hết tháng 11/2020, doanh số bán hàng của ô tô lắp ráp trong nước chỉ đạt 157.721 xe giảm 7%, trong khi ô tô nhập khẩu đạt 91.047 xe, giảm 24% so với cùng kì năm ngoái.

Điều này cũng phần nào được thể hiện thông qua doanh số thực tế các hãng xe có được qua 11 tháng của năm 2020. Những nhà sản xuất có các mẫu ô tô nhập khẩu làm chủ lực như: Honda, Ford, Toyota và Lexus đều giảm doanh số so với cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 33%, 29%, 16% và 12%.

Ngoài ra, Mitsubishi với những con bài chiến lược được nhập khẩu từ nước ngoài như: Xpander (CBU), Attrage và Triton cũng bị ảnh hưởng phần nào với việc doanh số 11 tháng đã qua của năm 2020 chỉ đạt 24.387 xe, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều hướng ngược lại, do tận dụng tốt những chính sách hỗ trợ và tung thêm các ưu đãi hợp lý, nhiều nhà sản xuất với sản phẩm chủ lực đều lắp ráp trong nước như Thaco – Trường Hải (các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot) và TC Motor (thương hiệu Hyundai) đã có doanh số tăng khá ấn tượng.

Đối với Thaco, nhà sản xuất này có mức tăng đột biến đối với thương hiệu Kia với 17%, đạt 31.350 xe nên dù doanh số thương hiệu Mazda chỉ đạt 27.754 xe trong 11 tháng đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng tổng thể của Thaco vẫn đạt 2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới doanh số 84.858 xe.

Trong khi đó, doanh số xe Hyundai được TC Motor công bố lên tới 68.062 xe trong khoảng thời gian đã qua của năm 2020, thấp hơn chỉ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái; xe du lịch chỉ có mức giảm 1,37%.

Nhờ những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, các hãng ô tô có sản phẩm lắp ráp nội địa đã có màn nước rút ấn tượng, giúp cân bằng doanh số với những năm trước. Một phần lý do và cũng là hệ quả của điều đó chính là việc nhiều mẫu xe mới được giới thiệu trong nửa cuối năm 2020, đặc biệt là các ôtô lắp ráp trong nước.

Thời điểm cuối năm luôn là lúc thị trường ô tô sôi động nhất khi người tiêu dùng “rủng rỉnh hầu bao” và có ý định mua xe nhất. Năm nay, tuy dịch Covid-19 đã gây ra những tác động nhất định về kinh tế nhưng những ưu đãi về thuế và khuyến mại từ chính các hãng xe có đóng góp không nhỏ, giúp kéo khách hàng trở lại đại lý.

Tuy nhiên, kết hợp với những yếu tố đó còn là sự tích cực của nhiều nhà sản xuất trong việc giới thiệu sản phẩm mới, đặc biệt là ô tô lắp ráp trong nước để tối đa hóa lợi ích cho khách hàng.

Giai đoạn nửa cuối năm 2020 chứng kiến liên tiếp các nhà sản xuất trình làng các mẫu xe hoàn toàn mới hoặc phiên bản cập nhật cho những mẫu đã có mặt trên thị trường. Trong số đó có thể kể đến một vài ô tô lắp ráp trong nước như: Honda CR-V 2020, Kia Seltos, Honda City thế hệ mới, Peugeot 2008, Toyota Fortuner 2020, Toyota Innova 2020, Ford EcoSport 2020, Hyundai Accent 2021… cùng các mẫu xe nhập khẩu: MG HS, MG ZS, Toyota Corolla Cross, Toyota Hilux 2020, Mitsubishi Pajero Sport 2020…

Trong tháng cuối năm, thị trường Việt Nam còn đón nhận thêm hai mẫu xe Jeep Wrangler và Gladiator hoàn toàn mới được nhập khẩu trực tiếp, đồng thời Rolls-Royce cũng chính thức quay trở lại với nhà phân phối mới cùng việc mở đại lý tại TP HCM.

Việc các hãng giới thiệu nhiều mẫu xe mới tại Việt Nam cũng không quá khó hiểu khi hiện tại nước ta đang kiểm soát dịch bệnh khá ổn định, hoạt động của người dân trở lại bình thường và nhu cầu mua ô tô tăng dần về cuối năm.

Nhờ vào những điều trên, doanh số ô tô tại Việt Nam đã tăng mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm. Trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, sản lượng xe bán ra của các thành viên VAMA đều tăng so với tháng trước đó và cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong tháng 10/2020, doanh số bán hàng của VAMA đạt 33.254 xe, tăng 22% so với tháng 9/2020 và tăng 15% so với tháng 10/2019. Trong khi đó, tháng 11/2020 ghi nhận số lượng ô tô bán ra lên tới 36.359 xe, tăng 9% so với tháng 10/2020 và tăng 22% so với tháng 11/2019.

Điều này đã giúp doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11/2020 chỉ còn thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi giai đoạn 4 tháng đầu năm, khoảng cách còn ở mức 36%.

Mặt khác, TC Motor cũng cho thấy sự tăng tốc vượt bậc, tổng doanh số tháng 11/2020 của thương hiệu Hyundai đã đạt 11.023 xe, tăng trưởng 40,6% so với tháng trước và tăng 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xe bán ra trong 11 tháng của năm 2020 cũng đã đạt tới 68.062, chỉ còn thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, với tốc độ tăng trưởng doanh số như hiện nay, các hãng xe thành viên VAMA khó lòng cân bằng lại tổng doanh số như năm ngoái, bức tranh sáng sủa nhất là mức giảm chỉ về còn một chữ số. Trong khi đó, TC Motor có khả năng đạt được mức doanh số tương đương năm ngoái nếu Hyundai Accent và Grand i10 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh như hiện nay.

Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thị trường ô tô Việt Nam sẽ có rất nhiều khác biệt và khó đoán trong năm 2021 khi các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng lần lượt hết hiệu lực. Theo đó, các dòng xe nhập khẩu sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với ô tô lắp ráp trong nước.

Tình hình dịch bệnh năm 2021 chưa rõ sẽ ra sao nhưng rất có thể sẽ ổn định hơn nhờ vào việc vaccine Covid-19 đã bắt đầu cho kết quả tốt trên thế giới. Hy vọng điều đó sẽ thắp lên ánh sáng cho thị trường ô tô Việt Nam, giúp doanh số bán hàng trở lại với quỹ đạo tăng trưởng như trước đây./.


Tác giả: Gia Linh/VOV.VN - Trình bày: Quang Huy

Chủ Nhật, 07:00, 03/01/2021