Ai Cập: Người biểu tình chuẩn bị xuống đường

Làn sóng biểu tình đang chuẩn bị bùng phát, cũng như những tác động gây xung đột tôn giáo sau cách mạng cho thấy tình hình Ai Cập rất phức tạp

Tình hình Ai Cập đang nóng dần trở lại khi người biểu tình tiếp tục xuống đường. Nhiều phong trào chính trị, liên minh thanh niên kêu gọi biểu tình lớn tại trung tâm thủ đô Cairo và các tỉnh thành vào ngày mai (8/7).

Người biểu tình Ai Cập chuẩn bị tụ tập tại quảng trường tự do Tahrir vào ngày mai, (8/7) với biểu ngữ: Ngày thứ sáu- nghèo đói là ưu tiên hàng đầu. Uỷ ban điều phối quần chúng của cuộc cách mạng 25/1 kêu gọi người dân tham gia biểu tình mạnh mẽ. Trong khi đó, Chính phủ Ai Cập cảnh báo có thể xảy ra hỗn loạn và rối loạn tại đây. Chính phủ kêu gọi các lực lượng chính trị tham gia biểu tình duy trì an ninh và hoà bình, đồng thời cảnh báo người dân có thể là mục tiêu của các thế lực bên ngoài nhằm gây mất ổn định và sai mục tiêu của cuộc cách mạng 25/1 vừa qua. Chính phủ khẳng định hỗ trợ và bảo vệ quyền biểu tình hoà bình đồng thời cam kết tiếp tục loại trừ tham nhũng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Biểu ngữ kêu gọi sớm kết thúc chính phủ chuyển tiếp và dỡ bỏ lệnh khẩn cấp
Trong một động thái khác, Liên minh Thanh niên cũng ra lời kêu gọi tất cả lực lượng thanh niên tham gia biểu tình với biểu ngữ: Ngày thứ sáu tự quyết và biểu tình tại các quảng trưởng ở các tỉnh, thành phố để hoàn thành mục tiêu của cuộc cách mạng, cũng như tiếp tục cho tới khi các yêu cầu được đáp ứng. Liên minh này yêu cầu toà án nhanh chóng xét xử cựu Tổng thống Mubarak, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib Al Adli, đồng thời loại bỏ những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là thành viên của Đảng Dân chủ Dân tộc cầm quyền trước đây. Liên minh Thanh niên cũng yêu cầu làm sạch các cơ quan cảnh sát, tái cơ cấu đáp ứng yêu cầu của cách mạng đó là cảnh sát phục vụ nhân dân, bảo vệ an ninh nội địa và bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân.

Trong khi đó, tại thành phố Suez cách Cairo 120km, đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Tình hình ở đây trở nên căng thẳng sau khi Tổng chưởng lý toà phúc thẩm Suez bác bỏ quyết định của toà hình sự Suez buộc tội một số cán bộ, nhân viên an ninh tội giết người biểu tình trong cuộc cách mạng vừa qua. 7 trong số xử 14 cán bộ, nhân viên an ninh bị cáo buộc liên quan tới cái chết của 17 người biểu tình và làm 300 người bị thương khi làn sóng biểu tình bùng phát ở Ai Cập hồi đầu năm nay đã được thả tự do. Điều này đã khiến hàng chục người biểu tình và thân nhân của những người thiệt mạng đã giận giữ nép đá, lửa vào toà nhà an ninh của tỉnh ngày 6/7.

Đụng độ làm hàng chục người chết và bị thương cách đây hai tuần ở quảng trường tự do (Tahri) và làn sóng biểu tình đang chuẩn bị bùng phát hiện nay, cũng như những tác động gây xung đột tôn giáo sau cách mạng cho thấy tình hình Ai Cập rất phức tạp. Dù tình hình xã hội, các hoạt động kinh doanh, du lịch Ai Cập đã dần trở lại ổn định sau khi cựu Tổng thống Mubarak từ chức. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề chưa được chính phủ lầm thời và Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang đang nắm quyền điều này đất nước giải quyết xong như chưa thông qua Hiến pháp mới, chưa xét xử hết các quan chức của chính quyền cũ. Đặc biệt, Ai Cập đang trong bối cảnh chuẩn bị bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 9/2011 khiến cho tình hình càng khó khăn bởi sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái chính trị. Đây cũng là cơ hội để can thiệp vào công việc nội bộ Ai Cập của các thế lực bên ngoài. Do đó, từ nay tới bầu cử Quốc hội và Tổng thống tình hình Ai Cập sẽ diễn biến phức tạp và tiểm ẩn những biến động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên