Ấn Độ lập ủy ban điều tra hoạt động theo dõi mạng của Trung Quốc
VOV.VN - Chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban điều tra để làm rõ vụ việc Trung Quốc giám sát, thu thập thông tin các nhân vật quan trọng tại Ấn Độ.
Ít ngày sau khi xuất hiện thông tin nhiều chính trị gia, quan chức chính phủ và nhà báo của Ấn Độ bị một công ty công nghệ thông tin có trụ sở tại Trung Quốc theo dõi và thu thập dữ liệu, Chính phủ Ấn Độ đã lập một ủy ban điều tra vụ việc.
Trong một bức thư gửi lãnh đạo Quốc hội Ấn Độ hôm thứ Ba, Ngoại trưởng nước này Subrahmanyam Jaishankar cho biết Chính phủ đã thành lập một ủy ban điều tra để làm rõ vụ việc Trung Quốc giám sát, thu thập thông tin các nhân vật quan trọng tại Ấn Độ. Ủy ban này sẽ gồm các chuyên gia về công nghệ và an ninh, nằm dưới sự điều hành của Điều phối viên An ninh Mạng Quốc gia và sẽ công bố báo cáo trong vòng 30 ngày.
Theo các thông tin mà tờ Indian Express công bố đầu tuần này, Công ty Công nghệ Thông tin Dữ liệu Zhenhua có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được cho là đã xây dựng kho dữ liệu của khoảng 2,4 triệu người trên toàn cầu; trong đó, khoảng 10.000 người Ấn Độ nằm trong danh sách theo dõi của công ty này. Đáng chú ý, cả Tổng thống, phó Tổng thống, Thủ tướng, lãnh đạo đảng đối lập, Tư lệnh Lục quân và nhiều nghị sỹ Ấn Độ đã từng bị theo dõi mà không ai hay biết.
Dư luận Ấn Độ nghi ngờ công ty Zhenhua có mối liên hệ với Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc. Khi được chính phủ Ấn Độ yêu cầu giải thích về các hoạt động đáng ngờ của Zhenhua, đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông đã bác bỏ bất cứ mối liên hệ nào giữa Chính phủ Trung Quốc và công ty này, và khẳng định đây là ‘một công ty tư nhân’. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Zhenhua là một công ty tư nhân chuyên phục vụ khách hàng là các cơ sở nghiên cứu và nhóm doanh nghiệp. Công ty này không thu thập dữ liệu mà chỉ huy động dữ liệu từ các nguồn mở và được cho phép trên mạng./.