Ai Cập nỗ lực khôi phục sự ổn định

Trong một động thái nhằm xoa dịu người biểu tình, ban lãnh đạo của Đảng Dân chủ Dân tộc (NDP) cầm quyền đã từ chức.

Ngày 5/2 là ngày thứ 12 những người biểu tình có mặt tại quảng trường Tahrir. Hàng ngàn người tiếp tục hô vang các khẩu hiệu đòi Tổng thống Mubarak từ chức.

Cuộc biểu tình diễn ra trong trật tự và hoà bình. Quân đội tiếp tục đóng vai trò chính trong việc đảm bảo trật tự an ninh tại khu vực quảng trường Tarhir.

Trong một động thái nhằm xoa dịu người biểu tình, ban lãnh đạo của Đảng Dân chủ Dân tộc (NDP) cầm quyền đã từ chức.

Trong số thành viên ban lãnh đạo Đảng NDP từ chức có cả Gamal Mubark, con trai của Tổng thống Mubarak.

Gamal Mubarak mới đây cũng cho biết sẽ không ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 9 tới đây.

An ninh tại Ai Cập được thắt chặt (Ảnh: Getty)

Tổng thư ký mới được bầu của Đảng NDP là ông Hossam Badrawi- một nhà chính trị có tư tưởng tự do hơn.

Ông từng là một giáo sư y khoa được đào tạo tại Mỹ. Nhiều gương mặt trẻ tuổi của Đảng NDP được bầu vào ban lãnh đạo mới của NDP.

Tổng thống Mubarak vẫn tiếp tục là Chủ tịch đảng. Với sự thay đổi này, Đảng NDP muốn chứng tỏ cải cách sẽ trở thành định hướng trong chính sách trong thời gian tới.

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường tại Cairo. Đường phố đã tấp nập người và xe cộ. Các công ty đã bắt đầu hoạt động trở lại. Nhiều cửa hàng kinh doanh, ăn uống cũng đã mở cửa. Từ ngày 6/2, các ngân hàng bắt đầu mở cửa trong khi thị trường chứng khoán có thể hoạt động trở lại vào ngày 8/2 tới.

Bắt đầu từ 5/2, chính quyền Ai cập đã nới lỏng lệnh giới nghiêm từ 19h ngày hôm trước cho tới 6h ngày hôm sau.

Trong giờ giới nghiêm, ngoài lực lượng quân đội, các chốt kiểm tra an ninh do người dân tại các khu phố lập nên đã góp phần đảm bảo an toàn, an ninh cho Cairo về đêm.

Việc kiểm tra an ninh trong giờ giới nghiêm rất chặt chẽ. Chính quyền và người dân Ai Cập đang nỗ lực để mọi hoạt động công sở và sinh hoạt của người dân được trở lại bình thường.

** "Những bất ổn hiện nay tại Ai Cập tác động tiêu cực đến tiến trình hoà bình Trung Đông. Do đó cần có những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy tiến trình này". Đây là phát biểu của đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu bà Catherine Ashton tại cuộc họp của nhóm Bộ Tứ (LHQ, EU, Nga và Mỹ) bên lề Hội nghị An ninh Quốc tế diễn ra tại Đức ngày 5/2.

Tổng thư ký LHQ Ban ki moon tại Hội nghị An ninh Quốc tế diễn ra tại Đức (Ảnh: Getty)

Tham dự cuộc gặp có bà Catherine Ashton, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bà Ashton cho rằng, việc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel bị đình trệ kéo dài không có lợi cho hoà bình và ổn định trong khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp của đại diện nhóm Bộ Tứ, bà Ashton cho biết, nhóm nhất trí sẽ tiếp tục họp vào giữa tháng 4 tới và cũng sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc gặp của đại diện nhóm này với các nhà đàm phán Palestine và Israel tại Brussels (Bỉ) vào đầu tháng 3 tới.

Liên quan vấn đề hạt nhân Iran, bà Ashton bày tỏ hy vọng Iran sẽ quay trở lại đàm phán sau cuộc đàm phán mới đây giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên