Afghanistan sụp đổ khiến Mỹ lo ngại khủng bố trỗi dậy

VOV.VN - Việc Afghanistan rơi vào tay Taliban đã làm dấy lên lo ngại về việc các nhóm khủng bố với khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ sẽ trỗi dậy trong bối cảnh bất ổn ở Afghanistan.

Giới chức quân sự Mỹ hiện đang đánh giá lại nhận định trước đây rằng al Qaeda có thể lại trở thành một mối đe dọa trong vòng 2 năm sau khi Taliban giành được quyền kiểm soát Afghanistan một cách nhanh chóng cuối tuần qua.

Kể từ khi tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định sẽ kiểm soát các mối đe dọa khủng bố thông qua các lực lượng đồn trú ở nhiều nơi trong khu vực. Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Mỹ có thực sự sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa từ Afghanistan.  

Jamil Jaffer, sáng lập viên và giám đốc điều hành Viện an ninh quốc gia thuộc Đại học George Mason, cho rằng: “Không có nghi ngờ gì về việc Taliban trở lại sẽ mở ra không gian cho al Qaeda quay lại, tái xây dựng căn cứ và ngoài al Qaeda, các nhóm khác từng liên quan tới tổ chức này như ISIS, cũng sẽ quay trở lại khu vực”.

Ông Jafffer, trước đó từng là cố vấn cấp cao cho các nghị sỹ Cộng hòa ở Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng cho rằng “các chiến binh tử vì đạo sẽ một lần nữa biến Afghanistan thành nhà của mình như họ từng làm trước đây trước ngày 11/09.”

Những người từng bảo vệ quan điểm duy trì quân đội Mỹ tại Afghanistan trong vòng 20 năm qua cho rằng đều này nhằm ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố tương tự ngày 11/9/2001 sau khi Taliban đã dung dưỡng những kẻ đứng sau các vụ tấn công đó.  

Khi ra lệnh rút quân, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng Mỹ đã hoàn thành mục tiêu ban đầu đó là làm giảm mối đe dọa từ al Qaeda bao gồm việc tiêu diệt Osama Bin Laden 10 năm trước và bất kỳ mối đe dọa trong tương lai nào cũng sẽ được giải quyết bằng các cuộc không kích và tấn công từ bên ngoài Afghanistan như quân đội Mỹ từng làm ở nhiều nước khác.  

Trong bài phát biểu bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của mình đầu tuần qua, Tổng thống Biden nhấn mạnh “chúng ta thực hiện các chiến dịch chống khủng bố hiệu quả ở nhiều nước mà chúng ta không có hiện diện quân sự vĩnh viễn. Nếu cần thiết, chúng ta sẽ làm điều tương tự ở Afghanistan. Chúng ta đã phát triển năng lực chống khủng bố nhằm giám sát và kiểm soát các mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ ở khu vực cũng như hành động nhanh chóng và quyết đoán nếu cần thiết.”

Quan điểm của Nhà Trắng cũng đã được Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy lưu truyền trong các nghị sỹ Dân chủ rằng các lực lượng Mỹ sẽ “ngăn chặn, phát hiện, và làm gián đoạn các mối đe dọa khủng bố từ xa. Chúng ta sẽ buộc Taliban phải chịu trách nhiệm về việc không tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho al Qaeda. Nếu Taliban làm vậy, lực lượng này sẽ phải gánh chịu hậu quả.”

Taliban từng phớt lờ điều khoản “không tạo ra một nơi trú ẩn an toàn cho al Qaeda” trong thỏa thuận ký với chính quyền Trump tháng 2/2020, tuy nhiên, bất chấp điều này được coi là một thỏa thuận cho việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, cả Tổng thống Trump khi đó và Tổng thống Biden hiện nay đều tiếp tục thực hiện kế hoạch này.

Tháng 6 vừa qua, một báo cáo của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cho biết “các mối liên kết giữa Taliban và al Qaeda vẫn gần gũi dựa trên cơ sở tương đồng về tư tưởng”.  

Các quan chức Mỹ trước đây từng cảnh báo rằng, trong khi các lực lượng Mỹ đủ khả năng chống khủng bố từ xa, điều này sẽ càng ngày càng khó hơn. Giám đốc CIA William Burns trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hồi tháng 4 cho rằng “khả năng thu thập thông tin tình báo và hành động trước các mối đe dọa của chính phủ Mỹ sẽ giảm đi và đó là điều hiển nhiên”.

Trước những cảnh tượng ở thủ đô Kabul khi hàng nghìn người dân Afghanistan tìm cách thoát khỏi nước này, các nghị sỹ Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Biden về khả năng khủng bố trỗi dậy. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham cho rằng “Nước Mỹ đã kém an toàn và rất có khả năng phải đối mặt với một cuộc tấn công từ Afghanistan.”

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner tuyên bố sẽ tìm câu trả lời đối với việc chính quyền thiếu sự sẵn sàng, đồng thời nhấn mạnh “chúng ta không thể quên lý do chúng ta ở Afghanistan và phải tiếp tục tập trung ứng phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ các nhóm khủng bố như mạng lưới Haqqani, al Qaeda và ISIS.”

Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho rằng họ thấy mức độ rủi ro ở mức trung bình về việc al Qaeda có thể khôi phục khả năng đe dọa Mỹ trong vòng “hai năm”. Tướng Milley cũng nhấn mạnh rằng ở thời điểm đó rằng “nếu một số tình huống xảy ra như việc chính quyền Afghanistan sụp đổ hoặc các lực lượng an ninh của nước này tan rã, sự rủi ro đó hiển nhiên sẽ tăng lên”.

Với việc chính quyền ở Afghanistan sụp đổ đã trở thành hiện thực, Lầu Năm Góc hồi đầu tuần đã thừa nhận phải đánh giá lại các mối đe dọa khủng bố nhưng vẫn cho rằng còn quá sớm để đưa ra các dự báo cụ thể.

Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để đưa ra các đánh giá và nhận định về các mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan. Ngài Bộ trưởng tin rằng sau những sự kiện vừa qua, việc đánh giá lại khả năng các mạng lưới khủng bố tái hợp ở Afghanistan là cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ một ngày sau các sự kiện ở Afghanistan, chúng tôi chưa thể khẳng định điều gì sẽ diễn ra sắp tới.”

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng tình hình hỗn loạn sẽ dễ dàng bị nhiều nhóm khủng bố tận dụng. Jennifer Cafarella, chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho rằng “Việc Mỹ rút quân tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Taliban không thể lấp kín do đó chúng ta có thể sẽ thấy sự cạnh tranh từ các lực lượng khác trong khu vực nhằm giành lấy ảnh hưởng và tiếp cận hoặc kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá. Chúng ta có thể chứng kiến nỗ lực mới của ISIS nhằm xây dựng một thành trì ở Afghanistan.”  

Tướng về hưu Christopher Kolenda, người từng lãnh đạo các lực lượng ở Afghanistan và sau đó đàm phán với Taliban dự báo 2 kịch bản ở Afghanistan: người dân Afghanistan xây dựng được một hệ thống chính phủ hoặc nước này sẽ tơi vào một cuộc nội chiến và tranh giành thái ấp. Tướng Kolenda cho rằng “khi đó rủi ro khủng bố là lớn nhất”. Tuy nhiên ông cũng hy vọng Mỹ vẫn sẽ tạo được ảnh hưởng nhằm kiểm soát được mối đe dọa khủng bố.  

Bộ An ninh Nội địa Mỹ mới đây đã gia tăng cảnh báo về các cuộc tấn công tiềm tàng từ các phần tử cực đoạn Hồi giáo trước ngày 11/9. Cơ quan này cho biết “Al Qaeda ở bán đảo Arab mới đây đã công bố phiên bản tiếng Anh đầu tiên của tạp chí Inspire trong vòng 4 năm trong đó nêu rõ rằng các tổ chức khủng bố nước ngoài tiếp tục nỗ lực khuyến khích các các nhân ở Mỹ tiến hành gây ảnh hưởng cực đoan bạo lực. Tình hình ở Afghanistan có thể kích động điều này.

Jennifer Cafarella, chuyên gia về an ninh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh, cho rằng: “Mỹ có lợi thế ngăn chặn một cuộc tấn công tương tự cuộc tấn công ngày 11/9/2001 thông qua việc kết hợp các biện pháp phòng vệ nội địa ở Mỹ và sức ép đối với các nhóm khủng bố ở nơi họ hoạt động. Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã làm mất yếu tố quan trọng nhất của sức ép đó”./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phương Tây "bán tương lai" của Afghanistan, nhận về nguy cơ khủng bố?
Phương Tây "bán tương lai" của Afghanistan, nhận về nguy cơ khủng bố?

VOV.VN - Rút quân khỏi Afghanistan là một sai lầm chiến lược có nguy cơ khiến khủng bố quay trở lại, một cựu tướng lĩnh hàng đầu của Vương quốc Anh cảnh báo.

Phương Tây "bán tương lai" của Afghanistan, nhận về nguy cơ khủng bố?

Phương Tây "bán tương lai" của Afghanistan, nhận về nguy cơ khủng bố?

VOV.VN - Rút quân khỏi Afghanistan là một sai lầm chiến lược có nguy cơ khiến khủng bố quay trở lại, một cựu tướng lĩnh hàng đầu của Vương quốc Anh cảnh báo.

Tướng Mỹ cảnh báo các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến
Tướng Mỹ cảnh báo các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến

VOV.VN - Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã cảnh báo rằng các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến.

Tướng Mỹ cảnh báo các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến

Tướng Mỹ cảnh báo các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến

VOV.VN - Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã cảnh báo rằng các nhóm khủng bố có thể tái hợp ở Afghanistan sớm hơn dự kiến.

Mỹ rút quân khỏi Afganistan: Không còn “thiên đường khủng bố” ở Nam Á?
Mỹ rút quân khỏi Afganistan: Không còn “thiên đường khủng bố” ở Nam Á?

VOV.VN - Theo đánh giá của các quan chức tình báo, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ không khiến quốc gia Nam Á này trở thành “thiên đường khủng bố” một lần nữa, ít nhất là trong tương lai gần, nhưng việc ngăn chặn các nhóm khủng bố về lâu dài sẽ là phức tạp hơn.

Mỹ rút quân khỏi Afganistan: Không còn “thiên đường khủng bố” ở Nam Á?

Mỹ rút quân khỏi Afganistan: Không còn “thiên đường khủng bố” ở Nam Á?

VOV.VN - Theo đánh giá của các quan chức tình báo, việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ không khiến quốc gia Nam Á này trở thành “thiên đường khủng bố” một lần nữa, ít nhất là trong tương lai gần, nhưng việc ngăn chặn các nhóm khủng bố về lâu dài sẽ là phức tạp hơn.