Ai Cập sẽ sớm thành lập chính phủ dân sự
VOV.VN -Ông Adly Mansour: Kế hoạch cho việc thành lập chính phủ dân sự đang đi đúng lộ trình.
Tổng thống lâm thời nước này ông Adly Mansour đã tuyên bố như vậy hôm 3/9 cùng với lời cảnh báo về những khó khăn trước mắt và nói thêm rằng luật tình trạng khẩn cấp sẽ sớm được gỡ bỏ.
Lời tuyên bố của ông đã được phát đi ngay sau khi hàng ngàn người Hồi giáo đã tràn ra các con đường ở những thành phố và thị trấn trên khắp Ai Cập tối ngày 3/9 để phản đối những nhà lãnh đạo mới được quân đội “chống lưng” và yêu cầu sự trở lại của ông Morsi.
Đây là đợt biểu tình tập thể ủng hộ Tổng thống bị lật đổ lần thứ hai chỉ trong vòng 4 ngày.
Các cuôc biểu tình vẫn liên tục diễn ra tại Ai Cập (Ảnh: Guardian) |
Chính phủ lâm thời đã tiến hành một loạt các cuộc đàn áp thẳng tay tổ chức Anh em Hồi Giáo của Tổng thống Morsi kể từ khi lật đổ Tổng thống được bầu cử tự do đầu tiên vào ngày 3/7 dẫn tới hàng loạt các cuộc biểu tình.
Chính phủ lâm thời cũng buộc tội và đưa những kẻ lãnh đạo của tổ chức này ra tòa với cáo buộc về việc khích động bạo lực, đầu độc và giết hàng trăm người Hồi giáo yêu cầu việc phục chức của ông Morsi, hầu hết trong số họ bị đàn áp khi tham gia hai buổi lễ cầu nguyện vào ngày 14/8.
Ông Mansour nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia nước này rằng quyết định đưa ra luật tình trạng khẩn cấp trong thời điểm đó là không hề dễ dàng, nhưng “việc khủng bố và cuộc chiến tàn độc gây ra bởi những kẻ cực đoan đã làm cho quyết định này trở thành quan trọng.”
Nếu như tình hình an ninh đang dần được cải thiện thì tình trạng khẩn cấp sẽ kết thúc theo đúng kế hoạch vào giữa tháng Chín, ông nói.
Ông Mansour cũng nói rằng một lộ trình quay lại với chính thể dân chủ, theo đó hiến pháp sẽ được sửa đổi cùng với các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sẽ diễn ra theo đúng lộ trình vào đầu năm tới.
“Vì Chúa, chúng ta sẽ cam kết thực hiện đúng từng bước theo thời điểm đã định.”
“Sẽ không có những phương án thay thế cho kế hoạch này bất chấp những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt.”
Mặc dù chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn đã bắt đầu khôi phục lại hệ thống an ninh chính trị đã từng bị trì hoãn, nhưng không hoàn toàn bị xóa bỏ sau cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, ông Mansour cam kết sẽ không bao giờ để những ngày tháng mà người dân bị cảnh sát mật kiểm soát quay trở lại.
“Vai trò của hệ thống an ninh tại Ai Cập bây giờ sẽ bị hạn chế trong việc bảo vệ an ninh cũng như bảo vệ người dân và họ sẽ không còn vai trò gì trong các vấn đề chính trị. Đó là một giai đoạn mà Ai Cập đã phải trải qua và nó sẽ không trở lại nữa, tôi đảm bảo là như vậy.”
Biểu tình trên toàn Ai Cập
Mặc dù việc trừng trị thẳng tay tổ chức Anh em Hồi Giáo đã phần nào làm dịu đi những cuộc biểu tình chống chính phủ, tổ chức này vẫn cho thấy rằng họ vẫn có thể vận động được hàng triệu người ủng hộ trên khắp cả nước.
Ngay sau khi cuộc biểu tình được phát sóng, các cuộc diễu hành đã đổ ra trên khắp các thành phố tại khu vực đồng bằng sông Nile, vùng thượng Ai Cập, dọc theo kênh đào Suez cũng như ở thủ đô Cairo để kỉ niệm hai tháng kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ.
Cho đến nay vẫn chưa có những báo cáo về tình trạng bạo lực trong đợt diễu hành hôm 3/9 được tổ chức với khẩu hiệu “Đảo chính là khủng bố”- ám chỉ việc mô tả của chính quyền về chiến dịch đàn áp tổ chức Anh em Hồi Giáo như một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Tại thành phố Nasr gần cung điện của Tổng thống Mansour, hàng trăm người diễu hành vẫy cờ của tổ chức Anh em Hồi giáo và hô vang “Cách mạng, cách mạng, cách mạnh sẽ còn tiếp tục!” và “Chính thể quân đội sụp đổ, sụp đổ!”
Một vài người còn mang hình ảnh của những người “tử vì đạo” bị giết trong đợt trừng phạt của chính phủ trong khi những người khác đứng hô vang bên cạnh những chiếc xe bọc thép được điều động xung quanh thủ đô.
Không hề có báo cáo về bạo lực, một việc hoàn toàn tương phản với cuộc biểu tình toàn quốc hôm 30/8 đã dẫn đến việc xô xát với lực lượng an ninh ở Cairo làm ít nhất 7 người thiệt mạng.
Tổ chức Anh em Hồi giáo cam kết rằng họ đã biểu tình hòa bình và cho rằng những cáo buộc đối với họ chỉ là cái cớ cho việc đàn áp bởi một chính thể “giành giật” quyền hành đang cố gắng tiêu diệt nhóm chính trị lâu đời nhất tại Ai Cập, vốn đã giành thắng lợi trong 5 kỳ bầu cử phổ thông kể từ năm 2011.
Một tòa án quân sự đã tuyên án tù giam với những người biểu tình ủng hộ ông Morsi vào ngày 3/9 với tội danh tấn công binh lính tại thành phố Suez.
Bạo động ở Suez nổ ra hôm 14/8 cùng với nhiều cuộc đụng độ trên khắp cả nước sau khi các trại của người biểu tình ở thủ đô Cairo bị phá hủy trong một chiến dịch dẫn đến việc 600 người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo bị giết cùng với hàng chục cảnh sát.
Theo bản án của tòa thì một người bị kết án chung thân trong vụ đụng độ ở Suez, ba người bị kết án 15 năm tù và 45 người khác là 5 năm tù.
Đóng cửa đài truyền hình
Các kênh truyền hình hoạt động dưới quyền kiểm soát của Tổ chức Anh em Hồi Giáo cũng như nhận được sự hậu thuẫn của tổ chức này đã trở thành nạn nhân của đợt trừng phạt của chính quyền.
Vào ngày 3/9, một tòa án ở Cairo đã ra lệnh đóng cửa các kênh truyền hình Ai Cập thuộc đài Al Jazeera, một kênh truyền hình toàn Arab được tài trợ bởi Qatar, một nước ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi Giáo cùng với ba kênh khác hoạt động bởi tổ chức này hoặc hậu thuẫn cho chúng.
Văn phòng tại Cairo của Al Jazeera đã bị đóng cửa kể từ khi họ bị lực lượng an ninh tấn công vài giờ sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ. Mặc dù vậy những nội dung của kênh này phát đi từ Qatar vẫn có thể xem được ở Ai Cập.
Trong một diễn biến khác, đài truyền hình quốc gia Nile TV nói rằng 15 người đã thiệt mạng trên bán đảo Sinai sau vụ phóng tên lửa. Các nhân chứng nói rằng máy bay trực thăng quân đội đã tấn công vào “thành lũy” của phiến quân gần Sheik Zweid, gần sát biên giới Israel và dải Gaza.
Các nguồn tin an ninh lại nói rằng trực thăng của chính phủ nhằm vào mục tiêu là các kho vũ khí và chất nổ đã giết chết ít nhất 8 người có vũ trang và làm bị thương 15 người.
Các cuộc tấn công của phiến quân vào lực lượng an ninh tại khu vực không được kiểm soát phía Bắc Sinai đã tăng lên kể từ khi ông Morsi bị lật đổ.
Quân đội đã buộc tội những người Palestine ở dải Gaza theo Hamas, một nhánh xa của Tổ chức Anh em Hồi Giáo về việc ủng hộ phiến quân.
Chính quyền Morsi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người và hàng hóa đi lại và giao thương dễ dàng giữa Ai Cập và Gaza.
Nhưng luật mới của Cairo đã thắt chặt việc kiểm soát và đóng cửa hoàn toàn những đường buôn lậu qua các kênh đào mà quân đội cho rằng đã được sử dụng để tuồn vũ khí và binh lính qua biên giới.
Người dân địa phương hôm 3/9 nói rằng lực lượng an ninh Ai Cập đã phá hủy 20 ngôi nhà dọc biên giới vì nghi ngờ chúng được dùng để che đậy việc xâm nhập bất hợp pháp qua các kênh đào hoặc che chở cho các hoạt động của phiến quân./.