Ấn Độ và Nga hướng về một thế giới đa cực trong kỷ nguyên “Trump“
VOV.VN -Ấn Độ và Nga tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ kinh tế và chiến lược song phương trước sức ép về địa chính trị gia tăng.
Cuộc họp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở thành phố miền Nam nước Nga Sochi gần đây là một bước tiến nữa đến chiến lược ngoại giao song phương đã được điều chỉnh linh hoạt và khôn khéo của ông Modi.
Nga và Ấn Độ có mối quan hệ lâu dài và cả hai nước chia sẻ những lợi ích chung về những vấn đề toàn cầu lớn từ đấu tranh chống khủng bố đến biến đổi khí hậu.
Ấn Độ thấu hiểu rằng không còn có thể lệ thuộc vào sự viện trợ của Nga như trong thời kỳ Xô Viết trước đây. Kể từ thập niên 1950, quốc phòng là lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa Ấn Độ và Nga, và mối quan hệ hợp tác này từng bước được chuyển từ quan hệ mua-bán sang hợp tác nghiên cứu và phát triển thiết bị và công nghệ phòng thủ.
Cả hai nước đang cố gắng duy trì quan hệ nồng ấm đồng thời khai thông những vấn đề địa chính trị dai dẳng.
Ấn Độ muốn giảm thiểu sự lệ thuộc vào vũ khí của Nga và Nga đang có những động thái để tìm kiếm mối quan hệ mới với nước 'kỳ phùng địch thủ' của Ấn Độ là Pakistan.
Điều này có thể được minh chứng bằng việc Nga có thiện ý bán phương tiện vận chuyển quân sự cho Pakistan và qua đó có thể mở cửa cho một quan hệ quân sự chặt chẽ hơn. Ông Modi mô tả mối quan hệ Ấn-Nga là “quan hệ chiến lược đặc biệt và ưu tiên”.
Tờ “Thời báo Kinh tế” Ấn Độ vào ngày 23/5 vừa qua đã đưa tin Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin nhất trí về sự cần thiết thiết lập kiến trúc an ninh phi khối trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay ở giữa thời điểm Ấn Độ đang phối hợp với Mỹ, Nhật và Australia để đem lại sự ổn định về trật tự dựa trên nguyên tắc trong khu vực này.
Những lợi ích chung
Theo thông cáo chính thức của văn phòng Thủ tướng Modi sau cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Ấn -Nga, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi đã thảo luận một loạt những vấn đề quốc tế, bao gồm “tầm quan trọng của việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực.”
Vai trò của Trung Quốc và Mỹ trong một trật tự thế giới đa cực không được nêu cụ thể trong tuyên bố này, song Ấn Độ đã phải định lượng được mối quan hệ của mình trên 'bàn cờ' Nga - Mỹ - Trung. Luận điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Trump đã làm dấy lên mối hoài nghi về sự sẵn sàng của Mỹ để trực tiếp đối trọng với sức ép kinh tế và chiến lược gia tăng của Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có cuộc gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng 4 năm nay |
Thêm vào đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga tác động đến các nước thứ ba trong hoạt động kinh doanh tại Nga cùng với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước nguyên tử Iran là những lĩnh vực cả Ấn Độ và Nga cùng quan ngại.
Nga cũng là cầu nối để Ấn Độ trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối chính trị, kinh tế và an ninh Âu – Á. Ấn Độ muốn sử dụng mối quan hệ hợp tác này để đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của riêng mình.
Ông Modi đã dẫn lời cựu Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee để nhấn mạnh rằng Ấn Độ muốn coi Nga là đối tác quan trọng và đáng tin cậy, có vai trò quan trọng trong thế giới đa cực.
Trật tự thế giới ngày càng khó lường
Bất chấp mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan, vai trò của Trung Quốc trong vùng Kashmir do Pakistan nắm giữ và những giao tranh ở đường biên với Ấn Độ, cả hai nước Án Độ và Nga cố gắng không làm quan hệ thương mại song phương trở nên xấu đi.
Tuy nhiên, Ấn Độ vấn khá yếu về phòng thủ và kinh doanh. Nước Nam Á cần phải mua khí tài quân sự và các hệ thống vũ khí tối tân trị giá 12 tỉ USD của Nga. Trong năm năm qua, Nga là nguồn cung cấp 62% trang bị quốc phòng nhập khẩu vào Ấn Độ.
Mối quan hệ sâu sắc giữa Ấn Độ và Nga còn ở các lĩnh vực khác, như thám hiểm vũ trụ và năng lượng. Năm 2009, cả hai nước đã ký một thoả thuận tên lửa dân sự nhằm bảo đảm việc chuyển giao các công nghệ lò phản ứng và cung cấp nhiên liệu uranium đến Ấn Độ. Nga còn hỗ trợ nước Nam Á này trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới. Hoạt động đầu tư của Nga vào Ấn Độ bao trùm các lĩnh vực như năng lượng nguyên tử và viễn thông. Các công ty Ấn Độ đầu tư nhiều vào hydrocarbon của Nga và tham gia hợp tác thăm dò và khoan dầu khí.
Sau cuộc hợp giữa ông Modi và Putin vào ngày 21/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cho hãng thông tấn Nga TASS biết rằng Ấn Độ đặt kế hoạch kiến tạo một khu vực mậu dịch tự do với Liên minh Kinh tế Âu - Á do Nga dẫn đầu và các cuộc đàm phán có thể được khởi động vào mùa thu năm nay.
Mối quan hệ mạnh giữa Nga và Ấn Độ phù hợp với lợi ích của hai nước trong bối cảnh khó dự đoán về chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Trump. Đó có thể là lý do cả hai nhà lãnh đạo Modi và Putin chủ động tăng cường nỗ lực để duy trì sự ổn định trong một trật tự thế giới ngày càng khó lường./.