70 năm chiến tranh Triều Tiên: Niềm tin có sống lại?

VOV.VN - 70 năm trước, vào đúng ngày 25/6, Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra và cho đến nay, cuộc chiến này vẫn chưa chính thức kết thúc.

Sau nhiều tuần căng thẳng bị đẩy lên cao trào, tình hình bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ hạ nhiệt, chuyển biến “lạc quan” hơn, đúng dịp đặc biệt đánh dấu 70 năm bùng nổ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Giới chức Hàn Quốc đang kỳ vọng, giờ có thể lại là khởi đầu mới cho việc cải thiện mối quan hệ liên Triều, vực dậy giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vốn bế tắc suốt hơn 1 năm qua.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP

70 năm trước, vào đúng ngày 25/6, Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra và cho đến nay, cuộc chiến này vẫn chưa chính thức kết thúc. Trải qua nhiều thăng trầm, mối quan hệ liên Triều đã chứng kiến không ít sóng gió. Trong 2 năm qua, mối quan hệ này đã được cải thiện rất nhiều với các nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía. Tuy nhiên, mọi thành quả ấy dường như đã đổ sụp khi Triều Tiên được cho là bên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc liên Triều tại khu công nghiệp Kaesong, tuyên bố mối quan hệ liên Triều đổ vỡ.

Một loạt kế hoạch chống Hàn Quốc đã được Triều Tiên vạch ra, như rải truyền đơn, dựng lại hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền thù địch, ý định đưa quân tới khu công nghiệp chung Kaesong và khu du lịch núi Kumgang, đồng thời tuyên bố sẽ khôi phục các trạm gác đã được dỡ bỏ trong khu phi quân sự phân chia hai miền cũng như nối lại tất cả các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần biên giới liên Triều.

Tuy nhiên, vào thời điểm căng thẳng nhất ấy, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un 2 ngày trước đã bất ngờ quyết định “dừng các kế hoạch quân sự” chống Hàn Quốc. Hôm qua, 10 loa phóng thanh được Triều Tiên lắp đặt dọc khu vực biên giới với Hàn Quốc một ngày trước đó đã được dỡ bỏ. Một số bài báo chỉ trích Hàn Quốc gay gắt trước đó cũng đã được gỡ xuống tức thì.

Hôm nay, giới chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định, quyết định của Nhà lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra vào thời điểm “then chốt” là một “tín hiệu tích cực”, bày tỏ hy vọng đây có thể là xuất phát điểm để làm dịu căng thẳng và cải thiện mối quan hệ liên Triều. Phía Hàn Quốc mong muốn Hàn - Triều có thể sớm ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Đây cũng là kỳ vọng bấy lâu nay của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in: “Điều quan trọng nhất chính là niềm tin giữa 2 miền Triều Tiên. Chúng ta cần xây dựng niềm tin ấy với rất nhiều cuộc đối thoại. Tôi kêu gọi Triều Tiên không khép lại cánh cửa ngoại giao ấy. Chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại bằng ý chí và việc đối thoại”.

Cũng trong ngày hôm nay, trong một tuyên bố chung nhân dịp đánh dấu 70 năm bùng nổ Chiến tranh triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ Mark Esper đã ra 1 tuyên bố chung, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các thỏa thuận mang tính bước ngoặt ký năm 2018, hướng tới thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng 2 nước nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ giải pháp ngoại giao thúc đẩy phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định cam kết duy trì phối hợp phòng thủ vững chắc.

Cùng ngày, Quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, ông David Helvey khẳng định, Mỹ vẫn đang tập trung vào mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Theo ông, dù đề cao tính răn đe, song Bộ Quốc phòng Mỹ đang hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm mục đích “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

70 năm sau sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Triều Tiên, dư âm của cuộc chiến này vẫn sẽ còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ bất cứ khi nào, khi mà tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa chưa thể đi đến cuối con đường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên