Anh-EU cần thêm thời gian để đi tới một thỏa thuận tốt
VOV.VN - Anh và Liên minh châu Âu (EU) quyết định sẽ kéo dài đàm phán thương mại hậu Brexit sau thời hạn chót ngày 13/12.
Bất chấp thực tế đàm phán liên tục gặp bế tắc, các cuộc thương lượng dai dẳng suốt gần một năm qua không mang lại nhiều tiến triển cụ thể, song hai bên vẫn hy vọng có thêm thời gian để đi tới một “thỏa thuận tốt”.
Thời hạn chót lại bị bỏ lỡ nhưng Anh và Liên minh châu Âu vẫn quyết định sẽ "đi xa hơn", tiếp tục xúc tiến các cuộc đàm phán với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả hai bên cho giai đoạn hậu Brexit. Quyết định này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của giới lãnh đạo châu Âu. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh, các bên cần nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận “tốt”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo tại Berlin cũng khẳng định: “Tất nhiên theo quan điểm của tôi chúng ta nên cố gắng hết sức để đạt được kết quả như mong đợi. Mọi cơ hội đạt được một thỏa thuận rất đáng được hoan nghênh.”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ireland Simon Conveney cho rằng, đàm phán hậu Brexit là một dấu hiệu tốt, đồng thời nhận định việc đạt được một thỏa thuận rõ ràng là rất khó, song có thể thực hiện được.
Hiện tại, Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về ba nội dung cốt lõi liên quan đến quyền đánh bắt cá, sân chơi bình đẳng và giải quyết tranh chấp. Cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều thừa nhận rằng, thời điểm hiện tại, rất khó để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại, mặc dù vậy hai bên quyết không từ bỏ cơ hội cuối cùng với hy vọng đàm phán sẽ mang lại kết quả.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ làm hết sức mình để ngăn chặn tình trạng lộn xộn có thể xảy ra khi hai bên kết thúc thời kỳ chuyển tiếp vào ngày 31/12 tới.
“Vương quốc Anh chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội đàm phán. Tôi nghĩ mọi người đều sẽ mong đợi chúng tôi đi xa hơn nữa. Tôi muốn nhắc lại lời đề nghị của mình, đó là, nếu cần thiết, tôi sẵn sàng tới các nước để thương thuyết hướng tới đạt được một thỏa thuận, tôi rất vui khi làm như vậy”, ông Johnson nhấn mạnh.
Trong trường hợp Anh và Liên minh châu Âu không đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ phải áp dụng các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại như áp đặt thuế quan và hạn ngạch.
Trước thực tế cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn hậu Brexit là không cao, Anh và Liên minh châu Âu vẫn chuẩn bị sẵn tâm lý và mọi kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất- Brexit không có thỏa thuận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây cảnh báo Liên minh châu Âu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cho "kịch bản không thỏa thuận" với Anh sau giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Trong khi, phía Anh cũng đang lên kế hoạch cho gói cứu trợ lên tới 10 tỷ bảng dành cho các ngành có nguy cơ chịu tác động nặng nề bởi Brexit không thỏa thuận. Gói cứu trợ này dành cho các đối tượng là người nuôi cừu, ngư dân, nhà cung cấp chất hóa học, sản xuất xe ô tô…
Nhiều Bộ trưởng Anh vừa lên tiếng cảnh báo các hãng bán lẻ chuẩn bị cho khả năng người dân mua sắm ồ ạt, tích trữ thực phẩm tại nước này nếu Anh-EU không đạt được thỏa thuận. Ngành tài chính ở Anh cũng đang nín thở dõi theo trước triển vọng không đạt được thỏa thuận Brexit nào khi thời hạn kết thúc giai đoạn chuyển tiếp 31/12 cận kề./.