Anh bỏ phiếu lần 3 về thỏa thuận Brexit - ván cược của Thủ tướng May
VOV.VN - Chính trường nước Anh đang rối như canh hẹ trước lần bỏ phiếu thứ 3 về thỏa thuận Brexit. Liệu ván cược này của Thủ tướng May có thành công?
Chính phủ Anh hôm nay (29/3) sẽ lần thứ 3 trình lên Nghị viện nước này thỏa thuận chia tay với Liên minh châu Âu, sau khi nhận được đèn xanh từ Chủ tịch Hạ viện John Bercow.
Diễn biến mới nhất này liệu có mở ra cơ hội chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay liên quan tới tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit hay không? Không ai có thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn, nhất là khi không gì là không thể trong nền chính trị nước Anh hiện nay.
Ông Bercow. Ảnh: The National. |
Chủ tịch Hạ viện John Bercow hôm qua (28/3) tuyên bố, sẽ có thêm một cuộc bỏ phiếu nữa đối với thỏa thuận Brexit, về cơ bản là khác với 2 lần bỏ phiếu trước đó và phù hợp với những điều kiện đã đặt ra. Hồi tuần trước, cũng chính ông John Bercow đã bác bỏ khả năng này, với lý do những đề xuất về cơ bản vẫn được giữ nguyên thì không thể mang ra bỏ phiếu tại hạ viện nhiều hơn một lần trong một kỳ họp.
Trong nỗ lực vượt qua rào cản này, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã quyết định trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay sẽ chỉ trình lên Nghị viện Anh một phần thỏa thuận, tức là chỉ có thỏa thuận rút khỏi Liên minh châu Âu mà không có phần tuyên bố chính trị như hai lần bỏ phiếu trước. Tuyên bố chính trị xác định mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu.
Phe đối lập đã ngay lập tức phản đối mạnh mẽ bước đi này. Theo Người phát ngôn Công đảng Keir Starmer, nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu mà không có khái niệm dù là ít nhất về tương lai của chính mình và điều này là không thể chấp nhận và Công đảng sẽ phản đối.
Việc thông qua thỏa thuận chia tay là điều kiện tiên quyết mà Liên minh châu Âu đặt ra để chấp thuận yêu cầu của chính phủ Anh gia hạn Brexit đến ngày 22/5, tức là tới trước thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử châu Âu.
Phát biểu trước Hạ viện, Bộ trưởng phụ trách các mối quan hệ với Nghị viện Andrea Leadsom một lần nữa kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ văn kiện mà họ đã 2 lần bác bỏ trước đó để tránh bị rơi vào tình huống phải xin gia hạn thêm Brexit và buộc phải tham gia các cuộc bầu cử tại châu Âu: “Liên minh châu Âu sẽ chỉ chấp nhận gia hạn Điều 50 đến ngày 22/5 nếu thỏa thuận Brexit được thông qua trước 23h ngày 29/3. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải triển khai mọi nỗ lực có thể nhằm đạt được một kết quả tích cực tại Hạ viện. Tôi tin rằng không ai trong chúng ta mong muốn bị rơi vào tình huống phải xin gia hạn Brexit thêm nữa và buộc phải tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu".
Được xem như nước cờ cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận, Thủ tướng Theresa May tối 27/3 đã chấp nhận “đánh đổi” chiếc ghế Thủ tướng Anh để có thể nhận thêm các lá phiếu ủng hộ, đặc biệt từ phía các nghị sĩ chống đối trong nội bộ đảng Bảo thủ. Tờ Mail Daily số ra hôm nay đã đặt câu hỏi: “Sự hi sinh của Thủ tướng Theresa May liệu có vô ích?”.
Đâu là hồi kết cho Brexit?
Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, một đối thủ của Thủ tướng Theresa May và là người ủng hộ mạnh mẽ kịch bản một Brexit không thỏa thuận đã thông báo, sẽ ủng hộ thỏa thuận chia tay. Và theo tính toán của truyền thông Anh, số lượng những nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ đã giảm xuống còn 16. Tuy nhiên, để lần bỏ phiếu thứ 3 này đạt kết quả như ý muốn, bà Theresa May vẫn cần đến sự ủng hộ của đảng Dân chủ hợp nhất. Song cho đến tận giờ phút này, đảng lớn nhất tại Bắc Ireland này vẫn tuyên bố, không nên tính họ vào. 10 nghị sĩ của đảng tới nay vẫn kiên quyết nói “không” với điều khoản “chốt chặn cuối cùng”, cho rằng đây là mối đe dọa không thể chấp nhận đối với sự toàn vẹn của Vương quốc Liên hiệp Anh.
Với một chính trường nước Anh “rối như canh hẹ”, giới kinh tế không còn quá trông mong vào kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay. Người đứng đầu phòng thương mại Anh Adam Marshall hôm qua cáo buộc, giới chính trị Anh đang kéo các doanh nghiệp đi xuống trước khi kêu gọi các doanh nghiệp hãy ngừng ảo tưởng.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn quyết không thay đổi lập trường khi giữ nguyên thời hạn đặt ra cho nước Anh, với 2 lựa chọn: một là thỏa thuận chia tay được thông qua trong tuần này và thời điểm Anh rời Liên minh châu Âu sẽ được đẩy lùi tới ngày 22/5. Hoặc là thỏa thuận bị bác bỏ và Anh sẽ có thời hạn tới ngày 12/4 để đưa ra giải pháp thay thế và yêu cầu gia hạn thêm. Nếu không, Anh sẽ phải chấp nhận một sự chia tay không có thỏa thuận. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margarite Schinas tuyên bố: “Nếu thỏa thuận chia tay không được thông qua từ nay đến cuối tuần, điều 50 sẽ được gia hạn tới ngày 12/4 và trách nhiệm thuộc về nước Anh phải thông báo cho chúng tôi con đường mà họ sẽ đi”./.