Ai Cập nới lỏng quy định cấp quốc tịch cho người nước ngoài
VOV.VN - Ngày 8/3, chính phủ Ai Cập đã ban hành quyết định sửa đổi một số điều kiện và thủ tục liên quan cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm mục đích huy động thêm nguồn ngoại tệ mạnh hỗ trợ nền kinh tế trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hôm 8/3, Thủ tướng Ai Cập, Tiến sĩ Mostafa Madbouly đã ban hành quyết định sửa đổi một số điều kiện và thủ tục cấp quốc tịch cho các nhà đầu tư nước ngoài, để đổi lấy việc mua các cơ sở, hoặc đầu tư vào các công ty hoặc ký gửi một khoản tiền bằng đồng USD.
Công báo Ai Cập đã đăng tải quyết định số 876 năm 2023 của Hội đồng Bộ trưởng Ai Cập về việc nới lỏng và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cấp quốc tịch cho người nước ngoài, để thu hút thêm nguồn ngoại tệ vào nền kinh tế Ai Cập.
Quyết định này xác định một số trường hợp cấp quốc tịch Ai Cập cho người nước ngoài. Đầu tiên là những người sở hữu bất động sản của nhà nước hoặc các pháp nhân công cộng, với số tiền không dưới 300.000 USD. Thứ hai, những người thành lập hoặc tham gia vào một dự án có giá trị ít nhất là 350.000 USD, với khoản tiền gửi 100.000 USD dưới dạng doanh thu trực tiếp bằng ngoại tệ vào kho bạc nhà nước và không được hoàn lại.
Thứ ba là những người gửi số tiền 500.000 USD dưới dạng khoản đặt cọc tại Ngân hàng Trung ương Ai Cập. Khoản tiền này sẽ được hoàn trả sau 3 năm bằng đồng bảng Ai Cập theo tỷ giá hối đoái được công bố tại thời điểm hoàn trả và không tính lãi. Thứ tư là những người gửi số tiền 250.000 USD, dưới dạng doanh thu ngoại tệ trực tiếp vào kho bạc công của Nhà nước và không được hoàn lại.
Tiến sỹ Osama Al-Saeed, nguyên Trưởng khoa Thương mại, Đại học Beni Suef, cho rằng các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng liên quan đến việc trao quốc tịch Ai Cập cho người nước ngoài là một bước đi nhằm thu hút ngoại tệ mạnh cho nền kinh tế quốc dân và hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng Ai Cập so với đồng USD. Nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện các bước tương tự để thu hút lượng ngoại hối lớn nhất có thể, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hiện nay./.