Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần 42 tại Indonesia
VOV.VN - Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam lên đường dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 từ ngày 9 – 11/5 tại Labuan Bajo, Indonesia.
8h sáng nay 9/5, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh rời Thủ đô Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 từ ngày 9 – 11/5 tại Labuan Bajo, Indonesia theo lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42.
Thành phần đoàn Việt Nam dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 lần này gồm có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Bộ trưởng thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kinh tế thế giới có những dấu hiệu phục hồi sau đại dịch tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sản xuất, thương mại, đầu tư thấp; lĩnh vực tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều bất an; quá trình tái cơ cấu sản xuất, thương mại, đầu tư, tiêu dùng... tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được nhiều quốc gia đặt ở vị trí ưu tiên. Một số nền kinh tế lớn đã chứng tỏ khả năng thích ứng và chống chịu tốt trước các biến động. Đáng chú ý, kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở lại đóng vai trò động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023.
ASEAN đang nỗ lực hoàn tất Kế hoạch Tổng thể 2025 trên cả ba trụ cột và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, trong đó chú trọng nâng cao năng lực thể chế, thúc đẩy hợp tác theo các xu hướng lớn hiện nay như phục hồi bao trùm, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững... Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được tăng cường trong thời gian qua. Một số đối tác đưa ra các sáng kiến, đề xuất cụ thể như nâng cấp quan hệ đối tác, triển khai những nội dung ưu tiên trong quan hệ, tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm hoặc Hội nghị cấp cao đầu tiên với ASEAN.
Với chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 là “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”, Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 sẽ đưa ra nhiều ưu tiên, sáng kiến cụ thể nhằm nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN và đưa ASEAN trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu, trong đó đặc biệt chú trọng đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính kinh tế... với nhiều đề xuất trên cả ba trụ cột Cộng đồng.
Các phiên họp của Hội nghị cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, phiên họp hẹp sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Dự kiến Hội nghị ASEAN lần thứ 42 sẽ thông qua nhiều văn kiện quan trọng về các lĩnh vực hợp tác trên cả 3 trụ cột cộng đồng chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, trong đó đáng chú ý có các Tuyên bố về hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, ứng phó nạn mua bán người do sử dụng công nghệ trái mục đích, thiết lập hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN, thành lập Mạng lưới làng xã ASEAN và thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ.
Để triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”.
Chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới; góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra. Cùng với đó giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực và Biển Đông. Đồng thời khẳng định lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam là kết nối hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu./.