Ấn Độ muốn Mỹ không “nhìn hạn hẹp” về thỏa thuận cảng Chabahar với Iran
VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar ngày 14/5 nhấn mạnh, việc nước này ký kết thỏa thuận vận hành cảng Chabahar với Iran trong 10 năm sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Ấn Độ đồng thời kêu gọi các bên không nên có “cái nhìn hạn hẹp” về dự án.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ được đưa ra sau khi Mỹ cảnh báo về khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hợp tác với Iran. Điều này diễn ra ngay sau khi Ấn Độ và Iran ký kết thỏa thuận quan trọng hôm 13/5.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar cũng chỉ ra rằng, Mỹ là quốc gia đã từng đánh giá cao tầm quan trọng của cảng Chabahar trong quá khứ. Ông Jaishankar khẳng định rằng mục tiêu chính là thuyết phục các bên thừa nhận giá trị của dự án này đối với người dân, và Ấn Độ cam kết sẽ giải quyết vấn đề này.
Ông Jaishankar cho biết, mặc dù Ấn Độ đã tham gia lâu dài trong dự án, việc ký kết một hiệp định dài hạn là điều cần thiết và sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực. New Delhi đang nỗ lực giải quyết các thách thức để có thể đạt được thỏa thuận này.
Trước đó, Mỹ đã đưa ra cảnh báo đối với các quốc gia cần cân nhắc giao dịch với Tehran. Các nước cần phải ý thức được rủi ro của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel, khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vẫn còn hiệu lực và sẽ được thực thi.
Hôm 13/5, công ty TNHH Cảng toàn cầu Ấn Độ (IPGL) và Tổ chức Hàng hải và cảng của Iran (PMO) đã ký kết một hợp đồng dài hạn, cho phép vận hành cảng Shahid-Behesti thuộc Dự án Phát triển cảng Chabahar trong thời gian 10 năm.
Cảng Chabahar, một dự án hợp tác chủ chốt giữa Ấn Độ và Iran, đóng vai trò là cảng trung chuyển chiến lược cho giao thương với Afghanistan và các quốc gia Trung Á không giáp biển. Ấn Độ đã đóng góp quan trọng trong việc phát triển và vận hành cảng này, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cấp cơ sở vật chất nhằm đưa cảng Chabahar thành tuyến đường vận chuyển hàng hóa quan trọng đến Afghanistan và Trung Á.