Ai Cập: Các đảng phái chấp nhận cho Tổng thống hết nhiệm kỳ

Theo thỏa thuận giữa các bên, một ủy ban gồm các chuyên gia pháp lý và chính khách sẽ giới thiệu những sửa đổi Hiến pháp và luật pháp.

Trong cuộc gặp với Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman ngày 6/2, nhiều đảng phái chính trị đã chấp nhận ý kiến về việc Tổng thống Hosni Mubarak sẽ duy trì quyền lực cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2011.

Những người tham gia cuộc họp nhất trí rằng những đòi hỏi hợp pháp của Phong trào Thanh niên 25/1 và những nhóm chính trị khác sẽ được giải quyết nghiêm túc và ngay lập tức. Các thủ tục được lựa chọn sẽ chỉ mang tính tạm thời cho tới khi một tổng thống mới được bầu ra. Các bên còn nhất trí rằng ông Mubarak sẽ không ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa và mục tiêu chuyển giao quyền lực hòa bình sẽ đạt được phù hợp với hiến pháp.

Theo thỏa thuận giữa các bên, một ủy ban gồm các chuyên gia pháp lý và chính khách sẽ giới thiệu những sửa đổi Hiến pháp và luật pháp cần thiết vào cuối tuần đầu tiên của tháng 3/2011. Họ cũng nhất trí chấm dứt Luật tình trạng khẩn cấp khi tình hình an ninh cải thiện và thành lập ủy ban gồm thành phần nhà nước, cá nhân và các đại diện từ những người biểu tình Thanh niên 25/1 để giám sát việc thực hiện thỏa thuận này.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Anh em Hồi giáo cùng ngày cho rằng những cải cách mà chính phủ đưa ra nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là chưa đủ. Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo, ông Mohamed Mursi, một quan chức cấp cao của phong trào này, tuyên bố kế hoạch thành lập một ủy ban gồm bộ máy tư pháp và một số chính trị gia nhằm nghiên cứu và đề xuất sửa đổi hiến pháp và luật pháp là chưa đủ. Chính phủ chưa trả lời đa số những yêu cầu. Họ chỉ trả lời một số theo cách hời hợt.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình NBC (Mỹ), Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed El Baradei ngày 6/2 cho biết ông đã không được mời tham dự đối thoại giữa chính quyền Ai Cập và các nhóm đối lập, trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo, đồng thời cho rằng những cuộc đàm phán này là bí hiểm.

Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman đã bắt đầu cuộc đàm phán với các phe phái đối lập, trong đó có Anh em Hồi giáo - phong trào đối lập lớn nhất và có tổ chức nhất ở Ai Cập... Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Chính quyền Ai Cập với các phe phái đối lập trong bối cảnh làn sóng biểu tình mang tính bạo động trên phạm vi toàn quốc ở đất nước "Kim tự tháp" đã bước sang ngày thứ 12, làm ít nhất 300 người thiệt mạng.

Phát biểu tại hội nghị an ninh hàng năm tổ chức ở Munich (Đức), Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon ngày 6/2 kêu gọi các nhà lãnh đạo Ai Cập hãy lắng nghe lời kêu gọi của người dân.

Ông Ban Ki Moon cho biết LHQ đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Ai Cập và Tổng thống Hosni Mubarak, đồng thời đánh giá cao vai trò chiến lược của Ai Cập đối với tiến trình hoà bình Trung Đông. Ông khẳng định "chúng tôi muốn thấy quá trình chuyển tiếp được thực hiện một cách có trật tự và hoà bình", đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cũng mong muốn tình hình tại Ai Cập sẽ dịu đi trong khi hòa bình và ổn định sẽ được khôi phục.

Trong diễn biến cùng ngày, Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có thay đổi thực sự, rõ ràng và toàn diện tại Ai Cập với một lịch trình chính xác cho các cuộc bầu cử và một chính phủ mở rộng hơn.

Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Ai Cập, ông Magdi Radi cho biết các bên tham gia đàm phán, trong đó có Tổ chức Anh em Hồi giáo - phong trào đối lập lớn nhất và có tổ chức nhất ở nước này, đã thống nhất thành lập một ủy ban nhằm chuẩn bị cho những sửa đổi hiến pháp từ nay đến tuần đầu tiên của tháng 3 tới.

Ông Radi khẳng định đã có sự thống nhất về việc thành lập một ủy ban gồm bộ máy tư pháp và một số nhà chính trị nhằm nghiên cứu và đề xuất sửa đổi hiến pháp và luật pháp vào tuần đầu tiên của tháng 3. Theo ông Radi, những người tham gia vào cuộc đối thoại đã thống nhất về sự chuyển tiếp chính quyền hòa bình dựa trên hiến pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên