Anh gây sức ép với Australia về vấn đề biến đổi khí hậu
VOV.VN - Anh sẽ là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm tới.
Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm 2021, Anh đang gây sức ép để Australia cam kết mạnh mẽ hơn trong việc làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy vậy, Thủ tướng Australia khẳng định, nước này có cách thức riêng để mục tiêu đề ra.
Trong cuộc điện đàm ngày 27/10 với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh về việc cần phải có hành động mạnh mẽ trong vấn đề biến đổi khí hậu trong đó khẳng định kinh nghiệm của Anh cho thấy phát triển kinh tế vẫn đi đôi với nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Sở dĩ Thủ tướng Anh nêu quan điểm này vì cho đến nay, Australia vẫn từ chối đưa ra cam kết đối với mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Thủ tướng Scott Morrison khẳng định, đây là vấn đề thuộc chủ quyền của Australia và nước này sẽ có cách thức riêng để đạt mục tiêu này.
“Chính sách của chúng ta sẽ được quyết định tại Australia. Đưa ra các quyết định về tương lai của Australia là chủ quyền của chúng ta. Cam kết mà tôi đưa ra đối với Australia là công nghệ chứ không phải là thuế. Điều này không chỉ quan trọng ở khía cạnh làm thế nào để chúng ta chuyển đổi nền kinh tế sang việc giảm phát thải mà còn quan trọng ở chỗ chúng ta cần phải tạo ra sự thay đổi ở các nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới”, ông Morrison nói.
Australia lo ngại việc cưỡng ép cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, trong đó có than đá, nguồn nhiên liệu chính để sản xuất năng lượng ở nước này sẽ làm gia tăng số người thất nghiệp và làm tăng giá cả hàng hóa. Vì vậy, trong chiến lược năng lượng được công bố hồi tháng 9/2020, chính phủ Australia khẳng định sẽ khuyến khích phát triển 5 công nghệ hiện đại để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính bao gồm hydrogen sạch, lưu trữ năng lượng, thép xanh và nhôm, thu giữ và lưu trữ carbon và các dự án carbon trong đất. Để đạt được mục tiêu này, Australia đầu tư 18 tỷ AUD vào các công nghệ mới.
Bên cạnh nguồn quỹ của chính phủ, đầu tư tư nhân cũng sẽ đổ dồn vào những công nghệ này với tổng số tiền đầu tư ước tính lên đến 50 tỷ AUD vào năm 2030. Thủ tướng Australia Scott Morrison hy vọng, việc đầu tư vào công nghệ giảm phát thải để hạ giá thành các ứng dụng của công nghệ này cũng như phổ biến chúng sẽ là cách thức giúp nước này đạt được muc tiêu không phát thải vào năm 2050./.