Ấn Độ tung gói cứu trợ 1.700 tỷ rupee đối phó với hậu quả của Covid-19
VOV.VN - Ấn Độ ngày 26/3 công bố gói cứu trợ kinh tế tổng hợp trị giá 1.700 tỷ rupee (23 tỷ USD) nhằm hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmana Sitharaman cho biết các khoản cứu trợ sẽ dành cho phụ nữ, lao động nhập cư, khu vực yếu thế trong xã hội. Theo đó, chính phủ Ấn Độ hướng gói kích thích kinh tế này tới việc giải quyết vấn đề của các nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmana Sitharaman. Ảnh: KT |
Việc cứu trợ sẽ tiến hành theo hai cách: trao tiền mặt trực tiếp và thông qua các biện pháp hỗ trợ về lương thực. Theo bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, chính phủ không muốn bất cứ người dân nào bị đói, hay thiếu tiền trang trải cuộc sống khi mà họ mất thu nhập, việc làm do tình trạng giới nghiêm gây ra. Vì vậy, họ sẽ nhận được các khoản trợ cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt.
Đối tượng nhận cứu trợ gồm cả ở nông thông và thành thị. Ngoài ra, bà Sitharaman cũng bày tỏ sự cảm ơn tới những người đang phục vụ việc chữa trị và kiểm soát dịch Covid-19 – gồm các bác sĩ, y tá, nhân viên cấp cứu…
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Sitharaman nói: “Với sự trân trọng của mình, tôi muốn cảm ơn những chiến binh ở tuyến đầu trong cuộc chiến tranh chống lại virus SARS-CoV-2. Họ đã đặt công việc lên trước tiên, bất chấp rủi ro mà bệnh dịch gây ra với chính mình. Họ có thể là những nhân viên vệ sinh, bác sĩ dịch tễ trong các bệnh viện công. Họ cũng có thể là các dược sĩ, y tá. Chính phủ Ấn Độ cũng đã cấp cho mỗi y bác sĩ một gói bảo hiểm y tế có giá trị chi trả lên tới 5 triệu rupee trong trường hợp họ không may nhiễn Covid-19 trong khi thực thi công việc”.
Tuần trước, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố một nhóm đặc trách về kinh tế do bộ trưởng Tài chính Sitharaman đứng đầu. Nhóm này sẽ xử lý những vấn đề kinh tế phát sinh do dịch Covid-19 và lệnh giới nghiêm kéo dài 21 ngày trên toàn quốc gây ra. Lệnh giới nghiêm trên Ấn Độ bắt đầu từ đêm ngày 24/3 được dự báo sẽ tác động mạnh lên kinh tế Ấn Độ.
Nước này có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm nay. Điều này cũng có nghĩa Ấn Độ sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng danh nghĩa 10% trong năm tài khóa tới (2020-2021). Các nhà phân tích dự báo đầu tư và tiêu dùng, hai động lực kinh tế lớn sẽ sụt giảm mạnh, thất nghiệp sẽ gia tăng sau đại dịch Covid-19. Điều này cũng sẽ đẩy nhiều người dân Ấn Độ trở lại đói nghèo trong thời gian tới./.